| Hotline: 0983.970.780

Ca dao về cái tàu điện ở đất 'ngàn năm văn vật'

Chủ Nhật 02/09/2018 , 09:05 (GMT+7)

Sự xuất hiện của những chiếc tàu điện ở chốn “ngàn năm văn vật” đã khiến cho người dân ở chốn “rồng bay” vô cùng thán phục. 

Vì thế, vào đầu thế kỷ thứ XX, khi những chiếc tàu điện đầu tiên đổ chuông leng keng trên ba mươi sáu phố phường, thì ở Hà Nội, người ta truyền nhau một bài ca dao về thứ sản phẩm đặc biệt của nền công nghiệp này. Bài ca dao có những câu mở đầu như sau: “Ông Tây ngồi nghĩ cũng tài/ Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh/ Ông Tây ngồi nghĩ cũng sành/ Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường...”.

tu-din-3-thumb-1200155718850
Tàu điện Hà Nội xưa

Sau khi “ngồi nghĩ” chán chê về những cái “tài”, cái “sành” của “ông Tây” rồi, người ta dạo quanh phố phường, và thấy “La ga thì ở Thụy Chương/ Dây đồng cột sắt, tìm đường kéo lên...”

“La ga” tức là nhà ga chính của tàu. Năng lượng dùng để vận hành tàu được truyền trực tiếp từ đường dây điện mắc trên đường vào động cơ tàu thông qua một thanh dẫn, một đầu thanh dẫn có bánh xe trượt lăn trên dây điện còn đầu kia nối với động cơ tàu, nên tàu điện xuất hiện ở đâu thì “dây đồng cột sắt” phải theo đi đến đó. Từ khi có người Tây, thì xã hội xuất hiện thêm một nghề mới. Đó là nghề “bồi”. Theo những tài liệu còn lưu lại, và nhất là theo lời kể của những bậc cao niên đã sống qua hai chế độ, thì ngoài những người thuộc tầng lớp cai trị (công sứ, tri huyện, tri phủ trở lên) và tầng lớp tư sản, thì một viên chức người Pháp hay viên chức cao cấp người Việt làm việc cho các công sở Pháp cũng có thể nuôi cả một đội ngũ phục vụ như “sốp phơ” (lái xe ô tô), phu xe (không có ô tô thì dùng xe kéo), con sen (hầu gái) bồi bếp (người nấu ăn), vú em... Những người này tuy không đến nỗi rách áo đói cơm, nhưng địa vị thì rất thấp kém. Tuy vậy cũng không thiếu những anh bồi hầu hạ trong các gia đình có thế lực, ra ngoài cậy thế chủ, vênh mặt làm càn. Nhà văn Nam Cao đã có một truyện ngắn viết về “bố con bồi Phăng đi bồi Tây, cậy thế chủ về làng làm loạn lên một dạo rồi lại kéo nhau đi bồi Tây”. Nhưng từ khi có cái tàu điện, thì nghề “bồi” không còn hấp dẫn nữa, bởi vì “Bồi bếp cho chí bồi bàn/ Chạy tiền ký cược đi làm xơ vơ”.

“Xơ vơ”, tức là công việc xé vé trên tàu. Công việc này rõ ràng là nhàn hạ hơn, lương cao hơn, lại được theo tàu vi vu khắp phố phường thay vì chỉ quanh quẩn trong nhà chủ, mà địa vị rõ ràng là cao hơn dưới mắt người đời. Dưới mắt người dân ba mươi sáu phố phường, thì cái tàu điện là chuyện xưa nay chưa bao giờ có.

“Xưa nay có thế bao giờ/ Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba”

Quả là chưa từng có thật. Xã hội Việt Nam từ ngàn đời xưa cho đến lúc đó, việc di chuyển dựa hoàn toàn vào đôi chân. Quan có kiệu, có võng, dùng người khiêng, đi chậm như rùa. Binh lính hành quân đánh trận cũng dùng chân là chủ yếu, chỉ tướng soái và rất ít kỵ binh mới có ngựa. Nhưng một là sức ngựa có hạn. Người lính dùng ngựa ngoài việc mang lương cho người, còn phải mang cả thảo (cỏ) cho ngựa (chữ "lương thảo" bắt nguồn từ đó). Nhưng, điều quan trọng hơn chính là sự bất bình đẳng trong việc di chuyển ấy. Chỉ quan, tướng mới được dùng kiệu, dùng ngựa, kể cả quần áo, nhà cửa, cũng có sự phân biệt rất nghiêm khắc. Người thường dù giầu có đến đâu cũng không được phép dùng những thứ đó. Nay cái xe điện “đứng chờ ngã ba”, không chỉ mang đến cho xã hội sự thuận lợi, mà còn mang đến cả sự bình đẳng nữa. Ông công sứ, ông tổng đốc, thầy thông, thầy ký... cho đến người bình dân, ai cũng có thể bước lên xe điện, miễn là có tiền, và đều được phục vụ như nhau một cách bình đẳng. Tại nhiều nước, tổng thống, thủ tướng đi xe điện đi làm,l à chuyện hết sức bình thường. Và trong lúc tàu di chuyển, mọi người có thể trò truyện thoải mái với nhau. Nói công nghiệp mang lại sự bình đẳng, chính là thế.

Hành khách đi tàu điện hồi ấy ở Hà Nội là những ai? Đó là tất cả “Liền ông cho chí liền bà/ Ai mà sang trọng thì là nhảy lên/Ba xu cũng đáng đồng tiền/Một thôi về Bưởi, bằng Tiên non Bồng”

phung-hung-pho-di-bo-nghe-thut-8-15186758984901767838028155718652
Mô phỏng tàu điện xưa

Đọc đến những câu này, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của thi sỹ người Dao Bàn Tài Đoàn. Ngày mới có đường ô tô lên Hà Giang, nhà thơ sướng quá, đã thốt lên:

“Có ai muốn đến Hà Giang đấy/ Có ai muốn về Hà Giang chơi/ Ra đường lên xe đi vui sướng/ Còn muốn ngồi thêm đã đến nơi”.

Vé tàu điện loại bình dân hồi ấy là 3 xu. Về giá cả, thì một xu một bát phở. Nếu lấy giá phở bình dân bây giờ là 25 ngàn đồng một bát, thì giá đó tương đươngvới 75 ngàn, hay là 3 đô la Mỹ. Quả là không rẻ một chút nào. Còn loại vé cao cấp hơn, được ngồi ghế đệm bông, thì 5 xu một tấm. Thế nên bài ca dao trên mới kết thúc bằng câu “Năm xu ngồi ghế đệm bông/ Hỏi mình có sướng hay không, hở mình?”.

Bây giờ, chúng ta sắp có tàu điện trên cao. Nhưng tôi để ý mãi, không thấy có bài ca dao nào xuất hiện.

(Kiến thức gia đình số 35)

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

Tiền đạo Đình Bắc báo tin không vui

Tiền đạo Nguyễn Đình Bắc có nguy cơ phải nghỉ hết vòng bảng giải U23 châu Á 2024 vì chấn thương cổ chân.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.