| Hotline: 0983.970.780

Cả đời giúp người nghèo

Thứ Tư 09/11/2011 , 10:17 (GMT+7)

Làm thuốc là nghề gia truyền của họ Mai ở Tân Phước Khánh (Tân Uyên, Bình Dương). Làm phước thiện cũng là truyền thống của dòng họ này.

Ông Mường đang khám bệnh
Đã ngoài 80 nhưng lương y Mai Văn Mường vẫn giữ lịch khám bệnh đều đặn, sáng từ 7 rưỡi đến 11 giờ. Nghỉ trưa một lát rồi lại làm việc từ 2 rưỡi đến 4 rưỡi chiều. Mỗi tháng chỉ nghỉ vỏn vẹn 2 ngày vào mùng 1 và 15 âm lịch. Lịch là vậy, nhưng khi người bệnh đến sớm hoặc đến muộn hơn, ông vẫn khám bệnh, bốc thuốc nhiệt tình.

Nhìn ông ghi chép ngoay ngoáy vào cuốn sổ nhỏ, hay bấm dò danh bạ điện thoại di động một cách nhanh nhẹn mà chẳng cần phải đeo kính lão, tôi thầm ước đến lúc cỡ tuổi ông bây giờ, mình vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, chẳng cần kính kiếc gì cả.

“Bí quyết của tôi đơn giản thôi. Tập thể dục dưỡng sinh đều đặn. Tối nào cũng niệm Phật vừa thanh tĩnh tinh thần, vừa cho không khí được lưu chuyển, vào ra cơ thể mình. Ăn rau, ăn cá, hạn chế ăn thịt. Sống theo tinh thần nhà Phật: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần. Thanh tâm, tiết dục, thủ chân, luyện hình”, ông Mường cho hay.

Làm thuốc là nghề gia truyền của họ Mai ở Tân Phước Khánh (Tân Uyên, Bình Dương). Làm phước thiện cũng là truyền thống của dòng họ này. Từ khi còn nhỏ, ông Mường đã theo ông nội, theo cha, mang thuốc sang chùa Hưng Đức Tự ở thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) để chữa bệnh cho người nghèo. Năm 17 tuổi, ông Mường mới bắt đầu tập tành theo cái nghiệp ông cha. Nhưng nhờ đã làm quen với các vị thuốc từ khi còn nhỏ, nên ông học việc rất nhanh, chỉ 2 năm sau, đã là một lương y lành nghề.

Năm 1952, nhiều tỉnh, thành phía Nam gặp đại hoạ bởi trận lụt thế kỷ, mà sau này người ta vẫn gọi là trận lụt năm Nhâm Thìn, Bình Dương cũng không là ngoại lệ. Lúc lũ lên tới đỉnh điểm, dân nghèo đã phải chới với, nổi chìm giữa màn nước mênh mông. Khi lũ rút, lại là một đại hoạ khác khi phần lớn dân nghèo mắc bệnh do ô nhiễm môi trường trầm trọng. Lúc ấy, lương y trẻ Mai Văn Mường đã miệt mài làm việc ngày đêm, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Khi dịch bệnh lắng xuống, cũng là lúc ông từ biệt gia đình, đi theo kháng chiến, làm cán bộ giáo dục ở vùng Lái Thiêu.

Sau Hiệp định Giơnevơ, ông Mường không đi tập kết mà ở lại quê hương. Ông bảo đó là chủ trương giãn chính (giảm cán bộ để chuẩn bị cho đợt tập kết). Do ông còn cha già nên được tổ chức gợi ý nên trở về nhà để lo cho gia đình, đồng thời sẵn sàng giúp đỡ cách mạng bằng việc tiếp tế, hậu cần, hay nói theo ngôn ngữ thời đó là làm kinh tài.

Trở về nhà, ông quay trở lại với nghề thuốc và tham gia sinh hoạt trong Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam, đi làm các công tác thiện nguyện, chữa bệnh giúp người nghèo ở Bình Dương cũng như nhiều tỉnh, thành Nam Bộ. Đồng thời, ông âm thầm nuôi dưỡng cán bộ, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội. “Nhà tôi ngày ấy cán bộ về ở thường xuyên. Còn tiếp tế cho bộ đội thì có nhiều cách lắm. Chẳng hạn khi đến mùa thu hoạch lúa, mình chỉ mang một phần về nhà, còn mấy trăm giạ lúa cứ để ngoài đồng để buổi tối anh em đến lấy”, ông Mường nhớ lại.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Mường lại tiếp tục với việc chữa bệnh cứu giúp người nghèo. Với tư cách là Trưởng ban Phước thiện chùa Hưng Khánh Tự (ngôi chùa mà ông mà bỏ tiền ra mua đất, xây cất và bàn giao lại cho Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam từ năm 1970), ông đã đưa ngôi chùa này trở thành một địa chỉ chữa bệnh miễn phí cho rất nhiều người nghèo bằng các loại thuốc nam.

Mỗi ngày, chùa phát ra tới hàng trăm, thậm chí có hôm tới cả ngàn thang thuốc. Vì thế, để có đủ nguồn thuốc chữa bệnh cho bà con, ông và những người trong ban phước thiện, những người làm công quả trong chùa phải chia nhau đi tìm kiếm cây thuốc ở các nơi mang về. Càng tìm, càng thấy nguồn dược liệu thiên nhiên này càng ngày càng cạn kiệt.

Sợ rồi có ngày không tìm đủ thuốc để giúp bà con, 2 năm trước, ông đã lại hiến tiếp 9.000 m2 đất ruộng để chùa Hưng Khánh Tự lập vườn ươm trồng các loại thuốc nam. Lập vườn xong, chính ông lại đi tìm kiếm và đứng ra vận động mọi người đóng góp cây giống thuốc cho khu vườn đó. Nhờ vậy, chỉ sau 2 năm, khu vườn đã được phủ kín bởi khoảng 150 vị thuốc nam.

Ra thăm vườn thuốc của ông, mới đi một chút, tôi đã đếm được hàng chục vị thuốc có giá trị cao như kim ngân hoa, muồng trâu, thường sơn, ngũ trảo, nghệ đen…, nhiều giống thuốc trồng xen lẫn nhau, có những giống lại được trồng thành luống riêng biệt, nhiều cây đã cao quá đầu người. Nhìn vườn thuốc xanh tốt nằm lọt thỏm giữa một bên là cái mương nước nhỏ, ba phía còn lại là những ruộng lúa, ruộng rau đang lên xanh mơn mởn, lại càng thấy cảm phục tấm lòng của lão lương y với những người dân nghèo.

Những tưởng làm xong vườn thuốc đó, ông Mường đã có thể an tâm nghỉ ngơi, giao việc duy trì, phát triển nguồn thuốc dân gian lại cho lớp hậu sinh. Nhưng lão lương y này vẫn còn muốn làm nhiều vườn thuốc lớn hơn thế nữa. Ông khoe: “Tôi đang tham gia cùng các anh em Tịnh độ làm một vườn thuốc nam tới 10 mẫu ở dưới Bà Rịa - Vũng Tàu. Vừa rồi, các cán bộ Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam từ Hà Nội đã vào thăm vườn. Họ rất ấn tượng với vườn thuốc của chúng tôi nên đã hứa sẽ tặng cho vườn mấy giống cây thuốc rất quý. Tôi mừng lắm!”.

Cái mừng của ông Mường là sẽ có thêm những vị thuốc tốt để chữa bệnh cho người nghèo. Nhiều năm qua, có không ít người nghèo gặp những bệnh hiểm nghèo như ung thư vú hay hiếm muộn đường con cái, nhờ vào những bài thuốc gia truyền của ông mà đã hết bệnh hay có được niềm vui lớn trong cuộc sống.

Nhưng với một người luôn hết mình với người nghèo như ông, những bài thuốc, vị thuốc mà ông đã thu thập được qua bao nhiêu năm hành nghề, vẫn là không đủ. Và ông vẫn luôn mong mỏi có thêm được những bài thuốc, vị thuốc mới để có thể chữa trị thêm nhiều căn bệnh khác cho những người nghèo khó.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm