| Hotline: 0983.970.780

Cá hô sẽ "giã từ" sách Đỏ?

Thứ Bảy 30/08/2008 , 08:15 (GMT+7)

Nhưng các nhà khoa học Nam bộ đang nhen nhóm hy vọng bảo tồn được cá hô nhờ sinh sản nhân tạo.

Cá hô là loài cá đặc biệt quý hiếm của dòng sông Mekong, do bị săn bắt quá nhiều đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng các nhà khoa học thuộc Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ đang tìm cách cho sinh sản nhân tạo và nuôi thử nghiệm cá hô, nhen nhóm lên hy vọng bảo tồn được loài cá này.

Đứng trước "cửa tử"

Cá hô

Trong rất nhiều loài cá sinh sống suốt dọc theo chiều dài của sông Mekong, cá hô có lẽ là loài nổi tiếng nhất. Sự nổi tiếng của cá hô, trước hết là nhờ vào kích cỡ khổng lồ, khi mà nhiều con cá hô có trọng lượng tới trên 100kg, có những con tới 150, 160kg, thậm chí 200kg. Thịt cá hô cũng ngon nổi tiếng vì loài cá này ăn tạp nhiều loại thực vật trong tự nhiên, vì thế luôn được bán với giá rất cao, đưa cá hô trở thành một trong những loài thuỷ sản có giá trị kinh tế lớn mà dòng Mekong đang ban tặng cho cư dân hai bờ. Còn theo các nhà khoa học, cá hô là giống cá đặc hữu của riêng dòng sông Mekong, mà không hề xuất hiện tại bất cứ một dòng sông nào trên thế giới.

Trước đây, khi cá hô trong tự nhiên còn nhiều, ở các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu, đã hình thành nghề săn bắt cá hô với những tập tục, dụng cụ và kỹ thuật được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Chẳng hạn, lưới đánh cá hô phải có chiều dài chừng 70m, mắt lưới 4-5 tấc. Ai phát hiện ra luồng cá hô và khẳng định “chủ quyền” trước thì sẽ nghiễm nhiên được khai thác luồng đó mãi mãi mà người khác không có quyền tham gia nếu không được sự đồng ý của “chủ luồng”. Mỗi khi bắt được cá hô dưới 100kg, ngư dân phải thả xuống sông một cặp vịt để tạ lỗi với thần sông và cảm tạ phúc thần. Còn khi bắt được cá hô từ 100kg trở lên, ngư dân phải tạ bằng một đầu heo.

Mỗi năm, mỗi ngư dân chỉ cần bắt được một con cá hô nặng trên 100kg, là đã có tiền để lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà. Mặt khác, những ai bắt được con cá hô lớn, thì sẽ nhận được sự khâm phục của bạn bè ngư phủ và cư dân trong vùng, được báo đài đến quay phim, chụp hình, đưa tin rần rần. Chính vì vậy, ở những khúc sông, nhánh sông thường xuất hiện cá hô, có hàng chục người làm nghề này. Ở xã Bình Thuỷ (Châu Phú, An Giang) có thời điểm có tới hơn 60 thợ săn cá hô lão luyện. Trong đó, những cái tên nổi bật như Năm Thứ, Tư Chanh, Bảy Đan, Ba Nghệ…Những “ông cá hô” này đều đã bắt được hàng chục con cá hô cỡ lớn trong đời mình.

Tuy nhiên, vì bị săn bắt quá nhiều nên con cá hô trên sông Mekong nói chung và sông Tiền, sông Hậu nói riêng cứ khan hiếm dần đi. Đến nỗi Uỷ ban sông Mekong đã phải đưa cá hô vào Sách Đỏ. Ở Campuchia, từ nhiều năm qua, cá hô đã được coi là quốc ngư, được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Ai bắt được cá lớn trên sông là phải báo ngay cho chính quyền. Còn ở ta, mỗi khi cá hô vướng lưới của ngư dân, là sẽ bị đưa ngay vào các…nhà hàng.

Cuộc “giải cứu” cá hô

Trước nguy cơ tuyệt chủng của giống cá hô trong tự nhiên, từ những năm 2001, 2002, Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ (gọi tắt là Trung tâm), đã bắt tay vào chuẩn bị thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo giống cá này. Theo TS Phạm Văn Khánh, GĐ Trung tâm, lúc ấy cái khó nhất với Trung tâm là làm sao sưu tầm được những con cá hô từ trong tự nhiên để mang về nuôi dưỡng. Lượng cá hô trong tự nhiên đã hiếm lắm rồi. Hiếm tới mức suốt một thời gian đặt hàng cho các hộ làm nghề chài lưới trên sông Tiền, sông Hậu, Trung tâm chẳng thấy tăm hơi con cá hô nào.

Mãi tới khi đi các tỉnh dò hỏi trong dân, các cán bộ Trung tâm mới biết được trong ao của nhiều hộ, đang có nuôi cá hô. Đây là những con cá nhỏ, nương theo dòng nước đi lạc vào các ao cá của dân và được giữ lại nuôi làm kiểng chơi. Số lượng cá hô trong mỗi ao như vậy là rất ít, từ một đến vài con là cùng. Ngay sau khi xác định được hộ nào đang có nuôi cá hô, Trung tâm liền cử ngay cán bộ tìm đến thuyết phục người dân bán lại cá cho Trung tâm.

Việc thương lượng này không hề đơn giản vì cá hô là cá hiếm, có giá trị kinh tế lớn, nên nhiều hộ không muốn sớm "chia tay" với con cá “trời cho” này. Bởi thế, có những con cá, phải sau mấy tháng trời thương lượng, Trung tâm mới mua được. Và đến khi kết thúc “chiến dịch” này, Trung tâm đã gom về được 84 con cá hô với cái giá không rẻ là khoảng 100.000 đ/kg.

Lấy trứng cá hô để ấp nở nhân tạo

Có được đàn cá bố mẹ trong tay, từ năm 2003, Trung tâm tiến hành nuôi thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo. Lúc đầu, các nhà khoa học của Trung tâm khá lúng túng vì không có tài liệu về sinh sản của cá hô. Nhưng sau khi phát hiện loài cá này cùng họ với cá chép, Trung tâm đã thử cho cá hô sinh sản theo kiểu của cá chép, đến tháng 6/2005 thì thu được thành công. Tuy nhiên, do các cán bộ kỹ thuật còn thiếu kinh nghiệm, cộng với nguồn nước chưa tốt, cá bố mẹ chưa hoàn thiện và thức ăn cho cá con chưa phù hợp, nên tỷ lệ thành công khá thấp: 13% trong bể và 1% dưới ao.

Đã sản xuất 2 triệu cá hô bột

Sang năm 2006, nhờ đã khắc phục được những hạn chế trên, tỷ lệ cá bột đã lên tới 40%. Đến nay, Trung tâm đang có trong tay khoảng 70 con cá bố mẹ giống gốc, 150 con hậu bị và 200 con đã cho đẻ thế hệ thứ nhất. Năm 2008, Trung tâm đã cho đẻ được khoảng 2 triệu cá bột, đang ương thành cá giống. Như vậy, Trung tâm đã hoàn toàn thành công với mục tiêu thứ nhất là tái tạo nguồn đàn.

Còn với mục tiêu thứ 2 là phát tán cá hô giống để nuôi trong dân, đang được Trung tâm tiến hành từ năm 2006. Theo đó, cá hô đã được mang tới thả nuôi ở nhiều nơi trong các điều kiện thuỷ vực khác nhau, từ các hồ chứa ở khu vực ĐNB tới các ao, bè, đăng quầng ở ĐBSCL, nhằm tìm ra điều kiện nuôi dưỡng thích hợp nhất với con cá hô. Kết quả cho thấy, con cá hô thích hợp nhất ở những nơi có diện tích mặt nước lớn. Mực nước vùng nuôi càng lớn, càng sâu thì cá lớn càng nhanh. Theo TS Khánh, nếu thả cá hô vào các hồ chứa cỡ vừa ở ĐNB, loài cá này có thể đạt tốc độ tăng trưởng tới 5-7 kg/năm.

Với những thành công ban đầu như trên, các nhà khoa học ở Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam Bộ đang kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, cá hô sẽ được triển khai nuôi thương phẩm ở nhiều nơi. Đến khi nghề nuôi cá hô đã phát triển mạnh, thịt cá hô từ nuôi dưỡng nhân tạo đủ cung cấp cho nhu cầu người tiêu dùng, thì sẽ loài cá hô trong tự nhiên sẽ không còn bị đe doạ tuyệt chủng nữa.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.