| Hotline: 0983.970.780

Cả làng chung vũng nước

Thứ Tư 13/06/2012 , 10:34 (GMT+7)

Nằm cách thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông, tỉnh TT- Huế) chừng 10km, xã Hương Hữu như một “chảo lửa” khô hạn giữa hoang hoải núi đồi.

Nằm cách thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông, tỉnh TT- Huế) chừng 10km, xã Hương Hữu như một “chảo lửa” khô hạn giữa hoang hoải núi đồi. Nhiều thôn với hàng trăm hộ dân phải uống chung một khe nước, trong khi mùa xuống lúa đang đến gần, trên ruộng đồng đã vắt kiệt những giọt nước ngầm cuối cùng.

Nước bẩn cũng phải xài

Đã gần tháng nay, vùng đất Hương Hữu không có lấy một giọt mưa nào. Nền nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến đỉnh điểm 41-42 độ C, cái khát đã hiện rõ trên những đôi mắt thâm quầng, trên đôi môi khô quắt của người dân. Những năm trước, vào đầu hạ, Hương Hữu đã có mưa, những cơn mưa hiếm hoi nhưng cũng đủ lượng nước tưới cho cây trồng, làm cho khe suối không oằn mình khô cạn trơ cả sỏi đá.


Dân Hương Hữu lũ lượt đi cõng nước sạch "giải hạn"

Điểm khát của Hương Hữu chủ yếu tập trung ở thôn 5, 6 với khoảng 130 hộ đồng bào Cơ Tu phải uống chung một vũng nước từ khe suối còn sót lại sau ngày hạn. Qua những con đường liên thôn, giữa cái nắng như đổ lửa, người dân tập trung ở những giếng nước “vét” những giọt nước cuối cùng để giải hạn. Đánh trần khuân từng xô đá, ông Vương Quốc Hợp, một hộ dân ở thôn 6, cho biết: “Đã gần cả tháng ni rồi, nắng dữ quá. Chưa năm mô thấy hạn nặng như ri. Nước cho người dùng còn hiếm chứ đừng nói đến có nước tưới cho cây trồng, gia súc uống”.

Mấy ngày liên tục, ông Hợp cùng bà con thôn 6, kẻ góp của, người góp sức vét giếng để tìm nước. “Giếng đào mấy cũng không có nước. Cứ 3 ngày nước rỉ ra thì đủ cho một nhà dùng thôi, phải luân phiên nhau đợi nên đến nay nhiều nhà vẫn chưa có giọt nước nào", ông Hợp nói với giọng buồn rầu.

Người dân cho hay, đây là những giếng nước có từ trước năm 1975, nay đã nhiều năm do khô hạn, bỏ hoang. Trong khi hệ thống nước tự chảy được đầu tư từ năm 2008, dẫn từ khe suối các triền đồi, là nguồn “nước sạch” duy nhất dùng cho sinh hoạt của các thôn ở Hương Hữu, đã khô khốc mấy tháng nay, người dân chỉ còn biết cách tìm đến những chiếc giếng cũ.

Tiếp chúng tôi, anh Hồ Văn Xồm, trưởng thôn 6, nói về khô hạn “lịch sử” của vùng đất Hương Hữu bằng bát nước sôi váng cợn phèn vôi ngay trong chính nhà anh. Anh Xồm bảo: “Uống đi rồi mình kể cái khô hạn, cái cực của dân bản mình cho mà nghe. Mấy tháng trước, bắt đầu bước vào mùa hạn, bà con lo lắm, biết chi rồi năm ni cũng thiếu nước uống mà không biết kêu ai. Gọi xã thì xã bảo chờ, vì “nghe đâu” có dự án đầu tư nước sạch. Đùng một cái, cả tháng nay, nắng như đổ lửa trên nương rẫy, dưới ruộng đồng, nắng đến nỗi dân bản bỏ cả việc làm nương. Bà con hết bỏ công ra vét giếng lại cắt cử thanh niên trong làng đi tìm các khe suối, kiếm mạch nước ngầm. Miềng cũng đi, hôm rồi nghe bà con báo ở khe Cờm Rúc có nước, nước từ đất phun lên, nhìn thì trong lại rất mát. Mình tới xem thì đúng là có nước thật. Thế là cả làng tập trung lấy nước ở vũng này”.


Giếng nước ở Hương Hữu đã khô cạn, mỗi hộ dân đợi 3 ngày mới có nước

Mạch nước ngầm tự chảy ở khe Cờm Rúc đã trở thành niềm cứu cánh trong cái hạn “lịch sử” của người dân Hương Hữu. Nhưng mạch nước này theo bà con, khi múc lên uống, nhìn thì trong nhưng nấu lên thì để lại một lớp váng cợn vàng quánh dưới đáy nồi. Ban đầu dân bản không dám uống, nhưng rồi khát quá cũng phải liều. Biện pháp mà bà con đưa ra là cứ nấu một nồi nước thì lọc lấy nửa nồi uống, còn lại mang đổ.

Buổi chiều muộn, nhìn xa xa về phía đồi A Ro, mặt trời vẫn chưa đi ngủ, tìm đến khe Cờm Rốc, hàng chục người dân thôn 5,6 đang gồng gánh nước đi ngược về phía dốc. Đi lấy nước đa phần là người già và lũ trẻ con, bởi bố mẹ chúng vẫn còn nán lại trên nương rẫy khi mặt trời chưa khuất núi.


Nguồn nước uống, tắm giặt, trâu bò tắm đều từ nguồn nước khe Cờm Rúc

Những can nước cũ kỹ, màu đen quạch, cả xoong nồi được bà con huy động ra khe “vét” nước. Bà Nghèn Thị Sơ, một hộ dân thôn 5, cho biết: “Nhà tui có 6 người, mỗi ngày mình tôi phải lấy đủ 10 can nước mới dùng đủ. Phải tranh thủ lấy nước thôi, biết đâu vài ngày nữa, cái khe này cạn thì chỉ biết lên rừng kiếm nước mà gánh về. Uống được ngày nào hay ngày đó".

Có lẽ cảnh gồng gánh nước của thôn dân Hương Hữu chưa bao giờ lại nhộn nhịp như thế, nhộn nhịp hơn cả bước vào mùa vụ mới. Nhìn những gương mặt trẻ thơ đầm mình, cười đùa trong dòng nước mát, rồi múc chính dòng nước đó lên để uống, chợt thấy cái ăn, uống của bà con miền núi sao còn lắm nhọc nhằn!


Hệ thống nước tự chảy đã hư hỏng từ lâu

"Hạt lúa bỏ dân đi rồi"

Mùa gieo cấy lúa nước đã đến nơi nhưng nhìn từ trong nhà ra ruộng vùng “chảo lửa” Hương Hữu vắng hoe, không một bóng người, cây cỏ cũng vàng quạch vì nắng nóng. Những thuở ruộng vùng Khe Dầu vốn xưa là “vựa lúa” của xã, nguồn cung cấp lương thực cho dân thôn 5,6 trong cuộc “trường kỳ” vật lộn với nương rẫy giờ đây khô quắt, nứt hình chân chim thấy rõ. Những ao hồ quanh đó cũng đã cạn nước từ lâu, trâu bò đi lại được. Nhiều nơi, người dân lùa trâu bò đi tránh nóng, tìm nước.

Anh Hồ Văn Xồm, trưởng thôn 6, cho biết: “Xưa nay lúa ở Hương Hữu chủ yếu làm vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì “nhờ trời” là chính. Năm nay khô hạn nặng, chỉ 30% diện tích lúa có nước ngầm, mà cũng sắp cạn hết, nên hạt lúa bỏ dân bản mình đi rồi. Cả 2 thôn 5 và 6 có chừng hơn 15ha lúa, với năng suất chỉ 40 tạ/ha, quanh năm bà con thiếu trước hụt sau. Nay gặp mùa nắng hạn, nguy cơ năm nay giáp hạt là cái chắc”.


Công trình nước sạch ở Hương Hữu đầu tư năm 2008 đã hư hỏng

Trước đây, ngoài lúa là nguồn lương thực chính, bà con có trồng sắn, nhưng đến năm 2009, với 60 ha sắn đã chuyển sang trồng rừng, giờ rừng chưa khai thác, lương thực, nước uống đang là niềm mong mỏi của người dân Hương Hữu. Mùa khô hạn, nắng nóng không chỉ làm khô cạn nguồn nước mà còn đảo lộn cuộc sống của người dân vốn gắn liền với những nhọc nhằn trên nương rẫy. Bà con phải dậy thật sớm, tranh thủ khi mặt trời chưa ló rạng để đi rẫy, chừng 8 đến 9 giờ sáng là phải trở về. Chiều trời bớt nắng dịu mới đi làm trở lại, đến tối mịt, ngửa đôi tay trên đầu gối không thấy gì mới quay về nhà.

Năm 2008, thông qua Chương trình 134 và nguồn vốn ADB, công trình nước tự chảy dẫn nguồn từ các khe suối của Hương Hữu được đầu tư với tổng nguồn vốn 1,5 tỷ đồng. Sau thời gian đưa vào sử dụng nay hầu hết công trình nước tự chảy đều bị hư hỏng hoặc sử dụng không hiêu quả. Trong khi đó, có khoảng 400 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu đang “khát” nước sạch từng ngày.

Nói về cái nắng hạn và thiếu nước, ông Hồ Văn Chòn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu, buồn buồn: “Anh xem đó, mình ngồi trong văn phòng ủy ban, cái quạt trần bật hết công suất thế này mà mồ hôi mồ kê còn tứa ra huống hồ dân bản mình đi rẫy, trên nắng dưới lửa. Nắng nóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con với 400 hộ dân luôn trong tình trạng thiếu nước. Trong 64 ha lúa nước trên toàn xã, nếu hạn hán kéo dài như thế này thì vụ hè thu năm nay khó mà xuống giống được. Năm nay mùa giáp hạt đến sớm hơn với bà con rồi”.

Hương Hữu có hơn 500 hộ dân thì có đến 200 hộ nghèo và cận nghèo. Thôn 5,6 “dẫn đầu” con số nghèo và tái nghèo của xã. Theo ông Chòn, điều cấp thiết hiện nay đối với bà con Hương Hữu là nguồn nước sạch dùng cho sinh hoạt bởi hệ thống nước tự chảy trên toàn xã nhiều nơi đã hỏng.

“Cái khó là Hương Hữu hiện nay đã không còn chương trình nào của Chính phủ hay tỉnh hỗ trợ cả. Chương trình 135 đã hết từ năm 2010 rồi. Mà nguồn kinh phí của xã miền núi thì quá khó khăn, làm sao đầu tư xây hệ thống kênh mương tưới tiêu, nước sạch sinh hoạt cho người dân được", ông Chòn trăn trở.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm