| Hotline: 0983.970.780

Cá lồng lãi cao

Thứ Sáu 22/08/2014 , 08:14 (GMT+7)

Với giá cá từ đầu tháng 8 đến nay tăng cao, khoảng 42.000 đ/kg cá diêu hồng, 120.000 đ/kg cá lăng, anh Sơn nhẩm tính sẽ thu về vài trăm triệu đồng tiền lãi. 

Vài năm trở lại đây nhiều hộ dân trên địa bàn TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã tranh thủ tận dụng diện tích mặt nước trên hồ thủy điện Đăk R’Tích để phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện giá cá diêu hồng và cá lăng nuôi chủ lực tại đây đang ở mức cao…

Hộ anh Phạm Văn Sơn, ngụ phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) đã có gần 5 năm theo nghề nuôi cá lồng. Đến thời điểm hiện tại anh đã có 2 bè cá với gần 40 lồng cá quy mô lên đến 2.000 m2, mỗi năm thu hoạch gần trăm tấn cá thương phẩm.

Với giá cá từ đầu tháng 8 đến nay tăng cao, khoảng 42.000 đ/kg cá diêu hồng, 120.000 đ/kg cá lăng, anh Sơn nhẩm tính sẽ thu về vài trăm triệu đồng tiền lãi. Vừa cho cá ăn, anh Sơn vừa chia sẻ: “Mấy năm về trước khi hồ thủy điện Đăk R’Tích ngăn dòng tích nước, nhìn mặt hồ rộng lớn mênh mông tôi đã nghĩ ngay sẽ đầu tư nuôi cá trên diện tích này”.

Năm 2009, anh Sơn mạnh dạn chuyển đổi trang trại đang nuôi heo siêu nạc của mình, tập trung nguồn vốn để chuyển sang đầu tư làm lồng bè nuôi cá. Anh vay thêm 200 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua gần 1 tấn cá giống diêu hồng về nuôi thử.

Sau mẻ cá nuôi và chăm sóc đầu tiên kéo dài từ 6 -7 tháng, anh Sơn nhận thấy cá trong lồng thích nghi tốt với điều kiện môi trường nước trong lòng hồ thủy điện, cá sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân mỗi con đạt từ 1,2- 1,5kg.

Thấy việc nuôi cá trong lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh Sơn mạnh dạn đầu tư thêm vốn, mở rộng diện tích và thuê mướn nhân công đẩy mạnh việc nuôi cá diêu hồng trong lồng bè. Dần dần bà con ở đây cũng học theo mô hình này để tận dụng mặt nước nuôi cá.

Hiện tại đã có trên 30 hộ dân tham gia nuôi cá lồng, bao bọc xung quanh hồ thủy điện Đăk R’Tích. Nhiều hộ khẳng định, với giá cá ổn định ở mức cao như hiện nay thì hầu như vụ nào cũng có lãi.

Cách bè nuôi cá của anh Sơn không xa, hộ anh Phùng Tân Thanh cũng đang thả nuôi hơn 50 tấn cá theo hình thức nuôi trong lồng bè. Năm 2010, thấy các hộ dân quanh khu vực hồ thủy điện nuôi cá có hiệu quả cao nên gia đình anh Thanh cũng quyết định đóng lồng nuôi cá.

Anh Thanh kể: “Thời gian đầu do chưa có vốn nên tôi chỉ nuôi được 2 lồng bè với quy mô 100 m2, sau một thời gian vừa nuôi vừa đầu tư thêm vốn để mở rộng, đến nay diện tích lồng bè của tôi đã lên hơn 500 m2. Với quy mô 50 m2 một lồng, mỗi lồng nuôi 4 tấn cá, một năm hai vụ thì với 10 lồng cá, nhà tôi cung cấp cho thị trường tỉnh Đăk Nông gần trăm tấn cá sạch”.

Ngoài diện tích nuôi cá diêu hồng trên, hiện nay gia đình anh đang tiến hành nuôi thêm 2 lồng cá lăng và một lồng cá trê để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa.

Theo anh Thanh việc tìm đầu ra cho con cá diêu hồng cũng không phải là điều khó khăn, bởi lượng cá hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng hết cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Các cơ sở nuôi cá đa phần đều có giao kèo, kí kết với các thương lái bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra với giá cả luôn duy trì ở mức ổn định.

Ông Nguyễn Văn Luyến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX Gia Nghĩa cho biết: “Toàn thị xã có 130 ha diện tích mặt nước, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản là 62 ha. Để khuyến khích người dân tận dụng diện tích mặt nước tự nhiên, đầu tư nuôi trồng thủy sản nước ngọt, Hội Nông dân TX sẽ tạo điều kiện tối đa để người dân được vay vốn đầu tư, tiếp cận kĩ thuật phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, vươn lên xóa đói giảm nghèo".

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm