| Hotline: 0983.970.780

Cá mòi kho Kiến Thụy hướng đến xuất khẩu

Thứ Sáu 06/12/2019 , 13:26 (GMT+7)

Cá mòi kho Kiến Thụy là 1 trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương, vùng miền được lựa chọn tham gia chương trình OCOP tại Hải Phòng.

Sản phẩm không chỉ phát triển rộng rãi tại các siêu thị trong cả nước và đang hướng tới xuất khẩu.

Từ xa xưa, biển cả khởi nguồn nên tinh hoa trong mỗi bữa ăn Việt, trong đó cá mòi là loài cá quanh năm ở biển, chỉ di chuyển về sông để sinh sản. Ở Hải Phòng, loài cá này tập trung nhiều ở vùng cửa sông Văn Úc, ngoài vụ chiêm vào tháng 8, 9 âm lịch thì đầu mùa hè là chính vụ cá mòi.

Những đàn cá mòi béo tròn béo trục, ôm bụng trứng bơi ngược từ cửa biển vào các con sông để sinh sản. Đặc điểm này tạo nên giá trị khác biệt của các món ăn làm từ cá mòi so với những loại thực phẩm từ biển khác.

Theo người dân địa phương, từ xưa vùng Kiến Thụy đã có món cá mòi kho ngon nổi tiếng. Thực khách khắp nơi muốn thưởng thức cá mòi kho đúng chất, thì phải về đây mới có. Nguồn nguyên liệu cá mòi được các cơ sở thu mua từ thuyền đánh bắt của ngư dân ở cửa sông Văn Úc và vùng ven biển lân cận sau đó mới chế biến thành các sản phẩm để cung ứng cho thị trường.

Anh Lê Tiến Việt giới thiệu sản phẩm cá mòi

Bà Đỗ Thị Hoa, một người có thâm niên với nghề làm cá mòi kho ở thôn Nhân Trung, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy cho biết: Cá mòi có điểm đặc trưng là rất béo. Cá tươi sau khi mua về được chọn kỹ từng con và chỉ chọn những con đã trưởng thành, to đều và dày mình thì thịt mới ngon, béo. Sau đó được ướp với 16 loại gia vị trong 30 phút rồi mới xếp vào nồi và kho. Sau khi kho trên bếp lửa qua đêm, món cá mòi kho nhà xưởng, ăn được cả con cá không bỏ đi chút nào, hương vị đậm đà, hài hòa, cá thơm và béo ngậy ít nơi nào có được.

“Ngoài cá, gia vị cũng phải được chọn kĩ, riềng phải tươi, củ non thì thái mỏng, ghép cùng cá khi kho để cá không bị vỡ, củ già thì xay nhỏ, ướp vào cá. Mía thì chọn cây vàng óng, đủ độ ngọt, chẻ dọc thành miếng dài, mỏng. Mía và rau răm (để cả cây) lót đáy nồi để kho cá không bị cháy. Chuối xanh vừa tầm bánh tẻ, không được non quá vì kho lên sẽ bị chát, cũng không được già quá khiến cá bị chua” bà Hoa chia sẻ.

Hiện tại có 9 sản phẩm từ cá mòi được cơ sở Làng Chai cung cấp cho thị trường trong nước. Thấp nhất khoảng 50.000đ, cao nhất là 300.000đ

Hiện tại trên địa bàn huyện Kiến Thụy có 2 cơ sở chế biến sản phẩm cá mòi để cung cấp cho thị trường. Trong đó, cơ sở chế biến cá mòi Làng Chài 1 năm cung ứng cho thị trường lên đến 100 tấn với 9 sản phẩm chủ đạo. Cơ sở đã có hệ thống phân phối sản phẩm, hợp tác được với nhiều chuỗi siêu thị lớn như BigC, Mega Market, Vinmart, Coopmart...  và nhiều các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Hiện tại sản phẩm đã được huyện Kiến Thụy chọn là sản phẩm OCOP.

Anh Lê Tiến Việt - Chủ cơ sở chế biến cá mòi Làng Chài Kiến Thụy cho biết: Sản phẩm được làm từ nguồn nguyên liệu chính là con cá mòi đặc sản quê hương Kiến Thụy. Giá trị cốt lõi của cơ sở chúng tôi là phải tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn và tiện dụng, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Qua đó đã xây dựng món ăn dân dã của miền quê vùng biển trở thành thương hiệu đặc sản khi nghĩ tới thành phố Cảng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Theo phòng Nông nghiệp huyện Kiến Thụy, trong năm 2019, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã xếp hạng sản phẩm cá mòi kho Kiến Thụy là 1 trong 4 sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn 4 sao. Hiện tại đang đề nghị được chứng nhận sản phẩm OCOP.

“Tôi quan niệm kinh doanh sản phẩm này, ngoài lợi nhuận thì cái tâm với sản phẩm quê hương được đặt lên đầu tiên. Chính tình yêu với ẩm thực truyền thống, lòng mong mỏi muốn mang những món ăn ngon nhưng còn đang mang tính vùng miền đến với rộng rãi người tiêu dùng trong nước và quốc tế đã đưa cơ sở chế biến Làng Chài khăng định được thương hiệu trên thị trường. Sắp tới chúng tôi đang có kế hoạch xuất khẩu ra nước ngoài”.

Tuy nhiên, do nguyên liệu là cá mòi khai thác trong tự nhiên, không phải lúc nào ngoài tự nhiên cũng sẵn có cá để ngư dân đánh bắt.

Để cung cấp khoảng gần 100 tấn cá tươi cho cơ sở chế biến của mình mỗi năm, cơ sở của anh Việt đình phải “quay vòng” tìm và thu mua cá.

Mặt khác ở nhiều tỉnh, thành không có biển, người dân có thói quen ăn cá nước ngọt, quan niệm cá to mới ngon, do vậy việc tiếp cận để quảng bá sản phẩm gặp khó khăn, mất nhiều thời gian.

Đặc biệt là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hàng giả hàng nhái… cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm.

Chế biến cá mòi

Hành trình tạo nên đặc sản Hải Phòng là một hành trình của những người con miền biển có tâm với sản vật quê hương, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh quê hương qua món ăn dân dã truyền thống. Trong hành trình ấy, thực khách gần xa yêu thích và tìm đến, chính là những người quan trọng giúp đánh giá chất lượng sản phẩm “Cá mòi kho Làng Chài”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm