Một con cá nhám voi bị chết tại bãi biển Bình Định. Ảnh: Trần Văn Vinh |
TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết: Cá nhám voi hay còn gọi là cá mập voi, là một thành viên đặc biệt trong phân lớp Elasmobranchii của lớp cá sụn. Nó là loài cá mập lớn nhất và cũng là một trong những loài cá hiện còn sống có kích thước lớn nhất. Tên khoa học của nó là Rhincodon typus có chiều dài từ 5,5 - 10m, con trưởng thành đạt khối lượng 19.000kg.
“Cá nhám voi trưởng thành có thể dài tới 12m, nhưng trung bình chúng dài từ khoảng 5,5m đến 10m và nặng 18,7 tấn”, TS Vinh cho biết.
Cũng theo TS Vinh, cá nhám voi không phải là động vật săn mồi, có phần đầu phẳng và có 1 mõm tù ở phía trên miệng. Các sợi râu ngắn là các cơ quan cảm giác giống như sợi tinh thể ở cá da trơn, chúng nhô ra từ lỗ mũi của cá. Lưng và 2 bên cạnh có màu xám nghiêng về màu nâu với những đốm trắng và sọc màu xám xanh, bụng cá màu trắng.
Chiếc tàu BĐ 10916 TS của ngư dân Bình Định dìu cá nhám voi bị thương vào bờ vào năm 2006. |
Ngư dân Bình Định thường gọi cá nhám voi là cá chèo bẻo, và xem loài cá này như “thần hộ mệnh” cho ngư dân trên biển. Do đó, đang trong chuyến đánh bắt, nếu ngư dân thấy cá voi nhám bị thương sau khi “chiến đấu” với những loài cá khổng lồ khác thì họ sẽ dìu về bờ; hoặc cá vô tình mắc vào lưới, họ cũng bỏ dở chuyến đánh bắt, chấp nhận lỗ tổn, kéo cá vào bờ để cứu. Nếu cá không qua khỏi thì ngư dân sẽ an táng cá ngay bờ biển.
"Năm 2006, một tàu cá của ngư dân Bình Định dìu một con cá nhám voi bị thương vào bờ biển Quy Nhơn để cứu nhưng cá không qua khỏi và người dân đã an táng cá. Ngư dân Bình Định quan niệm ai cứu được cá nhám voi thoát chết thì hoạt động đánh bắt trên biển của mình sẽ được may mắn”, TS Vinh cho biết.
Cá nhám voi thuộc danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển theo Quyết định số 82/2008/QÐ-BNN ngày 17/7/2008 và Thông tư số 01/2011/TT-BNNPTNT ngày 5/11/2011 của Bộ NN-PTNT về việc công bố Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.