| Hotline: 0983.970.780

Cả nước có hơn 43.000 bệnh nhân sốt xuất huyết

Thứ Ba 06/10/2015 , 07:10 (GMT+7)

Cả nước đã ghi nhận hơn 43.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 53 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 trường hợp tử vong. 

13-43-20_thu-truong-nguyen-thnh-long-thm-benh-nhn-sxh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm bệnh nhân SXH đang điều trị

Trong khi diễn biến của dịch bệnh SXH vẫn ngày càng phức tạp, số ca mắc SXH vẫn không ngừng tăng, thì ý thức phòng bệnh của người dân vẫn chưa cao.

Hà Nội gần 3.000 người mắc SXH

Riêng trong tháng 9/2015, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 305 trường hợp mắc SXH trong tổng số 648 bệnh nhân SXH đến khám và điều trị tại BV. Trong đó, số bệnh nhân mắc SXH nặng là 26 ca, chiếm tỷ lệ 4%. 

Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho 200-300 bệnh nhân, trong đó có 50-100 bệnh nhân mắc SXH. Trong khi dịch SXH bùng phát mạnh, bệnh viện phải tiếp đón số bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông.

Với 220 giường bệnh, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị trên 400 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân SXH đang điều trị tại bệnh viện gần 80 người. Khoa có số bệnh nhân SXH đông nhất là khoa Vi rút - Ký sinh trùng có 50 bệnh nhân SXH/87 bệnh nhân.

Tính từ đầu năm đến ngày 1/9, toàn TP.Hà Nội ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc SXH, thì đến ngày 10/9 đã tăng lên tới hơn 1.800 trường hợp. Hết tháng 9, tổng số ca mắc bệnh là khoảng 2.700 bệnh nhân.

Số người mắc SXH có tại tất cả quận, huyện, thị xã trong toàn thành phố. Các quận, huyện có số ca SXH cao là Hoàng Mai, Thanh Trì, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Thanh Xuân. Điều may mắn là chưa có trường hợp tử vong.

Theo thống kê của BV Nhiệt đới Trung ương, trong số 648 bệnh nhân mắc SXH, có đến 568 bệnh nhân đến từ Hà Nội, chiếm 88%, trong đó 153 ca đến từ quận Hoàng Mai, 90 ca đến từ quận Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì có 63 ca.

Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp các cơ sở y tế trực thuộc tăng cường giám sát, tập trung xử lý ổ dịch bệnh SXH nhằm khống chế dịch bệnh phát tán ra diện rộng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ngay trong tháng 9, thành phố đã triển khai phun hóa chất phòng, chống dịch tại 30 xã, phường trọng điểm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thì vẫn còn những khó khăn trong công tác phòng, chống SXH, mà khó khăn trước hết là vấn đề di biến động dân cư lớn.

Số bệnh nhân mắc SXH chủ yếu tập trung ở các khu trọ. Thêm vào đó trong quá trình đô thị hóa còn xen kẽ các bãi đất trống không có chủ ở tạo thuận lợi cho các ổ bọ gậy. Chính vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại nơi thuê trọ là rất lớn, do ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân vẫn chưa cao.

Thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH

Ghi nhận tại BV Nhiệt đới Trung ương, đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chủ quan không nghĩ mình mắc SXH cho đến khi nổi ban trên da, nôn thốc nôn tháo, đau bụng dữ dội... mới đến viện.

Nhiều bệnh nhân đến viện đã có hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như: Chảy máu cam, tiểu cầu giảm, xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa… Theo các bác sĩ của bệnh viện, bình thường, thời gian để điều trị một ca SXH là 7 - 8 ngày nhưng nếu phát hiện, điều trị muộn, thời gian sẽ kéo dài và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương cho biết: Đối với SXH chỉ những trường hợp nặng, bị sốc mới cần phải nằm điều trị tại tuyến trung ương, những trường hợp khác hoàn toàn có thể nằm ở tất cả các bệnh viện các tuyến để điều trị.

Để tránh phải nằm viện khi dịch vào cao điểm, theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, biện pháp tốt nhất là áp dụng tốt các biện pháp dự phòng cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh, không có loăng quăng (bọ gậy) thì không có SXH.

13-43-20_phun-thuoc-diet-sxh
Phun thuốc phòng, chống SXH

Để tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng chống SXH, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Quyết định 4005/QĐ-BYT về việc thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH năm 2015.

Còn Cục Quản lý khám chữa bệnh đã phát đi thông điệp khẩn nhằm hạn chế thấp nhất người bệnh tử vong vì SXH. Theo đó, người dân hãy đến ngay cơ sở y tế khi có biểu hiện nghi ngờ của SXH như: Sốt cao liên tục 2 – 7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, nên nghĩ tới SXH khi người bệnh sốt đến khám; hội chẩn với tuyến trên khi khó chẩn đoán, điều trị; chuyển viện an toàn...

PCS TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh SXH. Vì vậy, chúng ta sử dụng các biện pháp dự phòng không đặc hiệu để ngăn chặn bệnh:

Thứ nhất, đối với mỗi cá nhân tìm mọi cách để tránh muỗi đốt như xoa kem chống muỗi vào chỗ da hở, đi ủng khi vào vùng có muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ phải mắc màn... 

Thứ hai, đối với gia đình và cộng đồng tìm mọi cách để loại bỏ nơi muỗi có thể đẻ trứng. Muỗi vằn thường đẻ trứng vào chỗ nước sạch như những ổ chứa nước mưa (vỏ lốp xe, bát đĩa bị vỡ, gáo dừa, lọ đựng bình hoa, nước thải từ tủ lạnh, nước đựng ở những chân chạn...). Thực hiện khẩu hiệu "không có loăng quăng (bọ gậy) thì không có SXH). Có thể thả cá vào những bể chứa nước để cá ăn bọ gậy, đậy kín chum vại chứa nước ăn...

Thứ ba, ngành y tế dự phòng tiếp tục phun thuốc diệt muỗi nhất là phun thuốc trước khi có dịch dựa theo chu kỳ xuất hiện bệnh hằng năm. Thứ tư, khi có triệu chứng nghi ngờ SXH phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất