Thủy điện Plei Kần phớt lờ chỉ đạo của ngành chức năng
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, dù nhiều lần chỉ đạo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cùng các ngành chức năng tỉnh Kon Tum, Thuỷ điện Plei Kần (nằm trên 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Tô do Công ty CP Tấn Phát làm chủ đầu tư) vẫn tích nước trái phép.
Ngày 19/11, có mặt tại lòng hồ và đập của thuỷ điện Plei Kần, phóng viên ghi nhận, thủy điện Plei Kần vẫn đang tích nước lòng hồ và vận hành máy. Tại cửa xả được đóng kín, tổ máy phát điện vẫn đang vận hành, tiếng động vẫn kêu ầm ầm ở trạm truyền tải điện của nhà máy. Nước ở chân đập cạn trơ, nhưng lòng hồ nước mênh mông. Nhiều người dân cho biết, mực nước này là thuỷ điện đang tích nước.
Phản ánh với UBND huyện Ngọc Hồi về tình trạng tích nước khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, đơn vị này hứa sẽ cử đoàn xuống thuỷ điện Plei Kần kiểm tra ngay. Tuy nhiên, phải đến ngày hôm sau (20/11), cơ quan liên ngành mới đi kiểm tra việc tích nước và làm việc với chủ đầu tư.
Trong biên bản làm việc, cơ quan liên ngành xác nhận, tại vị trí hạ lưu, thủy điện đang thực hiện xả nước qua hệ thống cửa xả và tubin với lưu lượng xả khoảng 150-160m3/s.
Đại diện phía chủ đầu tư thừa nhận, lượng nước hiện có trên hồ là do công ty vẫn xả nước qua cửa xả lũ và giữ mực nước lòng hồ thấp hơn cao trình bồi thường khoảng 1,5-2m. Lý do việc xả nước là để vận hành cân chỉnh các thiết bị của nhà thầu.
Liên quan vụ việc này, một cán bộ của huyện Ngọc Hồi xác nhận, thủy điện Plei Kần đang tích nước và vận hành thử nghiệm máy 2 ngày nay để đoàn chuyên gia Trung Quốc nghiệm thu, bàn giao kỹ thuật. Theo vị này, thủy điện có tích nước nhưng tích dưới khung cho phép an toàn hơn 1m. Đoàn chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam đã bị cách ly nhiều ngày, họ ở lâu sẽ rất tốn kém. Chính vì vậy, chủ đầu tư xin phép tích nước cho chuyên gia nghiệm thu.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở chỉ nghe thông tin có đoàn chuyên gia Trung Quốc sang để kiểm tra, bàn giao kỹ thuật vận hành máy cho nhà máy thủy điện Plei Kần (do máy phát điện này mua của Trung Quốc - PV). Còn cụ thể, thời gian khi nào và có tích tự ý tích nước hay không thì Sở không rõ.
Ông Nhất cho biết, về nguyên tắc thuỷ điện Plei Kần vẫn chưa được tích nước dưới mọi hình thức.
Theo ông Nhất, trước đây Sở đã có văn bản đề nghị, nếu Công ty Tấn phát tiếp tục tích nước trái quy định, sẽ đề nghị Tổng Công ty điện lực miền Trung không cho đóng lưới điện. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công thương thu hồi giấy phép hoạt động.
“Chúng tôi giờ khổ lắm rồi”
Thủy điện vẫn đang vận hành và tích nước trái phép, con đường duy nhất vào khu sản xuất hơn 300ha ở xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô bị ngập lụt nghiêm trọng. Hơn 60 hộ dân đang gần như mất trắng khi không thể thu hoạch vườn cây.
Gia đình nhà ông Tạ Hữu Khiên (Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô) có hơn 2 ha cà phê đã đến mua thu hoạch, nhưng do con đường vào khu sản xuất đã bị ngập nên không thuê được người hái. Nhìn vườn cà phê chín rụng rơi đầy dưới gốc, ông Khiên chua chát cho biết, không thu hoạch được, hơn 2 ha cà phê của gia đình tôi xem như mất trắng, ước thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. “Giờ không có thu nhập, hàng ngày tôi phải đi vay nóng bên ngoài để sống. Thực sự giờ sống cũng như chết”, ông Khiên bộc bạch.
Tương tự, Ông Phạm Trung Thê (thôn Đăk Rế, xã Đăk Rơ) cho biết, đường bị ngập, chúng tôi muốn vào thăm rẫy phải đi trên bè tre rất nguy hiểm, còn nông sản như cao su, cà phê… thì không có cách nào đi qua được.
Hiện mọi hoạt động thu hái nông sản của gia đình ông Thê gần như bị tê liệt. Cao su cạo gần cả chục tấn mủ giờ bị hư thối không vận chuyển được, cà phê chín đỏ cành cũng không hái được.
Có 5 ha đất rẫy tại khu vực này, ông Trần Hồng Tuấn (trú tổ 1, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) bức xúc cho biết, ao cá, nhà cửa, sân phơi, hàng trăm cây cao su, cà phê, cây ăn trái... toàn bộ xem như mất trắng vì ngập, tổng thiệt hại ước tính hơn 1,5 tỷ đồng.
Ông Tuấn cho biết, văn bản của huyện Ngọc Hồi chỉ đạo giải quyết cho dân có đầy đủ rồi, nói ngày 15/11 giải quyết đường đi và đền bù cho dân. Nhưng đến nay, gia đình tôi và nhiều hộ khác chưa thấy công ty Tấn Phát cho người đến kiểm tra cụ thể thiệt hại như thế nào để đền bù thỏa đáng cho chúng tôi.
Gần 2 tháng nay con đường vào khu sản xuất vẫn ngập, chứng tỏ họ vẫn luôn tích nước, không chấp hành yêu cầu dừng việc tích nước của các cơ quan chức năng. Hậu quả thì dân chúng tôi thiệt hại đã thấy rõ. Chúng tôi không hiểu cớ vì sao, ngành chức năng và tỉnh đã có chỉ đạo ngừng rồi mà thủy điện vẫn ngang nhiên tích nước?
“Dân chúng tôi giờ đã khổ lắm rồi, chỉ cầu mong các Bộ ngành Trung ương, Chính phủ quan tâm đến chúng tôi chứ giờ tỉnh yêu cầu hoài nhưng có giải quyết được đâu”, ông Tuấn chia sẻ.
Thủy điện Plei Kần liên tiếp sai phạm, bất chấp việc cơ quan chức năng nhiều lần ký văn bản nhắc nhở. Điều đáng nói, các cơ quan liên quan đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức về xử phạt vi phạm đối với thủy điện Plei Kần. Sự việc kéo dài, không xử lý dứt điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân đã gây bất bình trong dư luận.