| Hotline: 0983.970.780

Cà rốt Hải Dương nhộn nhịp vào vụ

Thứ Sáu 10/01/2020 , 17:40 (GMT+7)

Thời tiết vụ đông 2019-2020 thuận lợi, giúp vựa cà rốt huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) được mùa, đẹp mã. Giá cà rốt từ đầu vụ ở mức khá cao nhờ có nhiều cơ sở thu mua xuất khẩu.

Nhằm chuẩn bị đẩy mạnh tiêu thụ cà rốt, hôm nay (10/1), Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng, cùng một số cơ quan, đơn vị của Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương – xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cà rốt vụ đông năm 2019-2020.
 

Sáng cửa tiêu thụ hơn các năm

Tại vựa cà rốt xã Đức Chính, hiện nông dân đã bắt đầu vào vụ thu hoạch những trà cà rốt sớm đầu mùa. Dự báo khoảng 2 tuần nữa, vựa cà rốt Đức Chính sẽ bước vào trà thu hoạch chính vụ. Theo đánh giá của nông dân Đức Chính, vụ đông năm nay, thời tiết rất thuận lợi giúp cà rốt sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, mẫu mã đẹp hơn nhiều năm trước.

Nông dân Hải Dương phấn khởi vì một năm cà rốt được mùa, sạch bệnh, giá bán khá cao.

Ông Nguyễn Văn Khang (thôn Đàn Tràng, xã Đức Chính), hộ dân có hơn 1,3 mẫu cà rốt trong vụ đông năm nay cho biết: Năm nay, do thời tiết đầu vụ ít mưa, thời tiết khô ráo, ấm hơn mọi năm nên cà rốt phát triển rất tốt. Mọi năm, thường nông dân phải phun từ 2-3 lần thuốc BVTV, nhất là cà rốt thường bị các bệnh do mưa nhiều như bị thối cổ củ, sâu vẽ bùa, hà củ, thối củ…

Tuy nhiên năm nay thời tiết khô ráo nên gần như nông dân không phải phun thuốc BVTV mà cà rốt vẫn rất đẹp, sạch bệnh. Nhờ đó, cà rốt năm nay được nông dân đánh giá là ít năm nào đẹp mã bằng, năng suất rất khả quan. Hiện các trà cà rốt thu hoạch sớm đạt năng suất bình quân 2 tấn/sào, dự báo khoảng 2 tuần nữa khi vào chính vụ, sẽ đạt năng suất trung bình 2,5 tấn/sào. Giá cà rốt đầu vụ đang được thương lái và các cơ sở thu mua, sơ chế xuất khẩu trung bình từ 2.500 – 3.000 đ/kg.

Cắt băng xuất khẩu lô hàng cà rốt đầu tiên năm 2020 tại Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương.

Thương lái Trung Quốc chi phối khá lớn tới giá cà rốt hàng năm tại địa phương. Năm ngoái, giá khá thấp do thương lái Trung Quốc không thu mua. Tuy nhiên năm nay, ngay từ đầu vụ đã có rất nhiều xe container của thương lái Trung Quốc sang gom hàng.

Hiện các cơ sở sơ chế xuất khẩu trong xã cũng đang đẩy mạnh thu mua tăng cao hơn so với mọi năm. Vì vậy giá cà rốt tăng khá hơn mọi năm. Nếu mức giá bình quân đạt 2.500 đồng/kg, trừ chi phí, dự tính năm nay, mỗi sào cà rốt cho thu nhập từ 2.500.000 – 3.000.000 đồng.

Bên cạnh trên 20 doanh nghiệp, cơ sở thu mua sơ chế xuất khẩu sang các thị trường như Trung Đông, Đông Á, Đông Nam Á, ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cho biết hiện nay, một doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến đồ uống đang xúc tiến đầu tư, liên kết chế biến sản phẩm nước uống từ cà rốt tại Hải Dương. Trước mắt, doanh nghiệp này sẽ đầu tư dây chuyền chế biến khoảng 300 tỉ đồng.
 

Cạnh tranh với cà rốt Trung Quốc

Anh Nguyễn Văn Điển, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương (Cty Tân Hương, xã Đức Chính, Cẩm Giàng), một doanh nghiệp lớn thu mua, sơ chế xuất khẩu cà rốt tại địa bàn huyện Cẩm Giàng cho biết: Năm nay, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu cà rốt có nhiều tín hiệu khả quan hơn mọi năm. Năm nay, công ty vẫn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường chủ lực là Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước Trung Đông, Đông Nam Á…

Đến thời điểm này, mặc dù mới đầu vụ nhưng công ty đã xuất khẩu được trên 300 tấn. Trong đó, thị trường Hàn Quốc vẫn được đánh giá là thị trường xuất khẩu chủ lực, nhiều triển vọng trong vụ đông năm nay.

Cà rốt Hải Dương đang phải cạnh tranh với cà rốt Trung Quốc, phụ thuộc vào các doanh nghiệp Trung Quốc tại các thị trường xuất khẩu.

Dự kiến năm nay, Cty Tân Hương đặt kế hoạch xuất khẩu khoảng 10 nghìn tấn cà rốt, tăng 30% so với năm 2019, trong đó phấn đấu xuất khẩu 8 nghìn tấn, tiêu thụ nội địa khoảng 2 nghìn tấn. Tuy nhiên, khâu tổ chức liên kết từ sản xuất tới sơ chế, tiêu thụ vẫn đang là khâu mà giám đốc Cty Tân Hương vẫn còn nhiều trăn trở.

Theo anh Quân, cà rốt Hải Dương có chất lượng, mẫu mã không thua kém so với cà rốt Trung Quốc. Tuy nhiên, cà rốt Việt Nam nói chung sẽ vẫn đang phải cạnh tranh với chính sản phẩm của Trung Quốc, bởi Trung Quốc hiện vẫn là nước sản xuất cà rốt rất lớn và cũng đang cạnh tranh với cà rốt Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.

“Muốn nâng được cà rốt Việt Nam lên bình quân 5.000 đ/kg, phải tổ chức liên kết được diện tích ít nhất 50 ha/mô hình, sản lượng phải đạt từ 7-10 nghìn tấn/năm/mô hình liên kết, hệ thống sơ chế, kho lạnh phải đáp ứng được vài nghìn tấn/ngày; phải có công nghệ rửa kèm theo công nghệ nâng cao thời gian bảo quản… Chứ không thể nhỏ lẻ mãi như hiện nay thì sẽ rất khó cạnh tranh” -  ông Nguyễn Văn Điển nhấn mạnh.

Đông đảo các doanh nghiệp và đại diện các bộ ngành tham dự hội nghị xúc tiến tiêu thụ cho cà rốt Hải Dương vụ đông 2019-2020.

Ông Hoàng Văn Chư, Chủ tịch UBND xã Đức Chính cũng trăn trở: Hiện nay, cà rốt Đức Chính có diện tích rất lớn, gần 400 ha. Tuy nhiên, việc xuất khẩu chủ yếu phải thông qua các công ty Trung Quốc nên phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc rất nhiều. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp và cơ sở sơ chế tại địa phương chưa thể tự xuất khẩu sang các nước, nhất là thị trường triển vọng là Hàn Quốc, Nhật Bản… Vì vậy, việc nâng cao năng lực để doanh nghiệp có thể xuất khẩu trực tiếp cà rốt vẫn là bài toán mà các bộ ngành Trung ương cần phải hỗ trợ vào cuộc.

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp cũng cho rằng hiện nay, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với nông sản nói chung đang là yêu cầu hết sức cấp bách. Yêu cầu phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian qua là một bài học nhãn tiền.

Vì vậy thời gian tới, tỉnh Hải Dương cũng như các cơ quan liên quan cần sớm tiến hành các bước chuẩn bị nhằm chủ động cấp và quản lí mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với cà rốt (cũng như một số sản phẩm nông sản chủ lực khác của tỉnh Hải Dương) nhằm có bước chuẩn bị kỹ nếu các thị trường xuất khẩu triển khai việc quản lí, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc đầu tư các công nghệ sơ chế công nghệ cao cho cà rốt cũng là yêu cầu rất cấp bách. Hiện các thị trường xuất khẩu đã yêu cầu dây chuyền sơ chế phải các điều kiện rất chặt chẽ về công nghệ bảo quản, xử lí bằng nước đá lạnh trong suốt quy trình, áp dụng công nghệ bảo quản...

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm