| Hotline: 0983.970.780

Cá tra, tôm nguyên liệu sốt giá

Thứ Năm 27/03/2014 , 10:06 (GMT+7)

Từ đầu năm 2014 đến nay, hai mặt hàng thủy sản chủ lực này luôn hút hàng, giá tăng mạnh, nguồn cung không đủ.

Liên tục mấy năm qua, nông dân nuôi cá tra và tôm sú ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và giá cả bấp bênh khiến người nuôi thua lỗ, treo ao. Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, hai mặt hàng thủy sản chủ lực này luôn hút hàng, giá tăng mạnh, nguồn cung không đủ.

Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu được các DN ở các tỉnh ĐBSCL thu mua từ 24.500 – 25.000 đ/kg. Nếu so với giá thành thả nuôi thì nông dân có lãi từ 1.500 -2.000 đ/kg. Thế nhưng, do thua lỗ triền miên trong nhiều năm qua nên người nuôi treo ao khá nhiều, nay dù giá cá tăng nhưng chẳng có bao nhiêu nông dân được hưởng lợi.

Ông Lê Văn Thơm, ở xã Ô Long Vỹ, huyện Châu Phú, An Giang, cho biết: “Gần 3 năm qua 2ha nuôi cá tra phía sau nhà liên tục bị thua lỗ, nhưng vì yêu nghề cố bám trụ nuôi được hầm cá 1.000 m2, còn khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch. Nhưng mấy ngày nay, có rất nhiều thương lái và cả ghe cá của các DN đi khắp vùng tìm đến để hỏi mua. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá cá đã tăng từ 22.000 lên 25.000 đ/kg khiến nhiều nông dân treo ao tiếc ngẩn, tiếc ngơ”.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, GĐ HTX cá tra Thới An, ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết, hiện tại HTX có 10 ao thả cá tra với diện tích 10ha, khoảng hơn 2 tháng nữa mới thu hoạch. Với giá hiện nay DN thu mua 25.000 đ/kg, thì xã viên có lãi từ 2.000 -2.500 đ/kg. Bình quân một 1ha nuôi cá tra cho sản lượng 400 tấn cá, lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Đây là mức lãi khá hấp dẫn nhưng nhiều nông dân ở ĐBSCL không có cá để bán. Nguyên nhân do đã bị thua lỗ nhiều vụ trong những năm qua nên người nuôi đành treo ao, dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu cá tra trầm trọng.

Theo nhận định chung của các DN XK cá tra ở ĐBSCL thì thị trường XK cá tra đang có dấu hiệu tốt lên, nên nhu cầu cá nguyên liệu sẽ tăng cao nhằm đáp ứng đơn đặt hàng. Mặc dù nhiều DN cũng đã chủ động xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu cho mình, nhưng không đủ đáp ứng, phần đông vẫn phải phụ thuộc vào việc thu mua cá của dân là chính. Cũng chính vì vậy đã kéo giá cá tra ở ĐBSCL đang tăng lên từng ngày.

Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết là tỉnh có sản lượng cá tra hàng năm cao nhất ở ĐBSCL, với gần 2.000 ha mặt nước thả nuôi. Tuy nhiên, do mấy năm qua giá cá tra quá bấp bênh dẫn đến thua lỗ, nhiều diện tích bị treo ao hoặc chuyển sang nuôi đối tượng khác nên sản lượng bị sụt giảm, thiếu cá nguyên liệu. Giờ giá cá bất ngờ tăng mạnh khiến không ít nông dân cảm thấy nuối tiếc.

03-54-37_1-do-chua-vao-vu-thu-hoach-nen-nguon-tom-nguyen-dang-rat-khan-hiem-gia-lien-tuc-tang-caoDo chưa vào vụ thu hoạch nên nguồn tôm nguyên liệu ở ĐBSCL rất khan hiếm, giá liên tục tăng cao

Theo nhận của các DN chế biến XK tôm thì tình hình giá tôm nguyên liệu sẽ còn căng thẳng từ 1-2 tháng nữa mới có thể hạ nhiệt, khi nông dân bước vào vụ thu hoạch mới.
Ông Nguyễn Quang Minh, GĐ Cty CP CBTS XNK Kiên Cường (Kiên Giang) cho biết: “Dù gía đã tăng rất cao nhưng mấy tháng nay Cty thu mua được rất ít tôm nguyên liệu, chỉ đáp ứng từ 20-30% công suất là tối đa. Vì vậy, chúng tôi phải chuyển sang chế biến mới mặt hàng thủy sản khác như: Mực đông, cá đông… mới đủ việc làm cho công nhân. Sớm nhất cũng phải 1 tháng nữa nông dân mới có tôm thu hoạch nhiều, may ra giá cả mới có thể giảm và cơn khát tôm nguyên liệu ở ĐBSCL mới có thể hạ nhiệt”.

Theo ông Công, đây là thời điểm tăng giá cao nhất kể từ sau Tết đến nay, nhưng không vì lý do đó mà đổ xô đầu tư nuôi cá tra ào ạt sẽ dễ bị hụt hẫng về sau. Nguyên nhân giá cá tăng mạnh hiện nay là do nhiều DN đã ký được đơn đặt hàng XK, buộc DN phải đẩy giá thu mua lên cao để có cá nguyên liệu đáp ứng đơn hàng.

Hiện tại, các DN ở Đồng Tháp đều chủ động được khoảng 60% nguồn cá nguyên liệu bằng hình thức tự đầu tư nuôi hoặc mướn nông dân nuôi gia công, số còn lại phải mua của dân.

Ông Công cho biết thêm, Việt Nam là nước XK cá tra hàng đầu thế giới nhưng thời gian qua ngành cá tra còn tồn tại qúa nhiều bất ổn. Có đến 98% sản lượng cá tra nuôi là phục vụ chế biến XK, giá bán của ta cho đối tác chỉ ở mức 3,5 USD/kg nhưng khi đến tay người tiêu dùng ở nước ngoài lên đến 5-6 USD/kg. Trong khi đó nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL muốn lãi 1.000 đ/kg lại rất khó, đến khi giá tăng cao lại không có cá để bán.

Tương tự, giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL cũng tăng rất mạnh từ sau Tết cho đến nay, do mới vào vụ thả nuôi, diện tích thu hoạch chưa nhiều. Cụ thể, tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, tuần qua giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg đã tăng thêm khoảng 10.000 đ/kg, lên mức 305.000 - 310.000 đ/kg. Loại 30 con cũng tăng lên mức 250.000 đ/kg và 230.000 đ/kg đối với tôm loại 40 con/kg.

Ông Trần Văn Đuông, ở xã Thuận Hòa, An Minh, Kiên Giang, một nông dân may mắn vẫn còn có tôm thu hoạch từ sau Tết Nguyên đán đến nay cho biết: “Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay mà nông dân nuôi tôm chúng tôi bán được. Nếu giá tôm cứ ổn định ở mức cao như hiện nay thì làm giàu từ con tôm không phải là chuyện quá khó. Mặc dù nuôi quảng canh, năng suất không cao nhưng mỗi ha nông dân cũng có thể bỏ túi từ 60- 80 triệu đồng”.

Không chỉ tôm sú mà tôm thẻ trân trắng (TCT) cũng tăng giá rất mạnh. Chỉ trong vòng 10 ngày trở lại đây, giá tôm TCT đã đồng loạt tăng thêm từ 11.000 - 14.000 đ/kg, đẩy mức giá thu mua lên 154.000 đ/kg loại 60 con/kg. Loại 80 con ở mức 137.000 đ/kg, thậm chí loại 100 con cũng tăng tới 120.000 đ/kg.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm