| Hotline: 0983.970.780

Cá tra trước 2 nỗi lo lớn

Thứ Ba 01/03/2011 , 09:49 (GMT+7)

USDA đã bắt đầu bắt tay vào nắm việc thanh tra cá da trơn, vốn trước đây chỉ do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đảm nhiệm.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa công bố dự thảo Luật Thanh tra và Phân loại cá da trơn nội địa và nhập khẩu. Việc này cho thấy USDA đã bắt đầu bắt tay vào nắm việc thanh tra cá da trơn, vốn trước đây chỉ do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đảm nhiệm.

Theo USDA, dự thảo luật nói trên sẽ đưa ra các biện pháp kiểm soát mới đối với cá da trơn sản xuất hoặc nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, các sản phẩm ghi nhãn “catfish” phải theo tiêu chuẩn thanh tra của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS). Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ phải có quy trình sản xuất, chế biến cũng như chế độ kiểm tra chất lượng tương đương với cá da trơn nuôi tại Mỹ. Vì thế, quy định này chẳng khác gì một hình thức bảo hộ của Bộ Nông nghiệp Mỹ đối với cá da trơn nội địa của nước này.

Ngay sau khi USDA công bố dự thảo trên, Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) đã lên tiếng phản đối ngay lập tức. Theo NFI, không có một quy định nào trong dự thảo luật này cho thấy FDA sẽ thôi công việc thanh tra cá da trơn mà họ đã làm từ nhiều năm nay. Và nếu vậy, nếu vào tháng 6 tới, khi Luật Thanh tra và Phân loại cá da trơn nội địa và nhập khẩu Mỹ được thông qua, sẽ có tới 2 cơ quan cùng thanh tra cá da trơn là FDA và USDA, gây thêm nhiều khó khăn cho các nhà nhập khẩu cá da trơn vào Mỹ.

Tuy dự thảo Luật Thanh tra và Phân loại cá da trơn nội địa và nhập khẩu Mỹ không nói rõ cá tra (một loài giống với cá da trơn, tức catfish theo định nghĩa của Mỹ) có nằm trong dự luật cuối cùng hay không, nhưng phía Việt Nam cũng không khỏi lo ngại. Bởi đến thời điểm này, USDA vẫn đang tham khảo các bên có liên quan về việc có đưa cá tra, basa vào định nghĩa “catfish” theo đạo luật Farm Bill 2008 hay không. Mà theo quan điểm của Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS), mặc dù việc định nghĩa cá da trơn vẫn chưa được thực hiện, nhưng một khi định nghĩa đã được ấn định trong dự luật cuối cùng, thì bất kỳ nhà sản xuất cá da trơn nước ngoài nào cũng sẽ phải tuân theo các quy trình, thủ tục của FSIS.

Trước những thông tin đó, VASEP đang tiếp tục tiến hành việc cung cấp các bằng chứng để USDA không đưa cá tra, basa của Việt Nam vào định nghĩa nói trên. Đây cũng chính là một công việc trọng tâm mà VASEP đã tiến hành trong mấy năm qua và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. VASEP khẳng định với USDA rằng các công ty Việt Nam đang áp dụng và tuân theo nhiều chương trình kiểm soát chất lượng cá tra, basa nói riêng và thủy sản nói chung như GlobalGAP, SQF 1000, USDC … Nhờ đó, các sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam đã đáp ứng được tất cả các quy định bắt buộc để xuất khẩu vào được những thị trường khó tính nhất trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản …

Ngoài nỗi lo nói trên, hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ cũng đang hồi hộp chờ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 6 thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra, dự kiến vào giữa tháng 3 này. Hồi tháng 9 năm ngoái, DOC đã công bố kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần 6 thuế CBPG cá tra, theo đó, 4 công ty Việt Nam là Vĩnh Hoàn, Agifish, ESS LCC và South Vina bị đề nghị mức thuế CBPG tới 130% (4,22 USD/kg), CTCP XNK Thủy sản Cửu Long chịu mức thuế 0,93 USD/kg. Các công ty khác chịu mức thuế 2,11 USD/kg.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, hiện tại, chưa có thông tin nào từ phía DOC. Nhưng qua những bằng chứng mà VASEP và các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho DOC, phía Việt Nam đang có nhiều hy vọng sẽ thuyết phục được DOC sử dụng Bangladesh làm nước thay thế, mà không dùng Philippines như trong kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 6. Và nếu niềm hy vọng này thành hiện thực, các doanh nghiệp trên sẽ lại được xuất khẩu cá tra, basa vào Mỹ với mức thuế suất thấp như trước đây.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm