| Hotline: 0983.970.780

Cá trắng bụng, dân trắng tay

Thứ Sáu 25/05/2012 , 11:11 (GMT+7)

Hơn một năm trở lại đây, người nuôi cá lồng trên sông Hồng đang phải gồng mình chống đỡ nguồn nước bị ô nhiễm bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mỗi năm cứ đến mùa cạn nước, cá trong lồng lần lượt nổi lên trắng xóa khiến nhiều hộ khốn đốn. Người thì chạy vạy xoay tiền để đầu tư tiếp, người tuyên bố phá sản do nợ nần chồng chất.

Hơn một năm trở lại đây, người nuôi cá lồng trên sông Hồng đang phải gồng mình chống đỡ nguồn nước bị ô nhiễm bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mỗi năm cứ đến mùa cạn nước, cá trong lồng lần lượt nổi lên trắng xóa khiến nhiều hộ khốn đốn. Người thì chạy vạy xoay tiền để đầu tư tiếp, người tuyên bố phá sản do nợ nần chồng chất.

>> Sông Mẹ nhiễm trùng

Tiền triệu ra đi mỗi ngày

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi có mặt tại xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Nơi đây được xem là vùng nuôi cá lồng trên sông Hồng duy nhất của tỉnh Lào Cai. Gặp những hộ dân đúng vào thời điểm nguồn nước từ thượng nguồn kéo về đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và hàng trăm con cá trong lồng nổi trắng mặt nước.

Nghe danh tiếng người nuôi cá quý trên sông Hồng bấy lâu, nay chúng tôi mục sở thị bè cá của anh Phạm Đức Toản. Bè cá của anh đóng dưới chân cầu Lu, thị trấn Phố Lu. Năm 2009, Toản được người ta biết tới khi khởi xướng nuôi cá lồng trên sông Hồng. Gặp anh, hỏi về việc nuôi cá lồng liền chia sẻ: "Năm 2009, tôi bỏ vốn hơn 100 triệu đồng đầu tư lồng bè với tổng diện tích gần trăm mét vuông, với 6 lồng chủ yếu nuôi cá lăng và chiên. Tiếp đến tôi bỏ ra hơn 80 triệu đồng tiền giống. Năm đó nước sông Hồng sạch, đỏ nặng phù sa nên thuận lợi lắm. Từ thượng nguồn cho đến hết cuối tỉnh Lào Cai chỉ có một bè cá của tôi”.


Anh Toản dùng máy cung cấp ô - xy cho các lồng cá

Rót cốc nước chè mời khách, Toản khoe những chiến tích nuôi được những loài cá quý này. Vụ thu hoạch năm đó, Toản hốt về đống bạc, bởi cá chiến, cá lăng bán với giá rất đắt. Tin lành đồn xa, có nhiều người ở huyện Bảo Thắng kéo về nhờ Toản truyền kinh nghiệp nuôi cá lồng trên sông. Và rồi ở huyện Bảo Thắng có đến chục hộ phát triển mô hình này. Thời hoàng kim là vậy nhưng giờ đây khi nhắc đến chuyện nuôi cá lồng thì Toản buồn rầu: "Sống trên sông Hồng đã lâu, tôi chứng kiến được nước sông thay đổi từng ngày, từng mùa. Vậy mà nước sông bây giờ không còn mang nặng phù sa như trước kia nữa, thay vào đó là màu xanh đục của ô nhiễm".

Vừa nói Toản vừa kéo ống quần lên chỉ vào các nốt ngứa đỏ khắp chân để dẫn chứng. Trước kia nước sông chưa bị ô nhiễm, ngày nào anh cũng ngâm mình dưới lồng cá của mình, vậy mà bây giờ không dám đụng tay xuống nước dù chỉ là một phút vì sợ cả đêm không ngủ được do ngứa. Từ khi nước sông có hiện tượng bốc mùi hôi thối, đồng nghĩa với việc cá trong lồng chết nổi đầy mặt nước. Theo Toản, thời điểm cá chết nhiều nhất là cuối năm ngoái, khi ấy nước sông cạn, mặt nước nổi váng trong thời gian dài.


Lồng cá của anh Toản đầu tư hơn 100 triệu sau 3 năm mới thu được một vụ

"Nhà tôi chủ yếu nuôi cá chiên và cá lăng, khi đó nước sông thối đến nỗi vợ chồng tôi không thể ở dưới thuyền được, đành phải lên bờ trú ngụ. Cá chết nổi trắng lồng cũng chẳng buồn vớt lên. Có con nặng tới 4kg cũng không thể chịu được dòng nước đen này, năm đó ước tính thiệt hại gần 100 triệu đồng”, Toản thở dài.

Rời nhà Toản, chúng tôi tiếp tục men theo bờ đê cách đó khoảng 5km là bè cá lồng nhà anh Nguyễn Văn Thanh, ở thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng. Khi chúng tôi đến cũng là lúc Thanh đang hụp xuống lồng cá vớt những con chết vứt lên bờ. Đã nuôi cá trên sông được ba năm nay, nhưng chỉ một năm gia đình anh có lãi, còn lại năm nào cũng phải vay mượn mới có vốn quay vòng.


Anh Nguyễn Văn Thanh (phải) cùng người con buồn bã khi mỗi ngày cá chết nhiều hơn

Vừa trò chuyện, Thanh lấy tay kéo lưới đang thả dưới sông lên cho chúng tôi xem. Tay lưới này mới thả từ sáng sớm, tính ra chỉ mới được ba tiếng đồng hồ mà váng đen đã bám chặt mắt lưới đến nỗi nước không thể thoát ra được. Theo Thanh, chưa năm nào nước sông Hồng lại bẩn thế này, giờ lồng cá của anh cũng chỉ dám nuôi cầm chừng vài chục con còn sót lại chứ chẳng dám đầu tư thêm.

Chỉ tay về phía các lồng cá khác cách đó không xa, Thanh nói chắc như đinh đóng cột: Giờ các anh đến bất cứ lồng cá nào ở đây cũng cảm nhận được mùi thối của nước và thấy cá chết, nổi hàng loạt. Thanh cầm mấy con cá chiên chết trên tay nhẩm tính: “Hiện nay giá hai loại cá này trên thị trường bán 300-400 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày chỉ cần chết dăm con cá to như cổ tay đã mất đi gần triệu bạc”.


Do ô nhiễm nguồn nước số cá anh Thanh nuôi trong lồng chết dần, chết mòn

Nợ nần chờ chực

Nói về việc nuôi cá thời ô nhiễm, hầu hết người dân xã Thái Niên đều khẳng định một câu xanh rờn: “Nuôi cá bây giờ không phải nợ mới là lạ”. Thực tế chứng minh qua những gì chúng tôi ghi nhận được từ mùi nước hôi thối, người thì ghẻ lở, cá thì chết hàng loạt… quả đúng như người dân Thái Niên nói. “Đơn giản, để có một bè cá lồng ngoài việc đầu tư cho lồng bè đã ngốn cả trăm triệu bạc, chưa kể đến tiền cá giống, công chăm bẵm”, Thanh cho biết.

Vốn sống nhờ vào nghề nông nên khi có ý định nuôi cá lồng gia đình Thanh đã phải vay mượn với lãi suất cao. Được xem là hộ nuôi ít nhất trong vùng, song đến nay gia đình đang nợ gần trăm triệu. Trước cảnh cá chiên, lăng chết, gia đình đã phải chuyển sang nuôi cá trắm. Theo Thanh, sở dĩ như vậy, vì cá trắm là loại ăn tạp có thể sống được trong môi trường nước như hiện tại. Tuy nuôi cá trắm không mang lại giá trị cao, song nhiều gia đình nuôi cá lồng như Nguyễn Văn Hải, Đặng Văn Dũng, Nguyễn Văn Tâm… ở trong xã cũng đang phải chọn giải pháp an toàn chuyển sang nuôi cá trắm như gia đình Thanh với hi vọng vớt vát phần nào.

Thanh cho biết thêm, ngày nước sông chưa bị ô nhiễm người dân trong làng đã có thời điểm rục rịch chọn địa điểm làm lồng nuôi cá, nhiều gia đình còn sắm sửa đầy đủ thùng phuy, lồng sắt… nhưng nay chúng tôi dính vào phải nước bẩn tràn về, cá chết nhiều khiến các hộ dân trong làng bỏ luôn ý định nuôi cá, chấp nhận mất đi số vốn ban đầu. Còn không bây giờ cả xã Thái Niên từ chỗ “mộng cá đẻ vàng lại chuyển sang… vàng mắt” như những hộ nuôi cá lồng hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Chín, Phó GĐ Trung tâm Thuỷ sản Lào Cai, cho biết: "Trong một vài năm vừa qua cá sông Hồng do ô nhiễm chết nổi trên sông xuất hiện, do đó số lượng nguồn thuỷ sản trên sông Hồng giảm đáng kể. Việc đánh bắt trên sông bây giờ không còn phong phú như xưa, nguồn cá tôm đã cạn kiệt. Ngoài ra nguồn nước sông Hồng ô nhiễm đã ảnh hưởng đến một số vùng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai".
Không chỉ những hộ nuôi cá lồng lâm vào cảnh khủng hoảng, người đi đánh bắt cá trên sông Hồng cũng rơi vào “thảm cảnh” tương tự.

Khoảng ba năm về trước, sông Hồng được xem là nguồn thuỷ sản phong phú.

Dọc tuyến sông, không kể sáng hay tối lúc nào cũng có nhiều người thả lưới, kéo chài, xúc hến. Nhiều gia đình khấm khá là nhờ vào nguồn lợi thuỷ sản từ sông Hồng.

Thậm chí nhiều người còn đầu tư cả thuyền máy trị giá 40-50 triệu đồng đi đánh cá.


Anh Tuấn đang sửa chữa lại con thuyền đem bán

Điển hình anh Nguyễn Văn Tuấn ở thị trấn Phố Lu, cách đây hai năm khi cá chiên có giá trị cao trên thị trường, Tuấn vay mượn anh em bạn bè khắp nơi được 40 triệu đồng mua một chiếc thuyền máy. Thời gian đầu thả lưới cũng có đồng ra đồng vào, có ngày tiền bán cá được cả triệu bạc. Tưởng chừng cứ đà này chẳng mấy chốc anh sẽ trả được cả gốc lẫn lãi thì cũng vừa lúc dòng sông… hết cá. Mấy tháng nay đi đánh bắt cả ngày, nhưng chẳng hôm nào đủ tiền mua dầu máy, Tuấn đành phải treo thuyền.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc Tuấn đang hì hục sửa lại máy. Hỏi ra mới biết do treo máy đã lâu nên nhiều bộ phận máy móc hư hỏng. Giờ cá không còn anh đành phải sửa để bán lại với hi vọng gỡ được đồng nào hay đồng ấy.

"Dự định sửa xong thuyền này, bán đi cũng còn được khoảng 15 triệu trả nợ nần rồi tính đường lên bờ làm thuê kiếm sống. Bây giờ dựa vào sông nước thời ô nhiễm thế này chỉ có mà chết đói", Tuấn tâm sự.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm