| Hotline: 0983.970.780

Cả xã mất ăn, mất ngủ vì bị "ông bồ" gõ cửa

Thứ Hai 19/01/2015 , 07:45 (GMT+7)

Những ngày gần đây, "ông bồ" (voi rừng) lại bất ngờ kéo ra khu vực dân cư để tìm kiếm thức ăn và phá hoại hoa màu, nhà cửa của người dân xã Thanh Sơn, huyện Định Quán (Đồng Nai). Các hộ dân sống tại đây mất ăn, mất ngủ vì voi rừng ngày càng hung hăng./ 6 voi rừng tàn phá bãi mía của người dân

Bị voi rừng "đến thăm" lúc nửa đêm

Vượt qua chặng đường rừng dài, chúng tôi tìm đến các hộ dân vừa bị voi rừng tấn công phá hoại hoa màu, nhà cửa.

Một trong những trường hợp bị voi rừng phá nặng nhất là gia đình ông Nguyễn Văn Hiếu (tổ 2, ấp 5). Gặp chúng tôi, ông Hiếu chia sẻ: “Căn nhà của tôi đã bị “ông bồ” (voi) làm sập mái tôn đằng trước cách đây vài ngày nhưng đến nay vẫn chưa kịp dựng lại vì vợ chồng tôi đều già không đủ sức, đành phải chờ con cái về sửa cho…”.

Ông Hiếu kể, cách nay mấy ngày, vào khoảng 10 giờ đêm, trong lúc ông đang ngồi hút dở điếu thuốc thì nghe tiếng đàn chó sủa dồn ngoài sân. Ông Hiếu đứng dậy mở cửa ngó ra thì hoảng hốt khi nhìn thấy một con voi rừng ngà lệch to như đống rơm đã tiến sát đến nhà.

Ông vội bước vào trong kêu vợ dậy chạy nhưng chưa kịp ra khỏi nhà thì con voi đã quật rầm xuống mái nhà, khiến cả căn nhà rung động. Quá sợ, hai vợ chồng ông vội dìu nhau trốn ra cửa sau để thoát khỏi sự nguy hiểm và cầu cứu.

Mặc dù ngay lúc đó, gia đình ông Hiếu đã được bà con lối xóm kéo đến hỗ trợ bằng cách châm đuốc đốt lửa, dùng xoong nồi, máy cưa… tạo âm thanh nhằm xua đuổi nhưng con voi rừng vẫn không chịu đi. Khoảng 1 giờ sau khi đã ăn hết thức ăn trong nhà, con voi mới bắt đầu bỏ đi.

Hậu quả, mái nhà phía trước đã bị đổ sập, những tấm tôn và cây gỗ nằm ngổn ngang, bốn bức tường đều bị nứt toác và nghiêng. Ngoài ra, voi còn ăn hết bao gạo 50 kg, một thùng mì tôm, dẫm bẹp chiếc xe đạp và quật nát hàng cây chuối.

“Cách đây khoảng 10 năm, voi rừng cũng đã ghé thăm một lần. Lúc đó, gia đình tôi chỉ hô hào xua đuổi là “ổng” bỏ đi liền chứ không phá phách hung hăng như lần này, sợ quá. Đây là căn nhà tình thương được nhà nước quan tâm xây tặng, chứ vợ chồng tôi nghèo, không đủ sức để làm. Vậy mà nay, nhà bị voi rừng phá hư hỏng thế này, gạo, mì, thức ăn hằng ngày cũng bị ổng “xơi” sạch hết rồi”, ông Hiếu ngậm ngùi nói.


Ông Hiếu bên căn nhà bị voi rừng phá hư hỏng nặng

Sau khi rời khỏi nhà ông Hiếu, đến gần nửa đêm hôm đó, chính con voi rừng ngà lệch này lại thẳng vào nhà ông Hồ Văn Rớt (ở sát bìa rừng thuộc ấp 5) tiếp tục xô đổ vách căn nhà bếp để ăn bao gạo 30 ký, cùng một số quần áo, chăn mền rồi mới chịu bỏ đi.

Trước đó ít ngày, một đàn voi 7 con (có cả lớn và nhỏ) đã kéo đến rẫy xoài của gia đình ông Trần Minh Hoàng (ngụ ấp 4, xã Thanh Sơn) có diện tích 4,5 ha vừa ăn vừa phá hoại, gây thiệt hại khoảng 40% số cây trong vườn. Do nhà ông Hoàng ở sát bìa rừng nên nhiều năm nay thường xuyên bị voi rừng “ghé thăm” gây tổn thất rất nặng nề.

Theo người dân Thanh Sơn, có 3 ấp bị voi rừng thường ra phá nhiều nhất là ấp 4, 5 và 7. Vào mùa này, do thức ăn trong rừng bắt đầu hết nên voi rừng phải quay ra vườn, rẫy của dân để ăn cây, trái và chúng còn hung hăng tấn công cả nhà dân để ăn gạo, muối… bất chấp mọi sự xua đuổi của con người.

Theo Hạt Kiểm lâm, Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, năm 2014 (từ tháng 11/2013 đến tháng 10/2014), có 98 đêm voi ra gây 181 vụ, chủ yếu xảy ra ở xã Phú Lý, còn xã Mã Đà voi có đi ngang qua nhưng không gây thiệt hại tài sản của dân. Các đợt voi ra đã gây thiệt hại của dân 4 căn nhà, hơn 10,6 ha mía, trên 8,3 ha mì, 633 cây chuối…

Điều khiến người dân cảm thấy bất an, lo lắng khi đàn voi rừng di chuyển liên tục, không cố định. Do vậy, người dân không thể biết trước khi nào chúng xuất hiện để chủ động đề phòng.

Dân chờ chế độ hỗ trợ

Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán cho biết, năm 2014, voi rừng ra 14 lần, làm hư hỏng 6 căn chòi lá (mỗi căn rộng khoảng 20m2), phá 60 cây cam, 40 cây xoài, 20 cây chuối… Hạt cũng đã báo cáo những thiệt hại của người dân lên huyện và Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Tuy nhiên, theo Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán, hiện nhiều người dân rất bức xúc khi họ chưa nhận được hỗ trợ về những thiệt hại mà voi đã gây ra trong hơn 2 năm nay. Có hộ bị voi ra phá nhiều lần trong năm khiến cuộc sống của họ rất khó khăn.

Bà Đỗ Thị Hương Sen, Trưởng ấp 5 (xã Thanh Sơn), bức xúc: “Nhiều năm nay, voi thường ra khu vực ấp 5 để phá hoại hoa màu và nhà cửa của dân. Một số trường hợp bị voi phá sập nhà nhưng vì gia đình nghèo không đủ điều kiện làm lại nên đành dựng lều ở tạm; thậm chí có trường hợp không chịu nổi đành phải bỏ đi nơi khác sống.

Trước đây, các hộ bị voi phá đều được hỗ trợ gạo, những hộ nghèo bị sập nhà được hỗ trợ tiền để làm lại nhà. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua không có người dân nào được hỗ trợ, chúng tôi chờ hoài vẫn chưa thấy rục rịch gì hết”.


Dấu chân voi rừng

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, Ngô Văn Sơn cũng xác nhận, từ năm 2012 đến nay người dân bị voi phá vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ.

Trao đổi với PV, ông Tôn Hà Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo tồn Thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai), cho biết: "Vừa qua, đoàn cán bộ Chi cục Kiểm lâm về tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật bảo vệ và phát triển rừng đến người dân sinh sống trên địa bàn 2 xã: Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và Thanh Sơn (huyện Định Quán). Đồng thời có nghe một số người dân thắc mắc về việc chậm hỗ trợ cho những hộ bị voi rừng phá hoại.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã phải giải thích cho bà con hiểu vì đang chờ Sở Tài chính xây dựng xong kế hoạch mức hỗ trợ để trình lên UBND tỉnh phê duyệt".

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.