| Hotline: 0983.970.780

Các căn cứ quân sự Mỹ ngốn tiền thế nào?

Chủ Nhật 31/03/2019 , 13:15 (GMT+7)

Một phán quyết mới đây của Tòa án Công lý quốc tế đã mở ra khả năng Mỹ có thể không duy trì được căn cứ quân sự quan trọng Diego Garcia trên Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, cường quốc này còn vài trăm căn cứ quân sự ở ngoài lãnh thổ Mỹ khác, được bố trí khắp toàn cầu.

Thỏa thuận gây tranh cãi

Năm 1965, giữa lúc Chiến tranh lạnh ở cao trào, Mỹ ký một thỏa thuận bí mật gây tranh cãi với Chính phủ Anh về việc thuê một trong 60 hòn đảo thuộc quần đảo Chagos trên Ấn Độ Dương để thiết lập căn cứ quân sự. Bí mật là bởi khi đó Anh đang xúc tiến trả lại độc lập cho Mauritius, trong khi quần đảo Chagos là vùng đất lệ thuộc đảo quốc này, theo CNN. Quần đảo Chagos sau đó bị tách khỏi Mauritius và trở thành lãnh thổ Anh quốc ở Ấn Độ Dương. Tòa Công lý quốc tế mới đây đã phán quyết việc này vi phạm luật pháp quốc tế. Theo phán quyết, Anh phải hoàn trả lại quần đảo Chagos, nằm giữa châu Phi và Indonesia, cho đảo quốc Mauritius.

13-13-43_1
Căn cứ quân sự Mỹ rải khắp toàn cầu (Ảnh: CNN)

Phán quyết của tòa, dù không mang tính bắt buộc vẫn tạo ra vấn đề rất lớn đối với Mỹ. Ngày nay, căn cứ Diego Garcia là một trong những tài sản quan trọng và bí mật nhất ở hải ngoại của Washington.

Từ Singapore tới Djibouti, Bahrain hay Brazil, Mỹ vận hành khoảng 800 căn cứ quân sự và cơ sở hậu cần, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

“Cộng tất cả các căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ của các quốc gia khác cũng chỉ là 30”, Daniel Immerwahr, giáo sư lịch sử trường Đại học Tổng hợp Northwestern (Mỹ) nói.

Hầu hết căn cứ quân sự Mỹ hình thành trong thời kỳ sau Thế chiến 2, khi các cường quốc truyền thống như Anh và Pháp bắt đầu phải từ bỏ các thuộc địa khắp thế giới, đặc biệt ở châu Á.

Trong lúc ảnh hưởng của Liên Xô ngày càng tăng trong thời Chiến tranh lạnh, việc dấu chân của các đông minh châu ngày càng thu hẹp trên phạm vi toàn cầu khiến Mỹ và các đồng minh cảm thấy lo sợ rằng họ “đang mất đi sự kiểm soát đối với thế giới”, theo diễn giải của David Vine, tác giả cuốn sách "Island of Shame" nói về số phận bán đảo Chagos.

Trong giai đoạn này, Mỹ bắt đầu nỗ lực tạo ra một mạng lưới căn cứ và cơ sở hậu cần quân sự, mang lại khả năng bảo vệ và tấn công quân sự ở khắp nơi mà không phải mất công đánh chiếm và kiểm soát một vùng thuộc địa.

“Nếu tính tổng, số căn cứ của Mỹ bên ngoài lãnh thổ hợp lại chỉ có diện tích tương đối nhỏ, chưa bằng diện tích bang Connecticut”, Immerwahr, tác giả cuốn sách “Làm thế nào để che giấu một đế chế” nói với CNN.

“Tuy nhiên, có hàng trăm khu vực ở nước ngoài nằm trong vòng kiểm soát của Mỹ và những căn cứ này có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm sức mạnh (của Mỹ)”.

Nhiều chính phủ, ví như Hàn Quốc, Nhật Bản và Bahrain, đã tìm kiếm các thỏa thuận quốc phòng dài hạn với Mỹ, coi sự hiện diện quân sự của Washington trên lãnh thổ của mình là phương tiện cần thiết để bảo đảm đất nước được bảo vệ.

13-13-43_2
Người dân Nhật Bản biểu tình phản đối căn cứ quân sự Mỹ (Ảnh: TheNation)

Năm 1964, Mỹ đề nghị Anh cho thuê một hòn đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương. Năm 1966, chính phủ Mỹ và Anh ký thỏa thuận trong khi quốc hội hai bên không hề được biết. Theo thỏa thuận, Mỹ có quyền xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Diego Garcia, “cho đến khi nhu cầu về một cơ sở quân sự ở đây không còn”, ngôn ngữ của văn bản này được cho là cố tình mơ hồ như thế.

Khi đó, chính phủ Mauritius được Mỹ chi trả 3,9 triệu USD để đồng ý với thỏa thuận.
 

800 căn cứ, tại 80 quốc gia

Theo tạp chí Mỹ The Nation, 800 căn cứ quân sự của Mỹ được bố trí rải rác ở 80 quốc gia, với quân số 138.000 người. Có một mẫu số chung đối với các căn cứ này là sự kêu ca của dân địa phương về tác động tiêu cực của các căn cứ quân sự Mỹ đối với cộng đồng dân cư, từ Nhật, Hàn đến Ireland… Tổ chức Shannonwatch ở Ireland đã ra đời với mục tiêu đòi quân đội Mỹ chấm dứt sử dụng sân bay dân sự ở Shannon, Ireland. Mỹ đã vận chuyển hơn 3 triệu lượt binh lính qua sân bay Shannon để đi thực hiện các nhiệm vụ quân sự mặc dù Ireland đã quyết định không tham gia tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, giữ quan điểm trung lập về quân sự.

Theo tính toán của tác giả David Vine trên tạp chí Politico, để duy trì số căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ cùng hàng trăm ngàn binh lính, chỉ riêng năm 2014, Chính phủ Mỹ phải chi ra 85-100 tỷ USD, nếu cộng thêm những căn cứ thiết lập tạm thời ở vùng có chiến sự thì con số là 160-200 tỷ USD.

Những con số khổng lồ này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về chủ đề Mỹ có cần thiết phải duy trì quá nhiều căn cứ quân sự ở bên ngoài như thế không, chúng có tác dụng gì và chúng có thực sự giúp dân Mỹ được an toàn hơn không.

13-13-43_3
Máy bay ném bom của không quân Mỹ trên đảo Diego Garcia (Ảnh: CNN)

Theo các số liệu từ báo cáo cơ cấu căn cứ quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ, cộng thêm các nguồn thông tin học thuật, báo chí, ông Vine vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về căn cứ quân sự Mỹ toàn cầu, tính đến năm 2015.

Sau đây là vài gạch đầu dòng.

Ý: Hàng trăm căn cứ quân sự ở châu Âu đã đóng cửa kể từ những năm 1990, nhưng căn cứ và 11.500 lính Mỹ hiện diện ở Ý vẫn còn đó. Không những vậy còn mở rộng cơ sở và mở rộng các hoạt động hướng tới châu Phi, từ căn cứ ở Sicily.

Nhật Bản: Nơi hiện có hơn 30 căn cứ Mỹ, tập trung chủ yếu tại Okinawa, nơi diễn ra nhiều hoạt động phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Iraq: Có 505 căn cứ ở thời điểm cao trào của cuộc chiến Iraq, nhưng Quốc hội Iraq từ chối đề nghị của Mỹ muốn duy trì 58 căn cứ, sau đợt rút quân năm 2011. Tại Iraq, Mỹ duy trì ít nhất 5 căn cứ kể từ năm 2014.

Thái Lan: Mỹ vẫn duy trì căn cứ không quân hải quân U-Tapao. Đây là trung tâm hậu cần cho chiến trường Iraq và Afghanistan.

Philippines: Kể từ 2002, vẫn còn ít nhất 600 lính Mỹ được triển khai giúp quân đội Philippines chống phiến quân. Có lúc số lính Mỹ ở đây tăng lên đến vài ngàn người.

(Kiến thức gia đình số 13)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất