| Hotline: 0983.970.780

Các con bạn thấy ổn, sao bạn cứ khổ tâm?

Thứ Sáu 18/01/2019 , 06:50 (GMT+7)

Hai em gái tôi cho rằng không do gen mà do tôi bao đồng quá giờ cháu nội cháu ngoại của tôi chống lại như chống ách đô hộ, trị vì. Tôi nói chuyện với hai con gái và con trai, chúng chỉ bảo, bọn trẻ giờ đứa nào chẳng nổi loạn...

Chị kính mến!

Tôi là chị cả của gia đình ba gái, một trai. Ngày bao cấp đói kém, chỗ của tôi như nhà trạm, em út, cháu các loại và gia tộc hai bên, may mà chồng tôi dễ tính. Bố mẹ ở quê, bốn chị em tôi ra thành phố, dắt díu nhau thành đạt hết. Tôi thấy giữa các chị em có tranh giành tình thương của bố mẹ gì đâu.

Nhưng hai em gái tôi không nghĩ như tôi. Chúng nói mẹ tôn tôi, mẹ còn sống mà chị được quyền huynh thế phụ. Chỉ có hai đứa em gái thì rắc rối chứ thằng út nó ngoan lắm, một chị hai cũng chị nên em dâu nhà tôi rất dễ bảo, đôi ấy hạnh phúc không phải bàn.

Đến các con tôi, ba đứa, hai gái một trai. Nhờ nết xả thân của tôi mà chúng nó noi gương, chị em xúy xóa nhau, chị cả bảo bọc hai em, các em biết điều với chị. Nhưng rồi gia đình nhỏ của chúng nó không còn nhỏ nữa, mỗi nhà hai con, riêng biệt bề thế.

Bố mẹ tôi lần lượt mất cả, chỉ ông bà nội của các con tôi là thọ nên chúng về nội rất thường. Không biết do gen hay do gần gũi mà đám cháu nội ngoại của tôi lại giống cụ kỵ của chúng. Lục đục, so bì, không đến nhà nhau, nhưng về nội của các con tôi, chúng tranh nhau đi như về với cố quốc vậy.

Hai em gái tôi cho rằng không do gen mà do tôi bao đồng quá giờ cháu nội cháu ngoại của tôi chống lại như chống ách đô hộ, trị vì. Tôi nói chuyện với hai con gái và con trai, chúng chỉ bảo, bọn trẻ giờ đứa nào chẳng nổi loạn, chúng tự do, chúng có chủ kiến, chúng hay xét lại quá khứ.

Chu cha ơi, thế thì nát bét cùng thế hệ IT à? Báu gì tự do chống đối, ngang ngược, bố mẹ không được đột nhập phòng con cái, giỗ chạp không quý bằng chuyến du lịch nước ngoài, bữa ăn tụ tập gia tộc không bằng ăn vỉa hè với đám bạn nhí nhố?

Tôi buồn chán chị ạ. Con của hai đứa con gái là cháu ngoại, bốn đứa ấy xích mích chi không biết giờ không ngồi chung với nhau, có đứa này không có đứa kia mà một đứa 15, một đứa 12 chứ người lớn gì đâu. Tôi từng có uy, giờ nói gì chúng cũng không làm hòa, chán thế chứ.

Ba thế hệ mới đây, đến thế hệ thứ ba này thì không còn nhận diện được đó là người mình hay người nước nào nữa đấy chị.

--------------------

Bạn thân mến!

Thời của bạn tôi hình dung được. Ai có nết bao đồng một chút thì lãnh đủ. Tôi đây, tôi nếm đủ mùi nhà trạm. Nhà gần bến xe, mình có thẻ nhà báo, vừa phải xếp hàng mua vé cho bà con (chả lẽ lấy tiền vé), vừa phải chứa dựa, cơm nước cho bao nhiêu là người. Khi nào cũng viêm màng túi, mà túi có rủng rỉnh gì đâu. Nhưng ông bà mình có câu, mình gánh gạo đường xa cho con, nữa con mình cơ nhỡ, hẳn sẽ có người giúp.

Nhưng đến con mình bạn ạ, nó chỉ còn 50 phần trăm gien của mình, ấy là nói chuyện sinh học di truyền. Nói về tâm tính có khi nó thiên về nhà nội nó, nó ngấm ngầm chống lại kiểu bao đồng vô giới hạn của mẹ.

Có thể không? Có thể, đơn giản vì khách khứa quá, xả thân quá nó thấy mệt, nó thấy tốn hao, nó thấy bố của chúng nó mất vai trò, không được phản kháng, vân vân và vân vân. Như cái cân, nghiêng về phía kia quá thì nó sẽ ngả về phía này cho cân bằng.

Coi như thế hệ thứ hai con của bạn nó nghiêng về nội về bố. Cũng quy luật thôi, quy luật của phụ hệ, nam quyền, lá và cội, họ và tên, giỗ và hương khói. Dù con của bạn, những đứa con gái của bạn không trung dung, bạn cũng đành thôi. Cha mẹ sinh con trời sinh tính.

Làm sao yên vui như hồi kinh tế bất động được, nghèo mà xanh sạch. Giờ kinh tế nóng, xã hội nóng, lòng người bất an sốt ruột, mình mong như xưa ư, ai mong nghèo như xưa tôi xin can. Nhưng yêu cầu con người xả thân như xưa cũng phi lý, vì riêng chuyện thời gian dành cho nhau cũng hiếm rồi.

Và các cháu ngoại của bạn. Một thế hệ như con gái của bạn định nghĩa không sai, nhà ai cũng ít con, nhà ai cũng bận rộn IT học hành, nhà ai cũng đội con lên đầu, chúng, đám con nít ấy không robot, không ích kỷ mới lạ.

 Các con bạn thấy ổn, sao bạn cứ khổ tâm? Bạn cứ lấy hệ qui chiếu của thế hệ mình mà soi xét thì bạn sẽ tổn thọ đấy. Nhưng đám cháu ngoại không ưa nhau là chuyện khác với không ngồi được với nhau, không nhìn mặt nhau.

Đã có chuyện gì ghê gớm giữa những đứa trẻ chíp hôi ấy? Bà ngoại với nết “cai trị” của mình phải nên biết. Dù gì thế hệ bạn là chị cả đã vô cùng ấm áp, ấy là niềm tự hào chứ. Các con của bạn phải ngồi lại để “xử lý” những đứa con của mình đi. Ghê gớm quá, mới nứt mắt mà đã đành hanh thế, nữa ai chịu nổi?

Phải cho chúng nó biết đừng xé người lớn ra, những cộng đồng của dân tộc có văn hóa bảo bọc nhau bền vững hàng ngàn năm qua. Riêng chuyện ấy, tôi ủng hộ bạn, làm cho ra lẽ, để chúng phải biết “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, ấy là cách người Việt trường tồn.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất