Tổng giám đốc Cty cao su Hương Khê và đại diện công đoàn ký thỏa ước lao động |
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Tổng giám đốc Cty cao su Hà Tĩnh thông tin, năm 2018 giá mủ cao su vẫn tiếp tục ở mức thấp, thậm chí giá bán còn giảm đến 4,05 triệu đồng/tấn so với giá bình quân năm 2017, trong khi giá thành sản xuất cao dẫn đến hoạt động SXKD chung của Cty thua lỗ. Tổng sản lượng khai thác đạt 1.150 tấn/hơn 1.719ha (trong đó khai thác tại Lào hơn 53ha); chế biến hơn 1.900 tấn; thu nhập bình quân lao động 3,7 triệu đồng/người/tháng.
Để khắc phục những khó khăn, tiết kiệm chi, năm 2018 công tác đầu tư các công trình XDCB chủ yếu tập trung khắc phục, sửa chữa đường lô phục vụ SX tại các nông trường, đơn vị trực thuộc thực sự cần thiết, đảm bảo phục vụ tốt cho nhiệm vụ chăm sóc vườn cây và khai thác mủ cao su. Sửa chữa một số nhà của các đơn vị và một số hạng mục tại nhà máy chế biến, phục vụ gia công chế biến cho các Cty khác.
Năm nay, Cty cao su Hà Tĩnh tiếp tục xác định phải đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cán bộ, công nhân viên Cty nỗ lực đưa sản lượng khai thác tăng lên hơn 2.000 tấn mủ/2.000ha (trong đó, diện tích khai thác tại Việt Nam 1.802ha và tại Lào hơn 283ha); chăm sóc tốt vườn cây KTCB (gần 2.200ha). Đồng thời, tăng gia SXKD các lĩnh vực khác như: khai thác rừng trồng; tiêu thụ gạch; gia công chế biến mủ; thanh lý vườn cây cao su hết tuổi khai thác…
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn CNCSVN trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân thuộc Cty cao su Hà Tĩnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018 |
Đối với Cty cao su Hương Khê, đơn vị này tiền thân là doanh nghiệp chuyên kinh doanh thông và nhựa thông. Năm 2007 Cty gia nhập Tập đoàn CNCSVN. Bước đầu khởi nghiệp với cây “vàng trắng” Cty nhận được sự quan tâm, giúp đỡ đắc lực từ Ban lãnh đạo Tập đoàn và chính quyền địa phương, vì vậy, cây cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (KTCB) phát triển vượt sự kỳ vọng của Tập đoàn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, vườn cây sắp bước vào thời kỳ khai thác cũng là lúc giá mủ tụt dốc không phanh, điều kiện đầu tư cho vườn cây KTCB có phần hạn chế dẫn đến sản lượng mủ đưa vào khai thác năm đầu tiên đạt thấp.
Cụ thể, năm 2017 mở cạo hơn 330ha; năng suất trung bình đạt 5 tạ/ha. Đến năm 2018, diện tích khai thác tăng lên hơn 586/4.501,41ha cao su; sản lượng mủ 200 tấn (đạt 100% KH); tổng doanh thu đạt hơn 6,4 tỷ đồng. “Mặc dù năng suất, sản lượng mủ năm thứ 2 có tăng lên nhưng do mới đưa vào cạo những năm đầu chu kỳ khai thác nên lợi nhuận gần như chưa có. Tuy nhiên, mọi chế độ lương, thưởng, BHXH, BHYT của người lao động Cty đều thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định”, ông Trần Thanh Hà, Tổng giám đốc Cty nói. Đồng thời cho biết, để nâng cao hiệu quả SXKD, thời gian tới Cty tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu Cty giai đoạn 2019 – 2021, định hướng đến 2025. Trước mắt, năm nay cán bộ, công nhân viên nỗ lực chăm sót tốt hơn 2.900ha ca su KTCB và đưa vào khai thác 984,09ha (Trong đó, mở cạo mới 400ha; diện tích cạo năm 2 là 250ha và cạo năm 3 hơn 336ha); phấn đấu sản lượng đạt 600 tấn; tổng doanh thu hơn 20 tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng.
Năm 2019 Cty cao su Hương Khê phấn đấu khai thác 600 tấn “vàng trắng” |
Ngoài phát triển cây cao su, Cty cũng chú trọng đầu tư trồng hơn 1.000ha keo, góp phần tăng lợi nhuận, nâng thu nhập bình quân người lao động từ 3,2 triệu (năm 2018) lên 3,4 triệu đồng/người/tháng.
“Hiện tổng diện tích Cty đang quản lý là hơn 15.253ha. Sắp tới Cty dự kiến chuyển trả về địa phương hơn 3.100ha. Diện tích còn lại (12.067ha), đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét cho Cty thuê hơn 4.932ha diện tích trồng cây lâu năm và 10,28ha đất khuôn viên trụ sở. Còn hơn 7.234ha thuộc các đối tượng đất khác, đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện giao đất cho Cty để Cty yên tâm đầu tư phát triển lâu dài, hiệu quả”, lãnh đạo Cty cao su Hương Khê nhấn mạnh.