| Hotline: 0983.970.780

Các cửa khẩu phía Bắc: Móng Cái sôi động, Tân Thanh hiu hắt

Thứ Hai 01/08/2011 , 10:24 (GMT+7)

PV NNVN đã có mặt tại 2 cửa khẩu lớn ở phía Bắc là cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Tân Thanh (Lạng Sơn), ghi nhận tình hình hàng hóa XNK nơi đây.

Hiện có rất nhiều luồng thông tin trái chiều về nông sản thực phẩm XK sang Trung Quốc. Để nắm rõ hơn về vấn đề này, PV NNVN đã có mặt tại 2 cửa khẩu lớn ở phía Bắc là cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Tân Thanh (Lạng Sơn), ghi nhận tình hình hàng hóa XNK nơi đây.

 Móng Cái: Thực phẩm nhập nhiều hơn xuất

Cũng nhằm tìm câu trả lời cho việc tại sao thực phẩm lại khan hiếm và giá cả tăng cao, đoàn công tác của Bộ  NN-PTNT do Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao dẫn đầu đã đi sâu và khu vực dọc biên giới cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Tham gia cùng đoàn công tác, điều PV chúng tôi ghi nhận được là thực phẩm gần như chỉ có nhập mà không có xuất.

Đêm mỗi lúc một đặc quánh nơi địa đầu Móng Cái. Chúng tôi lặng lẽ bám theo vệt sáng khi mờ, khi tỏ từ chiếc đèn pin trên tay anh Sáng-chỉ huy Đồn Biên phòng số 11 bước dọc theo bờ sông Ka Long đang ngổn ngang đất đá vì có dự án cảng, kho bãi, khu đô thị dọc biên giới. Mùa này nước cạn, từ bờ này sang bờ kia chỉ bơi khoảng dăm ba phút. Phía bên kia nước bạn, tiếng máy nổ, máy xúc vang động núi rừng.

Chính sách biên mậu và nhu cầu sẽ quyết định lượng hàng từ VN tuồn sang TQ gồm những chủng loại gì, số lượng bao nhiêu nhưng ước tính hàng vào TQ lớn gấp cả trăm lần VN. VN chủ yếu nhập hàng gia dụng của TQ còn phía bạn nhập phần nhiều nguyên liệu, phế liệu. Thương gia TQ mua đủ thứ không chỉ nông sản, bột sắn, ngô, cao su mà còn mua rất nhiều loại phế liệu, nhiều thứ không hiểu nổi mua để làm gì như vỏ con sam đã mủn thối như phân, vỏ sò, ghẹ đổ đi cũng mua tuốt. Gần như không còn cái gì không mua.

Cơ chế biên mậu của bạn vô cùng mềm dẻo, nhu cầu nội địa đang cần gì là mở hết đón hàng sang, không cần qua cửa khẩu, chỉ cần qua biên giới. Hàng vượt biên vào thoải mái đến bên trong mới kiểm tra, siết chặt.

Anh Sáng phân bua, đất nước nào cũng có buôn lậu dù có rào biên giới bằng hàng rào điện tử vẫn cứ qua được chứ chưa nói biên giới của mình mênh mông bể sở (Móng Cái có trên 50 km đường biên), biên phòng của mình có căng người ra cũng không thể xuể. Hồi đầu năm, giá lợn của VN thấp hơn TQ, lợn ta ào ạt vượt biên.

 Trước khi xuất ngoại, lái buôn TQ cho lợn vào rọ sắt, dựng đứng từng hàng vào tường, trông tăm tắp như đoàn duyệt binh. Một chiếc can 5-7 lít bị cắt đít, trong đó chứa khoảng 3 kg bột ngô cùng 3 kg bột đá, tống thẳng vào cổ họng con vật. Càng kêu la, giãy dụa thứ hỗn hợp kỳ quái kia càng tống nhanh xuống dạ dày. Bột đá sẽ có tác dụng “đổ bê tông” trong thành ruột lợn, bít kín hậu môn, không cho chúng đi ngoài nên giữ nguyên được trọng lượng gian lận thêm.

Phường Hải Yên có vài điểm tập kết lợn, gia cầm như thế nhưng giờ đây giá cả cân bằng, không còn hiện tượng này. Thậm chí tháng vừa rồi, Hải Yên còn bắt được 3 xe lợn, tạm giữ 5 đối tượng vận chuyển lợn từ TQ sang. Chuyện buôn lậu hàng tươi sống chỉ bị phạt hành chính chứ không có những hình thức quyết liệt như tịch thu xe, truy tố đầu nậu nên chưa đủ sức răn đe. 

Theo anh Vũ Văn Kinh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái, TP từ đầu năm đến nay đã bắt giữ, tịch thu xử lý 47 vụ động vật và sản phẩm động vật nhập lậu trong đó 26 vụ gà loại thải (20,2 tấn), 7 vụ chân cánh gà đông lạnh (84 tấn), 3 xe lợn 147 con (14,3 tấn)… đặc biệt có cả 5 vụ nhập thịt mèo đông lạnh với số lượng 2,6 tấn. Trên địa bàn có khoảng 30% con giống từ TQ chưa qua kiểm dịch, 20% đại lý thức ăn chăn nuôi trôi nổi cũng chủ yếu từ TQ.

Về con giống theo ghi nhận của Trạm Kiểm dịch động vật Móng Cái từ đầu năm đến nay không có hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng này nhưng qua giới buôn lậu rỉ tai, gia cầm giống lậu vẫn tràn vào VN theo hai hình thức. Một là vác trứng qua biên, về nở dọc đường nghiễm nhiên thành gia cầm bản xứ. Hai là giấu những khay giống hàng trăm con trong cốp xe rồi tuồn qua các trạm kiểm soát liên ngành.

Các sản phẩm gia súc, gia cầm nhập qua Móng Cái hiện thời chủ yếu là hàng đông lạnh như chân gà, cánh gà, thịt gà, nội tạng động vật tạm nhập tái xuất lưu thông qua địa bàn với số lượng cực lớn khoảng 30 công/ngày, tương đương vài trăm tấn. Từ đầu năm tới giờ ta xuất được 130 tấn thịt sang TQ, chủ yếu hồi tháng 1, 2, 3 qua cửa khẩu Lục Lầm-Hải Hòa, một số ít xuất qua cửa khẩu Ka Long.

Tân Thanh vắng như... chùa Bà Đanh

Không chỉ tại thời điểm chúng tôi có mặt, cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mới vắng vẻ mà những tiểu thương ở đây cho biết, thời gian qua, tại cửa khẩu từng sôi động, sầm uất nhất miền Bắc này cũng vắng vẻ cả người bán lẫn kẻ mua.

Có mặt tại Chợ cửa khẩu Tân Thanh Lạng Sơn đúng 9 giờ sáng ngày 30/7, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi sự hoang vắng như cảnh chợ chiều. Khu sân rộng lớn làm bãi xuống hàng chỉ có mấy chiếc ô tô tải đậu từ nhiều hôm trước, trên xe chẳng có gì, cả bãi xe cải tiến (kéo tay) hàng xếp dài dằng dặc mốc meo, nhiều ki ốt, cửa hàng đã khoá im ỉm, người qua lại rất thưa vắng. 

Tôi thấy làm lạ, vì những năm trước đến Tân Thanh muốn lách được chiếc xe ô tô vào trong bãi đã rất vất vả, bởi xe tải lớn, xe ô tô nhỏ cứ nối đuôi nhau, hàng hoá xếp kín lối đi; xe thồ, xe kéo hàng chen nhau kín đặc. Vậy nhưng bây giờ thì chúng tôi thoả sức phóng ô tô tới tận điểm cuối tiếp giáp phía Trung Quốc mà chẳng ai tuýt còi.

Đi sâu vào trong chợ, cảnh tượng còn tẻ nhạt hơn nhiều. Cả thương nhân người Việt lẫn người Trung Quốc bán hàng ở chợ đều buồn thiu. Đáng chú ý nhất có lẽ là có 5-6 điểm các thương nhân rảnh rỗi ngồi tụm năm tụm ba đánh bài lá. Uớc tính sơ bộ, đã có khoảng 30% số gian hàng đã cửa đóng then cài. Hỏi ra mới biết, họ bán hàng ế quá nên đành tạm nghỉ. Chỉ những người bán hàng lặt vặt, giá rẻ là kiên trì bám trụ. Người mua là khách du lịch vãng lai nghèo.

Tại cửa hàng đồ quần áo may sẵn của A Bình (người Trung Quốc) ngay tại cửa ra vào, các biển giảm giá được treo cạnh những chiếc áo nhàu nhĩ và bụi bặm, do để lâu không bán được. Thấy chúng tôi ghé thăm, chị A Bình nhanh nhảu mời bằng tiếng Việt, giọng lơ lớ: "Mấy ngày nay không bán được chiếc áo nào, các anh mua giúp đi, sắp hết tiền ăn, không có tiền nuôi con rồi". Miệng chị nói trong khi hai đứa trẻ ngồi trong lòng mẹ cứ ngơ ngơ ngác ngác trông rất tội nghiệp.

Bên cạnh hàng gia dụng giá rẻ, khu vực được nhiều người ghé qua xem chính là khu bán "hàng nóng", hàng cấm như: Bao cao su, thuốc kích dục, băng đĩa đồ truỵ, dao, kiếm, dùi cui điện…Tuy nhiên, những ngày này, khu "hàng nóng" cũng thưa vắng đến lạ lùng. Anh Lô Minh Tuấn – nhân viên bán vé tại Trạm thu phí Pác Luống, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng cho hay: “Mấy tháng nay khách đến Tân Thanh ít lắm, mỗi ngày cả trạm chỉ bán được khoảng 2 triệu đồng tiền vé cho các xe hàng, xe du lịch...”

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm