| Hotline: 0983.970.780

Các mẫu ngư lôi trong biên chế hải quân Trung Quốc

Thứ Tư 19/12/2018 , 21:05 (GMT+7)

Từ một quả ngư lôi Mỹ trôi dạt trên biển, Trung Quốc sao chép và cho ra đời nhiều mẫu ngư lôi hiện đại trang bị cho tàu ngầm.

Một quả ngư lôi Yu-3 được nạp lên tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh: Globalmil.

Tàu ngầm Trung Quốc được trang bị nhiều mẫu ngư lôi được sao chép theo thiết kế của Liên Xô, Mỹ và một số công nghệ có sẵn trên thị trường. Các dòng ngư lôi chiến đấu của hải quân Trung Quốc thường đi kèm với phiên bản huấn luyện không mang đầu nổ, cho phép binh sĩ làm quen với hoạt động tác chiến và thu hồi quả đạn để tái sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí, theo National Interest.

Ngư lôi chống ngầm đầu tiên cho tàu ngầm Trung Quốc là mẫu Yu-3, nằm trong chương trình phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân. Ngư lôi Yu-3 được thiết kế từ năm 1964 và thử nghiệm lần đầu trên biển vào năm 1972, quá trình sản xuất hàng loạt bắt đầu năm 1984.

Phần lớn thiết kế và công nghệ trên Yu-3 đều do Trung Quốc tự nghiên cứu, nhưng nó bị đánh giá là có uy lực kém so với những sản phẩm cùng thời. Mỗi quả Yu-3 đạt tốc độ tối đa 65 km/h và chỉ có đầu dò thụ động, bám theo tiếng ồn từ mục tiêu.

"Tính năng hiện đại duy nhất là quả ngư lôi có thể vòng lại và khóa mục tiêu nếu bắn trượt trong lần tiếp cận đầu tiên. Nó thua kém hoàn toàn so với các ngư lôi phương Tây và Liên Xô trong thập niên 1980", nhà phân tích Charlie Gao nhận xét.

Biến thể Yu-3 hiện đại hóa ra mắt vào năm 1991 và được trang bị đầu dò hỗn hợp chủ động - thụ động, cho phép nó tự phát tín hiệu định vị thủy âm (sonar) để phát hiện mục tiêu. Một số nguồn tin khẳng định Yu-3 còn có cơ chế điều khiển qua dây dẫn.

Yu-4 được coi là ngư lôi diệt hạm phóng từ tàu ngầm đầu tiên trong biên chế hải quân Trung Quốc. Năm 1958, Moskva ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ giúp Bắc Kinh chế tạo ngư lôi dùng động cơ điện, dựa trên mẫu SAET-50 trong biên chế hải quân Liên Xô. Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ Moskva - Bắc Kinh khiến việc chuyển giao bị chấm dứt giữa chừng, buộc các kỹ sư Trung Quốc tự nghiên cứu những hạng mục bị thiếu.

Họ liên tục gặp vấn đề với thiết kế Yu-4, gây ra hàng loạt vụ nổ trong quá trình thử nghiệm. Dự án bị hoãn cho tới năm 1966, trước khi 5 nguyên mẫu ngư lôi Yu-4 được ra mắt hải quân Trung Quốc năm 1971 nhưng chúng không được chấp nhận do ngòi nổ kém ổn định và độ ồn quá lớn.

Yu-4 chỉ được biên chế vào năm 1984 với phiên bản Yu-4A dùng đầu dò thụ động và Yu-4B với hệ thống dẫn đường hỗn hợp. Mẫu Yu-4B đạt tốc độ 75 km/h, tầm bắn 15 km và mang đầu đạn nổ mạnh nặng 220 kg. Nó có uy lực vượt trội so với mẫu SAET-50 và SAET-50M Liên Xô, nhưng vẫn thua kém dòng SAET-60M được Moskva phát triển từ năm 1969.

Ngư lôi Yu-4 trong một nhà máy sản xuất năm 1985. Ảnh: Sina.

"Yu-4 thua kém dòng Mark 48 của Mỹ khi đó, vốn đạt tốc độ tới 102 km/h. Tuy nhiên, nó vẫn di chuyển nhanh hơn dòng Mark 37, ngư lôi dùng động cơ điện cuối cùng của Washington", Gao cho biết.

Tính năng lạc hậu khiến Yu-4 ít được triển khai trên tàu chiến Trung Quốc. Nó dường như đã được hoán cải thành thủy lôi phóng từ máy bay tương tự dòng Mark 60 CAPTOR, phục vụ chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của Bắc Kinh.

Đến năm 1978, hải quân Trung Quốc đạt bước đột phá trong công nghệ chế tạo ngư lôi khi một ngư dân nước này vớt được quả ngư lôi Mark 46 Mod 1 của Mỹ trên Biển Đông. Việc nghiên cứu quả ngư lôi Mark 46 Mod 1 giúp Trung Quốc phát triển ngư lôi phóng từ máy bay Yu-7, trong khi nhiều công nghệ cũng được ứng dụng cho các vũ khí phóng từ tàu ngầm.

Các nhà thiết kế Trung Quốc nhanh chóng sao chép công nghệ nhiên liệu Otto II trên ngư lôi Mỹ, cho phép chế tạo những quả ngư lôi nhỏ gọn nhưng có sức đẩy lớn hơn nhiều. Yu-5 là ngư lôi Trung Quốc đầu tiên ứng dụng công nghệ này và hệ thống điều khiển bằng dây dẫn, cho phép thủy thủ tàu ngầm lái quả đạn tới khu vực gần mục tiêu một cách chính xác. Đầu dò trên Yu-5 được cải thiện đáng kể, tích hợp nhiều thiết bị điện tử Mỹ và Nhật Bản.

Yu-5 được coi là ngư lôi mang tính cách mạng với hải quân Trung Quốc khi được biên chế cho hạm đội tàu ngầm diesel-điện vào đầu thập niên 1990. Dòng ngư lôi này được hiện đại hóa liên tục, đạt tầm bắn 30 km và tốc độ tối đa 102 km/h, gần ngang ngửa biến thể Mark 48 ADCAP chủ lực của tàu ngầm Mỹ.

Sau khi biên chế dòng Yu-5, Trung Quốc nhận thấy việc sử dụng ngư lôi chống tàu nổi và tàu ngầm riêng rẽ đã trở nên lỗi thời. Họ quyết định mẫu ngư lôi tiếp theo sẽ phải có tính đa năng như dòng Mark 48 Mỹ, đồng thời cải thiện tốc độ và tính năng đầu dò.

Một quả ngư lôi huấn luyện Yu-6 được đưa vào tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Kết quả là thiết kế Yu-6, dòng ngư lôi mới nhất cho tàu ngầm Trung Quốc. Nó ứng dụng công nghệ nhiên liệu Otto II của Yu-5, trang bị bộ vi xử lý Intel 80486 của Mỹ cho hệ thống dẫn đường. Yu-6 có đầu dò thụ động và chủ động, kết hợp với tính năng bám theo vệt sóng sau đuôi chiến hạm đối phương. Mẫu ngư lôi này được trang bị lớp vỏ mới bằng sợi tổng hợp.

Quá trình phát triển Yu-6 hoàn tất vào năm 2005, trong đó hai phần ba công nghệ là hoàn toàn mới và chưa từng xuất hiện trước đó. Quả ngư lôi đạt tốc độ tối đa 120 km, nhanh hơn cả phiên bản Mark 48 Mod 6 ADCAP hiện đại của Mỹ.

"Dù vậy, các biến thể mới nhất của Mark 48 tập trung vào khả năng đối phó mồi bẫy và các hệ thống gây nhiễu của đối phương, cũng như giảm tối đa độ ồn. Yu-6 khó lòng sánh được với phiên bản Mark 48 Mod 6 hoặc Mod 7 CBASS trong lĩnh vực này", chuyên gia Gao kết luận.

(vnexpress.net)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất