| Hotline: 0983.970.780

Các nhà khoa học nói gì về loại nấm trá hình nấm Việt?

Thứ Ba 08/11/2016 , 08:27 (GMT+7)

Tiến sĩ Nguyễn Duy Trình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp - Bộ NN-PTNT) cùng đồng sự là thạc sĩ Thân Đức Nhã, chuyên viên kỹ thuật của Trung tâm đã đưa ra những nhận định nhanh về các mẫu nấm mà NNVN đem tới…

Như NNVN đã từng đăng tải qua các bài viết "Loại nấm gì đang trá hình nấm hương tươi Việt bày bán ở các siêu thị lớn Hà Nội?", "Chuyên gia Nhật bật mí cách phân biệt nấm Việt với nấm có nguồn gốc từ Trung Quốc", nhóm PV chúng tôi đã mang theo những gói nấm hương tươi tự thu thập được ở các siêu thị và chợ tại Hà Nội.

Tất cả gồm 2 gói của Cty TNHH 2 TV Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam loại đang bày bán trong siêu thị, ghi nơi sản xuất là vườn nấm Minakami (Phú Thọ) trong đó 1 gói có hình dạng mũ nấm màu thâm, mịn, ướt, không nứt nẻ; 1 gói có hình dạng mũ nấm thô, nhiều cái sáng màu, nứt nẻ; 2 gói nấm mua ở chợ Long Biên không nghi nguồn gốc xuất xứ nhưng có chữ Trung Quốc phiên âm là Hequan và ghi hạn sử dụng tới 1 tháng (loại này theo các chuyên gia chắc chắn là hàng Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch).

Dưới sự chứng kiến của nhiều người, các bao bì được mở ra. Theo thạc sĩ Thân Đức Nhã-người làm đề tài nghiên cứu chuyên sâu về nấm hương, tất cả chúng đều có tên là nấm hương theo cách gọi của người Việt.


Ông Nhã đang kiểm tra nấm
 

Gói nấm thứ nhất của Cty TNHH 2 TV Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam gồm một chủng nấm hương duy nhất có nguồn gốc từ Nhật có tên gọi dân dã là nấm hương đen, rất nặng nên trông ít cây hơn.

Gói nấm thứ hai cùng trọng lượng nhưng cây nấm rất nhẹ nên trông như to gấp rưỡi gói thứ nhất. Gói thứ hai này được ông Nhã chia ra làm ba ô đại diện cho ba chủng loại: nấm da báo, nấm mui rùa, nấm mũ trơn. Cả ba đều có chân nấm rất nhỏ chứng tỏ một công nghệ nuôi trồng được công nghiệp hóa khá cao. Loại của Trung Quốc với hạn sử dụng 1 tháng gồm hai giống nấm là mui rùa và mũ trơn.

Hai trong số ba giống nấm ở gói nấm thứ hai do Cty TNHH 2 TV Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam phân phối giống với hai giống nấm của Trung Quốc trong gói có hạn sử dụng 1 tháng kể trên.

Xác định chủng giống khá dễ dàng tuy nhiên theo các nhà khoa học, khó mà xác định được chúng được trồng ở Việt Nam hay Trung Quốc. (Do đó Cty TNHH 2 TV Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam cần cung cấp đầy đủ chứng từ, số liệu khớp giữa bên xuất hàng là các trại nấm và bên nhập hàng là siêu thị, nhà hàng để chứng minh nấm mình phân phối là nấm Việt).

Về cảm quan mùi thì loại nấm Trung Quốc có mùi nồng nặc rất nặng khiến cho các nhà khoa học liên tục phải chun mũi. Loại của Việt Nam có gốc giống từ Nhật thơm nhẹ, dịu dàng. Loại gói ba thành phần nấm có mùi thơm đứng giữa hai loại trên.

Theo ông Trình, Cty Nguyệt Hà trên Cao Bằng (đơn vị mà theo như đại diện của Cty TNHH 2 TV Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam giải trình có nhập hàng rồi đóng gói là nấm Việt của Minakami sản xuất ở Phú Thọ) cũng là một trong những đối tác của Trung tâm nên biết rất rõ sản phẩm này. Mũ nấm của Nguyệt Hà nhẵn mịn tương tự như mũ nấm lành lặn ở trại Minakami chứ không giống nấm hương có mũ nứt nẻ của Trung Quốc.

Về chuyện nấm Trung Quốc đóng gói nấm Việt cách đây hơn 2 năm đã có tiền lệ là cơ sở sản xuất Lưu Mai Hương và bị người tiêu dùng tẩy chay quyết liệt. Sau vụ này thị trường nấm không còn những chiêu trò thô sơ nữa mà trở lên rất tinh vi.

Nói về giống nấm hương Trung Quốc, ban đầu, ở Việt Nam có một số đơn vị liên kết với Trung Quốc để trồng nấm hương tươi với công nghệ của họ, giống của họ rồi sau đó tách ra làm trại riêng nhưng vẫn sử dụng giống Trung Quốc.

Loại này tạm gọi là hàng Việt cũng không phải là không có lý. Loại nấm thứ hai là Trung Quốc thứ thiệt, không hề sản xuất trên đất Việt mà được nhập khẩu dạng tiểu ngạch, không kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, không kiểm dịch, có thể đóng dưới mác nấm Việt, nấm Trung Quốc hay lập lờ không ghi rõ nguồn gốc.

Loại thứ ba, là nhập những bịch nấm đã cấy sẵn giống (chứ không phải nhập giống) từ Trung Quốc về Việt Nam chăm sóc rồi bán dưới mác nấm Việt (cơ chất giá thể, quy trình công nghệ đều của Trung Quốc).

Điển hình cho tình trạng nhập nhèm này, cách đây ít lâu phía Đài Loan đã nhờ Việt Nam kiểm tra lô nấm hương khô Việt có trọng lượng 60 tấn nhưng khi đem kiểm tra các thành phần thì lại giống hệt nấm hương khô của Trung Quốc. Nguồn gốc lô hàng ghi sản xuất ở Thái Nguyên xuất qua một cảng tại miền Nam.

Đích thân ông Nhã đã lên Thái Nguyên kiểm tra, xác minh nhưng không thấy dấu hiệu một cơ sở nào ở tỉnh này có đủ điều kiện để sản xuất số lượng nấm nhiều đến vậy. Bởi thế ông nhận định đúng là lô hàng được nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc về qua Việt Nam lấy mác nấm Việt để xuất khẩu.

Giá nấm hương tươi Trung Quốc hay còn gọi là nấm đông cô bán ở một số chợ hiện nay ở Hà Nội gói 200 gram mua lẻ là 16.000đ còn mua buôn khoảng 12.000đ tương đương 50-60.000đ/kg. Nếu vào được siêu thị, nhà hàng hay bếp ăn tập thể dưới mác nấm Việt tươi sống chúng sẽ đội giá lên gấp đôi thậm chí còn hơn thế nữa.

 

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.