| Hotline: 0983.970.780

Các nhà máy đường lỗ nặng!

Thứ Năm 04/07/2013 , 09:41 (GMT+7)

Niên vụ ép đường 2012-2013 ở ĐBSCL được coi là vụ mía đắng. Đường làm ra khó tiêu thụ và ở mức rất thấp khiến các nhà máy đường lỗ nặng.

Niên vụ ép đường 2012-2013 ở ĐBSCL được coi là vụ mía đắng. Giá mía nguyên liệu sụt giảm, nông dân trồng mía không có lãi. Đường làm ra khó tiêu thụ và ở mức rất thấp khiến các nhà máy đường lỗ nặng.

Càng chạy càng lỗ

Niên vụ mía đường 2012-2013, các nhà máy đường ở ĐBSCL đua nhau vào vụ từ tháng 8, sớm hơn so với hàng năm từ 20-25 ngày. Lấy lý do là để ép mía chạy lũ nhưng trớ trêu thay nước lũ lại về chậm và thấp. Nhà máy vào vụ sớm, bà con nông dân thu hoạch mía non nên chữ đường thấp, thiệt hại cho cả nông dân và nhà máy.

Trong số này, vào vụ sớm nhất là Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát (Long Mỹ, Hậu Giang), bắt đầu khởi động từ giữa tháng 8. Thế nhưng, do giá đường liên tục sụt giảm và khó tiêu thụ, sản xuất không hiệu quả nên nhà máy này đã đóng cửa ngừng hoạt động từ ngày 15/12/2012, gây tâm lý hoang mang cho bà con nông dân trồng mía, nhất là ở huyện Long Mỹ, địa bàn được tỉnh Hậu Giang phân công cho Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát chịu trách nhiệm đầu tư và bao tiêu mía cho nông dân.

 Do càng chạy càng lỗ nên các nhà máy khác trong khu vực cũng chỉ chạy cầm chừng, mía bị tồn đọng nhiều. Một số nơi mía bị trổ cờ trắng đồng, nông dân thu hoạch không kịp làm giảm chất lượng, giá mía càng sụt giảm thêm.

Được đánh giá là nhà máy đường sản xuất hiệu quả nhất khu vực ĐBSCL, nhưng niên vụ 2012-2013, Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) cũng thua lỗ lên đến hàng chục tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc CASUCO cho biết: “Niên vụ vừa qua, 2 nhà máy đường của Cty (Phụng Hiệp và Vị Thanh) đã thu mua và ép được trên 1,159 triệu tấn mía, cao hơn vụ trước 112.412 tấn mía nhưng sản lượng đường chỉ tăng thêm 7.382 tấn (tổng sản lượng 100.509 tấn), nguyên nhân do chất lượng mía giảm 0,24 CCS.

Trong khi đó, giá đường bình quân thấp hơn so với niên vụ trước là 2.887 đ/kg nhưng giá mía chỉ giảm 118 đ/kg; với mức bình quân tỷ lệ mía/đường (mía xô) ở khu vực ĐBSCL hiện nay là 11 mía/1 đường thì tiền mía chỉ giảm được 1.298 đ/kg đường.


Mía bị ùn ứ tại cầu cảng nhà máy niên vụ 2012-2013 do nhà máy chạy cầm chừng

Như vậy, chỉ tính riêng tiền mía, DN đã bị sụt giảm 1.589 đ/kg đường, cho nên trong vụ sản xuất kinh doanh 2012-2013 Cty đã lỗ gần 40 tỉ đồng, đó là chưa kể chi phí lãi vay, đường tồn kho”.

Mặc dù sản xuất bị thua lỗ nhưng CASUCO đã phấn đấu duy trì hoạt động đến ngày 15/4/2013 để tiêu thụ hết mía cho nông dân, không để xảy ra tình trạng mía chết ngoài đồng.

 Diện tích mía giảm

Tổng kết niên vụ mía đường 2012-2013, CASUCO cho biết, giá mía bình quân đơn vị này thu mua cho nông dân là 1.050 đ/kg đối với mía 10 CCS tại cầu cảng nhà máy, cao hơn giá sàn ký kết là 150 đ/kg. Tuy nhiên, trên thực tế giá mía mà người nông dân bán được thấp hơn rất nhiều.

Nguyên nhân do chữ đường thấp, nông dân lại không có phương tiện vận chuyển đến cầu cảng nhà máy nên chủ yếu là bán xô cho thương lái. Ông Trần Thành Công, trồng gần 10 công mía ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, Hậu Giang cho biết: “Giá mía vụ vừa qua nông dân ở đây bán cho thương lái chưa tới 700 đ/kg, sau khi trừ chi phí, công thu hoạch tính ra còn lỗ khoảng 1,5 triệu đ/công. Trồng mía cả năm ròng chăm sóc mới tới ngày thu hoạch nhưng lại bị lỗ nên không ít nông dân đã quyết định bỏ cây mía đã gắn bó nhiều năm để chuyển sang trồng lúa hoặc đào ao nuôi cá…”.

Theo ông Công, mía trồng ở vùng này cho năng suất không cao, chữ đường lại thấp nên thương lái thường mua giá thấp hơn các vùng khác từ 50-70 đ/kg.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng: "Các nhà máy đường khu vực ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề giá thành cao so với nhiều nước trên thế giới, mà nguyên nhân cốt lõi là chất lượng mía kém, giá thành nguyên liệu chế biến cao. Tình trạng đường nhập lậu với số lượng lớn và liên tục trong suốt thời gian dài qua biên giới Tây Nam...

Thống kê của Sở NN-PTNT Hậu Giang cho thấy, diện tích mía niên vụ 2013-2014 toàn tỉnh trồng được 14.007 ha, giảm 187 ha so với vụ trước, nguyên nhân chủ yếu là do giá mía thấp, nông dân không có lãi.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết: “Mía đường là 1 trong 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, chiếm tới 10% GDP toàn ngành. Tuy nhiên, những năm qua người trồng mía gặp nhiều khó khăn do năng suất thấp (5 năm qua chỉ tăng thêm được 2,1 tấn/ha), giá cả bấp bênh… Tỉnh đang định hướng quy hoạch giảm dần diện tích trồng mía, chỉ giữ ổn định ở mức 12.000 ha”.

Về niên vụ mía đường 2013-2014, ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo, ngành nông nghiệp cần tập trung xây dựng đê bao khép kín cho vùng mía nguyên liệu, để tránh tình trạng phải ép mía chạy lũ.

Các DN phải đẩy mạnh việc ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân (mục tiêu tối thiểu là 80% diện tích trồng mía có hợp đồng), xây dựng các mô hình khuyến nông hiệu quả, để nông dân học tập, nhân rộng. Chọn thời điểm vào vụ ép thật hợp lý, khi mía đã chín, đủ chữ đường, đảm bảo nguyên tắc có lợi cho nông dân và DN, tuyệt đối không vào vụ sớm.

Không chỉ ở Hậu Giang mà các tỉnh khác nông dân cũng đã bỏ mía để chuyển sang trồng lúa. Ông Trần Đạt Duy, Tổng Giám đốc Cty TNHH Kiên Dũng (Hòn Đất, Kiên Giang) cho biết: “Do giá mía quá bấp bênh, sản xuất bị thua lỗ nên Cty đã phá bỏ 100/500 ha mía hiện có để chuyển sang làm lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Nếu giá mía không được cải thiện thì chắc chắn thời gian tới sẽ còn nhiều nông dân quay lưng với cây mía”.

Tại vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), Thới Bình (Cà Mau) nhiều nông dân cũng đã bỏ mía để chuyển sang trồng khóm, lúa, nuôi trồng thủy sản… khiến vùng mía nguyên liệu của Nhà máy đường Tây Nam bị sụt giảm.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất