| Hotline: 0983.970.780

Cách An Sơn tăng thu nhập

Thứ Sáu 30/09/2011 , 10:48 (GMT+7)

Cách làm của An Sơn là tập trung khôi phục ngay các vườn cây ăn trái và nghề làm vườn truyền thống.

Một góc xã An Sơn
Nằm trong vùng trái cây Lái Thiêu nổi tiếng một thời ở Đông Nam Bộ, trước đây, nghề trồng cây ăn trái ở xã An Sơn (Thuận An, Bình Dương) khá phát triển.

Nhưng cách đây chưa lâu, các vườn cây ăn trái ở An Sơn lâm vào tình trạng tàn lụi. Hàng loạt cây ăn trái bị chết, rồi tới hàng loạt vườn cây bị chết. Nguyên nhân được cho là việc thi công dở dang công trình đê bao An Sơn – Lái Thiêu đã làm cho nước tràn vào gây úng ngập nhiều vườn cây, khiến cây trái chết dần chết mòn.

Bởi thế, để có có cái cho du khách thưởng thức khi đến du lịch nhà vườn, nhiều chủ vườn ở An Sơn đã từng phải đi mua trái cây ngoài chợ về cho khách ăn. Nhưng trái cây ngoài chợ là trái từ miền Tây đưa lên, từ Đồng Nai đưa sang, dẫu cũng nhiều trái ngon, nhưng cái vị thì lại không phải là vị ngon đặc trưng của trái cây An Sơn nói riêng và trái cây Lái Thiêu nói chung. Từ đó, khách đến du lịch nhà vườn cứ thưa vắng dần đi.

Chính vì vậy, khi đặt ra mục tiêu xây dựng xã NTM, từ Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh Bình Dương đến chính quyền xã An Sơn cũng như các đơn vị tư vấn đều cho rằng phải tập trung khôi phục ngay các vườn cây ăn trái và nghề làm vườn truyền thống. Sau nhiều lần gián đoạn, hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu cuối cùng cũng đã được hoàn thành, cùng với 42/55 con rạch trong xã đã được nạo vét tương đối hoàn chỉnh, là những cơ sở thuận lợi cho việc phục hồi các vườn cây.

Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh trong việc hỗ trợ phân bón nhằm khuyến khích nông dân vùng Lái Thiêu khôi phục lại vườn cây ăn trái, đã được các nhà vườn ở An Sơn đón nhận nhiệt tình. Theo bà Tống Thị Nga, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Sơn, với mỗi vườn cây được trồng mới, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% phân bón, còn những vườn ây cũ, nông dân được hỗ trợ 20% phân bón. Tính ra với riêng những vườn trồng mới, mỗi năm, một hộ nông dân cũng được hỗ trợ tới vài chục triệu đồng. Đồng thời, hàng chục lớp học về khoa học kỹ thuật cho các nhà vườn đã được mở liên tục ở xã trong hơn 1 năm qua. Nhờ đó, đến nay, vườn cây ăn trái ở An Sơn đã nhanh chóng được hồi phục trở lại. Mà kết quả là trong năm nay, phần lớn các vườn cây đều trúng mùa. Ông Nguyễn Khánh, nông dân ấp An Mỹ, phấn khởi cho biết, mấy năm trước, mỗi cây măng cụt chỉ cho chừng 5-7 trái, năm nay lên tới hàng chục trái. Bình quân trên 1.000 m2 vườn, nông dân thu về 20-30 triệu đồng, có hộ đạt tới 30-40 triệu đồng.

Vườn cây đã hồi phục, chính quyền và người dân An Sơn lại bắt đầu tính tới việc thu hút du khách như trước đây. Anh Trần Khánh Dương, cán bộ nông nghiệp xã An Sơn, cho biết, hiện tại du khách tới thăm nhà vườn chưa nhiều như trước đây. Trước mắt, xã sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất và tăng cường quảng bá hình ảnh nhà vườn. Bên cạnh đó, các chủ vườn cũng sẽ được đào tạo, hướng dẫn cách làm du lịch theo kiểu stay home để không chỉ phục vụ tốt hơn du khách trong nước mà còn hướng tới du khách nước ngoài.

Ngoài ra, chính quyền xã An Sơn cũng đang tích cực vận động, ủng hộ và hỗ trợ nông dân mạnh dạn chuyển đổi những vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang làm cây kiểng, cá kiểng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Những hướng đi nói trên đều nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập cho nông dân. Bởi đến năm 2013, An Sơn sẽ phải hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM, mà đến nay, trong những tiêu chí còn chưa đạt, thì nâng cao thu nhập đang được coi là thách thức lớn nhất.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.