| Hotline: 0983.970.780

Cách làm bài bản của Trực Nội

Thứ Năm 16/06/2011 , 10:46 (GMT+7)

Đến nay, Trực Nội đã hoàn thành 12 trong tổng số 19 tiêu chí về NTM, và đang phấn đấu hoàn thành nốt 7 tiêu chí còn lại.

"Xây dựng mô hình NTM là một công việc vô cùng lớn, làm thay đổi căn bản một địa phương, từ tư duy sản xuất, nhận thức văn hóa của nhân dân đến cơ sở vật chất. Thế nên phải tiến hành một cách bài bản. Bài bản nhưng không cứng nhắc", Chủ tịch UBND xã Trực Nội (Trực Ninh, Nam Định) Tô Đình Thức tâm sự.

Ông Thức cho hay tháng 9/2009, khi được tỉnh chọn làm điểm xây dựng mô hình NTM, toàn thể Đảng bộ vô cùng phấn khởi, nhưng cũng đã lường trước rất nhiều khó khăn, trong đó vấn đề đầu tiên đặt ra là việc xây dựng NTM sẽ không bao giờ hoàn thành nếu không nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân:

- Cho đến giờ, có thể nói giữa Đảng bộ và nhân dân chúng tôi đã có sự thống nhất rất cao trong quá trình triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM. Được như vậy vì việc tuyên truyền, vận động đã hướng tới những mục tiêu rất rõ ràng, rất thiết thực, làm cho nhân dân hiểu rằng xây dựng NTM không phải là công việc của trên ấn xuống, trên rót tiền xuống, chúng ta chỉ việc ngồi chờ thụ hưởng, mà là việc của chính chúng ta, vì lợi ích, vì chất lượng cuộc sống của chính chúng ta. Xây dựng NTM không phải là những gì trừu tượng, lý thuyết chung chung tràng giang đại hải… mà nó bắt đầu bằng những công việc rất cụ thể, và người dân có thể thấy trước những gì họ sẽ được thụ hưởng khi công việc hoàn thành.

Khi quyết tâm của Đảng bộ đã cao, khi lòng dân đã thuận, thì khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng không gì là không thể vượt qua. Ban chỉ đạo xây dựng, Ban quản lý đề án xây dựng NTM của xã được thành lập, đồng thời, các thôn cũng thành lập tiểu ban phát triển thôn của mình. Bám sát 19 tiêu chí về NTM, Ban chỉ đạo đã xây dựng một bản quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên một cách rõ ràng, từng người phụ trách từng tiêu chí.

Rà soát lại, thấy địa phương đã đạt được 3 tiêu chí trước khi được tỉnh chọn xây dựng mô hình, đó là hệ thống chính trị; an ninh trật tự, và đặc biệt là hình thức tổ chức sản xuất. Với tổ hợp sản xuất lúa giống TH 3-3, hàng năm sản xuất ra hàng trăm tấn lúa giống, hình thức tổ chức sản xuất của HTX Nông nghiệp Trực Nội luôn được coi là loại giỏi. Với 16 tiêu chí còn lại, Ban chỉ đạo đã xác định được 3 lĩnh vực cần dành sự ưu tiên đặc biệt, đó là: Giao thông thủy lợi, trường học và vệ sinh môi trường.

Tháng 6/2010, đề án xây dựng NTM của Trực Nội được thông qua. Tính đến tháng 6/2011 này, mới tròn 1 năm nhưng nhìn vào những gì xã đã làm được và đang làm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Việc dồn điền đổi thửa đã mang lại cho những cánh đồng của Trực Nội một bộ mặt mới. Nếu như trước đây, mỗi hộ có từ 6 đến 7 mảnh ruộng, thì nay số mảnh của mỗi hộ chỉ còn lại một phần ba, và người dân có điều kiện canh tác tốt hơn do đất đai đã được tập trung. Qua đợt dồn điền đổi thửa này, nhân dân đã tình nguyện hiến tổng cộng 19 ha đất canh tác để xây dựng NTM. Có được diện tích này, xã có điều kiện để quy hoạch, mở rộng giao thông nội đồng, xây dựng mương máng…

Đến nay, Trực Nội đã hoàn thành 12 trong tổng số 19 tiêu chí về NTM, và đang phấn đấu để thời gian không xa nữa, sẽ hoàn thành nốt 7 tiêu chí còn lại.

Trước nay, đất công ích của xã nằm rải rác trong dân, không quản lý được. Qua đợt dồn điền, 19 ha đất công đã được thu hồi, quy về một mối để quản lý. Một lúc có gần 40 ha đất vừa đất công thu hồi về, vừa đất do dân hiến, đó có thể nói là một nguồn vật chất vô cùng quý giá. Và cũng nhờ có việc thu hồi lại đất công này, xã có diện tích để xây dựng các công trình công cộng như cầu cống, nhà máy nước, bãi chứa rác thải…

Đền liệt sỹ trị giá 2,7 tỷ, trường mầm non trị giá 5 tỷ đồng, trường tiểu học trị giá 8,5 tỷ, trường THCS trị giá 5 tỷ đã xây dựng xong. Về chất lượng, trường tiểu học đã đạt chuẩn II quốc gia, trường mầm non đang phấn đấu nâng lên chuẩn II, THCS hiện đã đạt chuẩn I. Một số công trình khác đang làm dở, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành là cầu vào trường mầm non (trị giá 2,8 tỷ), cầu qua sông Thống Nhất (1,5 tỷ). Một cầu dân sinh đang được sửa chữa (0,67 tỷ), một bãi chứa rác thải (2,8 tỷ).

Tháng 7/2011 này địa phương sẽ khởi công xây dựng nhà máy nước trị giá 14,9 tỷ. Hỏi ở đâu ra mà nhiều tỷ thế, thế này thì vắt kiệt sức dân mất còn gì? Đáp rằng không, từ năm 2009 đến nay, phần của dân đóng góp là 2 tỷ, còn lại vốn địa phương 14,6 tỷ, vốn của tỉnh và Trung ương 3,5 tỷ, vốn lồng ghép các chương trình khác 12 tỷ. Riêng số tiền do con em người Trực Nội đi làm ăn xa gửi về đóng góp xây dựng NTM ở quê hương đã gần 12 tỷ…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm