| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 13/06/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 13/06/2018

Cách làm hay ở Lâm Đồng

Từ tháng 6 này, tại Tỉnh ủy Lâm Đồng, chỉ còn một văn phòng tỉnh ủy phục vụ chung cho cấp ủy và tất cả các ban của Tỉnh ủy. Văn phòng của các ban là Tuyên giáo, Dân Vận, Tổ chức, Ủy ban kiểm tra, Nội chính, đều không còn.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến trao đề án cho Chánh Văn phòng Tỉnh ủy để triển khai thực hiện. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Có thể nói đó là một cách làm rất hay, rất sáng tạo trong việc sắp xếp lại bộ máy, nhằm làm cho bộ máy trở nên tinh gọn hơn, hiệu quả hơn, và tinh giảm được biên chế theo tinh thần nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Trung ương đảng. Xưa nay, việc tinh giảm biên chế đã được nói đến rất nhiều trong các nghị quyết của đảng và nghị định, nghị quyết của chính phủ, nhiều lần làm “nóng” cả nghị trường Quốc hội.

Tất cả đều biết rằng bộ máy của chúng ta rất cồng kềnh, rất chồng chéo nhưng hiệu quả thì không cao. Số lượng công chức “cắp ô”, nói như một vị lãnh đạo cao cấp, là chiếm đến 30%. Nhưng nói thì nhiều, mà bắt tay vào làm một cách thực sự thì chẳng có mấy cơ quan. Bởi nhìn đâu cũng thấy vướng, thấy đụng chạm. Đụng vào quyền chức, đụng vào lợi lộc. Nhiều nơi, vài ba cơ quan cùng có những nhiệm vụ na ná nhau.

Nhưng sáp nhập lại, thừa ra một ông trưởng và vài ba ông phó, thì lại phải tìm một chỗ khác tương đương để bố trí các ông bà đó vào. Vì bỗng dưng phải ngồi vào cái ghế thấp hơn cái ghế mình đang ngồi, khiến lợi lộc vơi đi, là điều mà chẳng ai có thể chấp nhận. Không ít người, một khi bị đụng chạm đến quyền lợi, còn khiếu nại, tố cáo, kéo bè kéo cánh đấu đá lung tung...

Tất cả các ban trực thuộc Tỉnh ủy đều nhất loạt bỏ hết văn phòng. Điều đó có nghĩa là cùng lúc “tiết kiệm” được ít nhất 5 ông chánh văn phòng, ít nhất 10 ông phó văn phòng, cùng hàng chục chuyên viên và nhân viên khác như văn thư, thủ quỹ, kế toán...Thế mà chỉ văn phòng Tỉnh ủy cũng dư sức phục vụ tất cả. Chỉ riêng điều đó thôi, cũng đủ thấy trước đây, nhân sự dư thừa đến thế nào. Biết là làm như thế, sẽ có không ít người bị đụng chạm, nhưng Tỉnh ủy Lâm Đồng vẫn quyết tâm, vì việc làm đó chỉ có lợi cho cái chung. Không cuộc cải cách nào mà không có đụng chạm. Nhưng, không cải cách thì không thể tiến lên.

Nếu tất cả các tỉnh, thành phố khác đều làm như Lâm Đồng, thì sao? Tất nhiên, là sẽ giảm bớt được hàng ngàn lãnh đạo và chuyên viên, nhân viên, sẽ tiết kiệm cho ngân sách một khoản tiền rất lớn. Và các bộ, ngành, đoàn thể khác nữa, nếu cũng mạnh dạn sắp xếp lại theo hướng trên, kiên quyết đưa ra khỏi cơ quan những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, chỉ giữ lại những người thực sự có cả tài lẫn tâm. Được thế, thì số lượng công chức, viên chức trong bộ máy sẽ giảm đi đáng kể, sẽ không phải dùng tới trên 70% ngân sách để chi thường xuyên. Nhà nước sẽ có thêm tiền để chi cho đầu tư, phát triển.

Một cách làm hiệu quả, thiết thực như thế, không thể không nhân rộng!