| Hotline: 0983.970.780

Cách nào giúp trẻ tránh nanh vuốt của yêu râu xanh?

Chủ Nhật 06/05/2018 , 13:45 (GMT+7)

Đau đớn, bất lực, uất nghẹn là cảm xúc của TS Nguyễn Thu Hương (giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) khi đọc được thông tin về vụ việc thầy giáo Nguyễn Đình L - giáo viên trường Tiểu học An Thượng A (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có hành vi dâm ô 6 học sinh lớp 3.

Đau tận khi xuống mồ

Bà Hương cho biết: Với các con, giờ phút kinh hoàng chống trả yếu ớt lại hành vi của những kẻ đang coi mình là một thứ trò chơi, cảm giác thật khủng khiếp. Các con cảm thấy nỗi sợ hãi tột cùng, cảm giác sống không bằng chết khi cơ thể mình bị phơi bày ra đến tận cùng. Nỗi đau đớn đến từ những bộ phận nhạy cảm nhất, kín đáo nhất, bí ẩn nhất khiến nỗi khiếp sợ nhân lên gấp bội.

5e294590920e11e7988bd3563902907134615363
Ảnh minh họa

Ngoài những hậu quả về thể chất đã được các bác sĩ tổng kết có thể nhìn thấy ngay khi trẻ bị xâm hại như rách âm đạo - trực tràng, các tổn thương ở bộ phận sinh dục, nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như HIV, giang mai, viêm gan...), với trẻ lớn hơn là nguy cơ có thai thì TS Hương cũng chỉ ra những sang chấn tâm lý sẽ đeo đẳng suốt đời đối với trẻ.

Theo đó, với một đứa trẻ bị xâm hại, cho dù sau đó, con có được chữa chạy về cơ thể, về tâm lý đến đâu, vết sẹo lớn mà con mang trong người cũng khiến con như trở thành một con người khác, một con người khuyết thiếu mà sau đó con sẽ không bao giờ tìm lại được phần hồn đã mất của mình.

“Với con người, cảm xúc có được trong sinh hoạt tình dục là một khoái cảm, một nhu cầu quan trọng đôi khi quyết định cả sự tồn tại hoặc chấm dứt của đời sống hôn nhân của chính họ. Với các con, những em bé đã từng bị xâm hại tình dục, khoái cảm của các con sẽ chấm dứt từ khi chưa bắt đầu xuất hiện. Các con sẽ không bao giờ có nổi niềm hạnh phúc trọn vẹn bên người mình yêu thương. Cảm giác hổ thẹn, lo lắng bị phát giác rằng mình đã từng bị xâm hại cho đến nỗi đau đớn và sợ hãi rằng kịch bản kinh hoàng kia sẽ một lần nữa lặp lại đã lấy đi của con tất cả.

Với những em bé không thể phục hồi được tâm trí và cơ thể sau những vụ xâm hại tình dục, cuộc sống chấm dứt ngay từ khi vừa bắt đầu. Một đứa trẻ lành lặn, xinh đẹp, khỏe mạnh bỗng chốc trở thành tật nguyền về cả tầm hồn lẫn thể xác. Nỗi đau đớn đó con sẽ mãi mãi mang theo cho đến tận khi xuống mồ”, bà Hương chia sẻ.
 

Ngừng coi trẻ như món đồ chơi

Tất cả những vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em, theo TS Hương nguyên nhân sâu xa từ việc trẻ nhỏ sinh ra đã được coi như món đồ chơi của người lớn.

“Hôn hít, cấu véo đã được một số người lớn coi như đặc quyền đặc lợi của họ với danh nghĩa “yêu trẻ”. Như vậy, vô khối kẻ có thể lợi dụng suy nghĩ đó để hành hạ một đứa trẻ nhỏ yếu ớt chưa có sức để tự vệ. Nhà trường hay ở đâu thì với tâm lý như vậy trẻ nhỏ cũng không thể an toàn. Trẻ có thể dễ dàng bị xâm hại ở khắp nơi đặc biệt là những nơi chúng ta ít đề phòng nhất như trong nhà, nơi quen thuộc với trẻ nhỏ”, TS Hương nhấn mạnh.

Trong khi đó, tội phạm ấu dâm vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức, rất nhiều vụ xâm hại tình dục được đưa ra xét xử mức hình phạt không thỏa đáng, quá nhẹ.

Điều quan trọng nhất bây giờ là nhận thức của mọi người về loại tội phạm này cần phải được thay đổi. Một xã hội được coi là hạnh phúc thì chắc chắn phải đảm bảo được an toàn cho trẻ nhỏ. Tất cả các cháu nhỏ cần được học về kĩ năng tự bảo vệ bản thân mình trong mọi tình huống. Cụ thể, cha mẹ cần xây dựng một số nguyên tắc như: Khi muốn đi đâu ra khỏi nhà, nhất thiết cần báo hoặc xin phép cha mẹ; Không nhận quà cáp của người lạ; trẻ cần thuộc các số điện thoại của những người gần gũi nhất như mẹ, bố, ông, bà, anh chị em...

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng dạy trẻ quy tắc đồ lót và quy tắc bàn tay nhằm giúp trẻ không bị xâm hại, bắt cóc.

Theo đó với quy tắc đồ lót, cha mẹ hãy dạy trẻ không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con; Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “không”; nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.

Ở quy tắc bàn tay trong giao tiếp cha mẹ cũng dạy trẻ hành vi ôm hôn chỉ được dùng với bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột; nắm tay với bạn bè, thầy cô và họ hàng; bắt tay khi gặp người quen và vẫy tay nếu đó là người lạ; xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.

(Kiến thức gia đình số 19)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?