| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 13/10/2014 , 09:02 (GMT+7)

09:02 - 13/10/2014

Cách nào tôn vinh doanh nhân?

Từ năm 2004, ngày 13/10 được chọn làm ngày Doanh nhân Việt Nam. Mười ngày vui của giới thương gia đã được tổ chức, nhưng cách nào để tôn vinh doanh nhân thật sự vẫn còn nhiều băn khoăn.

Không thể cứ tái diễn cảnh doanh nhân tự nộp tiền để nhận một cái danh hiệu hư hư thực thực nào đó, mà Văn phòng Chính phủ vừa yêu cầu ngừng tổ chức chương trình trao giải thưởng “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác” là một ví dụ đáng suy ngẫm!

Không thể tôn vinh doanh nhân theo cách dành cho những kẻ háo danh. Chính nhân vật Lã Bất Vy - thương gia lừng lẫy nhất trong lịch sử nhân loại, đã biên soạn tác phẩm độc đáo “Lã thị Xuân thu” nhấn mạnh rằng: “Cầu lấy công danh bằng con đường chính đáng, thì công danh không thể nào thoát khỏi. Như dựng cột lên thì ắt có bóng, cất lời hô thì ắt có âm vang”. Vì vậy, doanh nhân không thể mưu cầu tiếng tăm bằng lối ngang ngõ tắt, mà phải bằng thành quả lao động sáng tạo.

Dù doanh nhân đang được xem như lực lượng tinh hoa thúc đẩy xã hội phát triển, nhưng đội ngũ doanh nhân nước ta chưa có người đủ tầm vóc nói về mình và lĩnh vực của mình một cách thuyết phục. Còn dư luận dường như vẫn chưa mấy hiểu doanh nhân. Ngoài chuyện kiếm tiền, thì sự gắn kết nhân quần của doanh nhân thế nào, văn hóa doanh nhân phải xây dựng trên cơ sở ra sao... còn bỏ ngỏ trong sự dõi theo kỳ vọng của cộng đồng.

Nhạc sĩ Trần Tiến có một bài hát lấy tên “Đời doanh nhân” nhưng nội dung bài hát “đồng tiền kiếm tìm tháng năm đầy đắng cay” thì không có gì riêng biệt, mà ca ngợi mọi đối tượng cũng đều... đúng!

Sách viết về doanh nhân ngày càng nhiều, nhưng chưa có tác phẩm gây ấn tượng với công chúng. Ngoài vài cuốn tự truyện, như “Bầu trời không chỉ có màu xanh” của Lý Quí Trung hay “Gian nan chỉ là thử thách” của Hồ Văn Trung, hầu hết những trang văn phác thảo chân dung doanh nhân tương đối giống bản báo cáo thành tích.

Cá biệt có vị giám đốc ngạo nghễ ở ngành ẩm thực đã đầu tư in cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”, trong đó phần xưng tụng ông này lấn át hoàn toàn các vĩ nhân như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Đào Duy Từ... khiến độc giả một phen phẫn nộ!

Người xưa có câu nhắc nhở “dân buôn nói ngay không tày dân cày nói dối”. Mồm năm miệng mười không thể chứng minh rõ ràng bản lĩnh doanh nhân.

Sự tôn vinh doanh nhân Việt đáng tin cậy nhất là nhìn sự vươn ra thế giới của các thương hiệu Việt. Giá trị doanh nhân Việt sẽ được tôn vinh thỏa đáng, khi và chỉ người Việt tin cậy và háo hức mua sắm hàng Việt mà cảm thấy đích thực đã thành “người tiêu dùng thông minh”!

Bình luận mới nhất