| Hotline: 0983.970.780

Cách quản lý hiệu quả

Thứ Ba 23/11/2010 , 10:44 (GMT+7)

Khác với nhiều nơi, Tuyên Quang trực tiếp quản lý các công trình nước sạch quy mô lớn từ năm 2006 đến nay đã đem lại hiệu quả rõ nét.

Khác với nhiều địa phương trong cả nước, Tuyên Quang trực tiếp quản lý các công trình nước sạch quy mô lớn từ năm 2006 đến nay đã đem lại hiệu quả rõ nét.

Quản lý và khai thác các công trình nước sạch tập trung để đem lại hiệu quả không đơn giản. Vì thế, nhiều công trình nước sạch sau khi xây dựng ngay lập tức được “khoán trắng” cho địa phương quản lý đã xuống cấp nhanh chóng. Công trình nước sạch xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) là một ví dụ. Sự “tai tiếng” của nó diễn ra trong một khoảng thời gian dài.

Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT Tuyên Quang Vi Anh Đức cho biết, năm 2004, sau khi chuyển giao cho UBND xã quản lý người dân đã phản ứng về cách thức quản lý, khai thác không đúng quy trình của chính quyền địa phương. Sự quản lý nhiều tầng nấc theo kiểu UBND xã giao cho HTX quản lý, HTX lại thành lập tổ trông nom, vận hành để “khoán việc” đã phá hỏng công trình này.

Ông Hoàng Lai, Bí thư Đảng ủy xã Yên Nguyên cho rằng, bản thân những người trong tổ quản lý không có trình độ, nghiệp vụ, chưa được đào tạo về quy trình vận hành, khai thác các công trình nước sạch tập trung. Vì vậy, đã đấu nối không đồng bộ, chất lượng vật tư, vật liệu kém, công tác quản lý, giám sát tình trạng sử dụng nước của các hộ dân không chặt chẽ khiến tỷ lệ thất thoát nước lên đến con số kỷ lục, hơn 50%. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến công trình này nhanh chóng hư hỏng.

"Với một xã thuần nông trên vùng đá vôi quanh năm “khát” nước như Yên Nguyên, nơi mà muốn có nước sạch, người dân phải đi bộ hàng giờ đồng hồ ra suối Cả, hoặc lên đỉnh núi hứng từng giọt nước khe thì sự thất vọng và phản ứng tiêu cực của người dân về cung cách quản lý và vận hành công trình trên đây cũng là điều dễ hiểu", ông Lai chia sẻ.

Trước thực trạng xuống cấp nhanh nhóng của công trình cấp nước có quy mô lớn nhất nhì huyện Chiêm Hóa lúc bấy giờ, nhiều biện pháp tháo gỡ đã được đưa ra. Năm 2007, Trung tâm NS-VSMTNT Tuyên Quang đã cử cán bộ đi tham quan, học tập mô hình tại Vũng Tàu và Bình Thuận – một trong những địa phương làm rất tốt công tác quản lý và khai thác các công trình nước sạch.

Phó Giám đốc Trung tâm NS - VSMTNT Tuyên Quang Phạm Văn Toàn, người trực tiếp đi học tập kinh nghiệm từ các mô hình, chia sẻ, từ kinh nghiệm học được, Trung tâm đã kiến nghị UBND tỉnh chuyển giao các công trình có quy mô từ 100 hộ gia đình trở lên cho Trung tâm quản lý. Ngay sau đó, 12 công trình cấp nước quy mô trên 100 hộ đã được chuyển giao. Các quy trình vận hành, xét nghiệm nước, kiểm tra việc sử dụng nước ở các hộ gia đình đã được ban hành. Cán bộ quản lý công trình được tập huấn, trang bị thiết bị bảo hộ, phương tiện chuyên ngành phục vụ cho công việc.

Sau 3 năm “ôm” các công trình cấp nước về quản lý, ông Toàn cho rằng, lo nhất là kinh phí phát sinh như: tiền điện, tiền lương công nhân, chi phí bảo dưỡng, thay thế thiết bị... Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, với những công trình dưới 140 hộ dân thì chỉ cần 1 người quản lý. Tính ra, nếu quản lý, vận hành đúng quy trình, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thì tỷ lệ thất thoát nước sẽ nằm trong giới hạn cho phép và nguồn thu từ việc bán nước sinh hoạt sẽ đủ trang trải.

Tại công trình nước sạch Yên Nguyên, sau khi vận hành đúng quy trình, tỷ lệ thất thoát nước chỉ còn 20-25%. Nhu cầu đấu nối tăng lên rõ rệt, vượt 100% công suất thiết kế. Từ cách quản lý, khai thác hiệu quả 12 công trình cấp nước có quy mô lớn ở Tuyên Quang đã cho thấy, nếu mọi quy trình đều được thống nhất và thực hiện đầy đủ dưới sự giám sát chặt chẽ từ người dân và cơ quan chủ quản, thì các công trình nước sạch tập trung sẽ mang lại kết quả ngoài mong đợi.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.