| Hotline: 0983.970.780

Cách Tú Sơn tăng cao thu nhập

Thứ Tư 01/12/2010 , 10:10 (GMT+7)

Đến xã Tú Sơn ai ai cũng phải trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp xanh mướt của những cánh đồng rau nhìn mãi không thấy bờ bên kia...

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì tiêu chí về chuyển đổi cơ cấu lao động và tăng thu nhập bình quân đầu người/năm được coi là khó thực hiện nhất. Trong đó, tiêu chí thu nhập bình quân đầu người/năm của xã NTM phải cao hơn 1,5 lần so với mức bình quân chung của nhân dân các xã khác trên địa bàn. Trong khi đó, bình quân thu nhập đầu người của các xã thuần nông hiện mới đạt khoảng 9 triệu đồng/người/năm, nên đây là một thách thức không hề nhỏ.

Với các xã NTM, ngoài cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư thì nông nghiệp cũng chẳng khác xã lân cận là mấy. Vậy nguồn thu nhập phải lấy từ đâu để đạt được cái mốc mà tiêu chí NTM đề ra? Rất nhiều địa phương đang loay hoay chuyển đổi hướng sản xuất và đầu tư cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để cố gắng đạt được tiêu chí gian nan nhất đó. Nhưng với xã đang triển khai xây dựng NTM Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, nâng cao thu nhập không có gì cao xa mà chính là dựa vào nông nghiệp. Với người nông dân, làm ruộng vẫn là nghề họ thành thạo và giỏi giang nhất.

Đến xã Tú Sơn ai ai cũng phải trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp xanh mướt của những cánh đồng rau nhìn mãi không thấy bờ bên kia. Là một xã thuần nông giáp biển, không có lợi thế gì ngoài đất đai màu mỡ nên từ bao đời nay người dân Tú Sơn vẫn coi đồng ruộng là nguồn sống chủ yếu của mình. Dẫn tôi ra thăm cánh đồng rau rộng 100 ha của xã, anh Đồng Văn Nghị - HTXNN Tú Sơn chỉ tay về nơi có mấy người già đang tưới rau cho biết: Hiện nay thanh niên nông thôn đi làm hết trong các KCN, những người trung tuổi nhà máy họ không nhận. Nghề phụ không có mà buôn bán không phải ai cũng biết nên số lao động còn lại vẫn phải làm việc chứ không thể ngồi chơi được.

Anh Nghị chia sẻ, xã hội giờ thay đổi, các địa phương không nên xa rời nông nghiệp để đạt được CNH bằng bất cứ giá nào. Thay vào đó, bà con và chính quyền cơ sở nên có sự thay đổi trong cách làm nông nghiệp chứ cách canh tác cũ đã không còn phù hợp nữa. Vì bản thân công nghiệp hóa cốt cũng là để nâng cao thu nhập cho người dân. Nếu mà làm nông nghiệp thu nhập cao như công nghiệp thì tốt quá còn gì bằng.

Lời anh Nghị phần nào đúng khi hầu hết các địa phương chỉ làm một năm hai vụ lúa kinh tế đều rất khó khăn. Với ĐBSCL thì không nói làm gì vì ruộng của nông dân trong đó rộng bạt ngàn hàng chục ha, nhưng với miền Bắc ruộng đất rất khiêm tốn. Theo chúng tôi thì hiện nay mỗi một năm người dân ngoài Bắc chỉ nên cấy một vụ lúa chiêm để không phải ăn đong, thời gian còn lại bà con nên chuyển sang trồng các loại cây rau màu hay cây công nghiệp ngắn ngày. Chúng tôi từng đến xã Cẩm La (Kim Thành - Hải Dương), Lạc Đạo (Văn Lâm - Hương Yên);, Võ Cường (TP. Bắc Ninh) và nay là Tú Sơn (Kiến Thụy - Hải Phòng), cuộc sống người dân ở các vùng này khá dư dả nhờ trồng rau, khi được hỏi bà con đều đều bảo trước kinh tế cũng quanh năm túng bấn khi chỉ trông vào mỗi cây lúa. 

Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn Bùi Viết Thanh:

Dự án rau an toàn xã Tú Sơn được triển khai từ năm 2008 nhưng hiện chưa đâu vào đâu cả. Nhưng chúng tôi xác định đây là hướng đi đúng đắn trong tương lai. Nhưng cơ chế của nước ta xưa nay vẫn vậy, từ lúc xây dựng mô hình đến khi đưa vào thực hiện là cả một thời gian rất dài, trong quá trình đó chúng tôi sẽ tuyên truyền và vận động bà con dần dần.

Bí thư Đảng uỷ xã Tú Sơn Bùi Văn Thiết cho hay, với diện tích đất canh tác gần 500 ha, địa

phương dành một nửa để phát triển thủy sản và rau màu nên thu nhập bình quân đầu người năm 2009 là xấp xỉ 17 triệu đồng/người. Ông Thiết cười cho hay, trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm 2008, rất nhiều gia đình ở xã ông đã mua được ôtô nhờ tiền bán rau. “Bình quân 1 ha rau ngắn ngày chúng tôi thu nhập được từ 180 - 200 triệu đồng/năm. Cá biệt có hộ sản xuất giỏi thu nhập tới 300 triệu đồng/ha/năm. Tôi dám khẳng định với anh là không có một nơi nào trên nước mình trồng lúa cho thu nhập cao như vậy”, ông Thiết nói.

Năm nay đã bước sang tuổi 73 nhưng bà Bùi Thị Phai ở thôn 4 Nãi Sơn vẫn trồng được 1 sào hành, với giá bán tại ruộng hiện nay là 8.000 đồng/kg cuối năm nay bà Phai cũng kiếm được dăm triệu tiêu Tết. Ngay bên cạnh ruộng nhà bà Phai, chị Hoàng Thị Bon đang tưới rau. Với 3 sào rau cải, một tháng thu hoạch một lần chị thu về được hơn triệu đồng. Ngoài chi tiêu, cỗ bàn hàng ngày chị còn dành dụm được một khoản kha khá hàng tháng gửi cho con đang đi học trên Hà Nội từ tiền bán rau. Sở dĩ trồng cây rau màu người nông dân dễ thở hơn là vì thời gian thu hoạch ngắn ngày, bán đi là có tiền ngay trong khi trồng lúa phải đợi cả mấy tháng trời.

Có một vấn đề mà chúng tôi nhìn thấy và ông Phó Chủ tịch xã Tú Sơn Bùi Viết Thanh cũng phải thừa nhận là hầu hết bà con xã Tú Sơn vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công là dùng phân tươi tưới rau. Ông Thanh tâm sự, rau người dân xã ông làm ra vẫn được tiêu thụ là vì thu nhập của người dân hiện chưa được cao nên họ không có sự lựa chọn. Nhưng tương lai khi rau an toàn, rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trở nên phổ biến, người dân có của ăn của để thì rau tưới bằng phân như của xã ông hiện nay sẽ khó bán.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất