| Hotline: 0983.970.780

Cái bắt tay nồng ấm

Thứ Sáu 02/11/2012 , 10:52 (GMT+7)

Thời gian gần đây cây cao su như một thứ ánh sáng lạ, thắp lên hy vọng về một cây công nghiệp đột phá cho vùng miền núi phía Bắc.

Lễ ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu, chuyển giao KH-CN về cây cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc giữa Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Tập đoàn Công nghiệp cao su VN được ví như một cái bắt tay nồng ấm…

Dự lễ ký có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Quốc Doanh, TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận và các Cty thành viên trong tập đoàn ở phía Bắc và cả ở nước ngoài.

Hiện tại VN có khoảng 834.000 ha cao su và cao su trở thành một trong những mặt hàng XK chiến lược, đem lại lượng ngoại tệ lớn cho đất nước. Tuy nhiên việc trồng cây cao su ở miền núi phía Bắc luôn là một vấn đề thời sự nóng bỏng. Khu vực này đã trải qua nhiều cây công nghiệp như trẩu, sở, hồi với bao thất bại cay đắng, người ta tổng kết trụ lại được còn có mỗi cây chè nhưng diện tích cũng còn khiêm tốn, khả năng mở rộng khó khăn.

Thời gian gần đây cây cao su như một thứ ánh sáng lạ, thắp lên hy vọng về một cây công nghiệp đột phá cho vùng miền núi phía Bắc. Nhưng thứ ánh sáng đó không phải là dễ điều khiển, không tìm hiểu tường tận nó mà đã hăng hái nhập cuộc rất dễ bị… bỏng tay. Rét đậm, sương muối chính là thử thách khó khăn nhất của cây cao su khi được trồng ở phía Bắc. Công cuộc thử nghiệm cây trồng mới này trên đất Bắc cũng lắm "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh".

Thời Pháp thuộc, người Pháp đã từng có nhiều cuộc thử nghiệm trồng cao su ở phía Bắc và tất cả đều thảm bại bởi thời tiết. Năm 1993, Viện Nghiên cứu cao su VN (Tập đoàn CNCS VN) đã phối hợp với Trung tâm Cây ăn quả Phú Hộ (nay thuộc Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) triển khai khảo nghiệm giống tại Phú Hộ (Phú Thọ).

Hai viện đã phối hợp trong việc đánh giá tập đoàn giống, lập vườn quan trắc, vườn lưu trữ quỹ gen, vườn sơ tuyển… Viện NC cao su VN đã cung cấp hàng loạt dòng vô tính cho Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc. Cuối năm 2007, đầu năm 2008 vùng miền núi phía Bắc trải qua đợt rét lịch sử kéo dài 38 ngày gây nhiều thiệt hại đến SXNN, trong đó có cây cao su.

Hai viện lại cùng nhau tổ chức đoàn đánh giá thiệt hại, rút kinh nghiệm về tác động của rét từ vườn ươm, vườn nhân, cao su kiến thiết cơ bản đến cao su khai thác. Một hệ thống nghiên cứu bước đầu đã được hai viện thiết lập trên địa bàn vùng miền núi phía Bắc gồm vườn sơ tuyển (7 ha), lưu trữ quỹ gen (1,2 ha), quan trắc (5 ha), vườn nhân (0,5 ha) và hệ thống vườn ươm các dòng vô tính cao su có triển vọng. Nhiều kỹ thuật viên cũng được đào tạo về đánh giá giống, kỹ thuật khai thác mủ, BVTV…

Các nội dung hợp tác chính sẽ là khảo nghiệm, đánh giá giống cao su thích hợp cho vùng miền núi phía Bắc; Nghiên cứu đề xuất các biện pháp canh tác cây cao su bền vững trên đất dốc; Hợp tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ KHCN, trao đổi thông tin KHCN; Hợp tác đào tạo kỹ thuật và chuyển giao TBKT về canh tác cao su cho các tổ chức và cá nhân trồng cao su trên vùng miền núi phía Bắc.

Trên cơ sở các thí nghiệm giống được thiết lập tại Phú Thọ và Lai Châu, một số dòng, giống xuất sắc đã được đánh giá có khả năng thích ứng với điều kiện vùng miền núi phía Bắc như IAN 873, GT1, RRIV 1, PB 31… Trong đó dòng vô tính IAN 873 nổi trội về khả năng sinh trưởng cũng như khả năng chịu lạnh, RRIV 1 là giống có tiềm năng cho năng suất cao.

Kết quả nghiên cứu này góp phần làm cơ sở để Tập đoàn CNCS VN khuyến cáo giống trong giai đoạn đầu phát triển cao su tại trung du, miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, vùng miền núi phía Bắc có địa hình chia cắt, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường có rét đậm, sương muối. Thực tế nhiều diện tích cao su đã trồng ở đây bị thiệt hại nặng gây hoang mang cho dân chúng, tạo áp lực đối với chính quyền sở tại.

Do đó vấn đề khoa học cho phát triển cao su ở vùng này cần phải được củng cố để tạo những bước đi thật vững chắc. Chính vì vậy, lễ ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu, chuyển giao KHCN giữa hai viện lần này được ví như cái bắt tay nồng ấm, như một cuộc "hợp hôn chính thức" để cả hai cùng dốc lòng, dốc sức cho sự phát triển bền vững của cây cao su.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất