Thủ môn Tiến Dũng của U23 Việt Nam |
Bức xúc nhất có lẽ là bảng báo giá dành cho Tiến Dũng. Bất cứ tổ chức hay cá nhân nào muốn sử dụng hình ảnh của thủ môn gốc Thanh Hóa đều phải nhận được sự cho phép và trả tiền cho công ty bảo trợ. Đơn giá của người hùng U23 Việt Nam được tính bằng USD. Và với nhiều người, họ có thể phải mất một chiếc xe máy để được chụp chung một bức ảnh với cựu thành viên tham dự U20 World Cup.
FLC Thanh Hóa phản đối sự hiện diện của bên thứ ba. Trong thông cáo báo chí được CLB này gửi đi, đội bóng xứ Thanh cho rằng họ mới là đơn vị được toàn quyền sử dụng hình ảnh cũng như việc cho phép Tiến Dũng dự hay không bất cứ sự kiện nào. Chính sự mâu thuẫn từ hai phía khiến người hâm mộ, còn chưa hết bàng hoàng vì sự vất vả mà U23 Việt Nam trải qua kể từ khi về nước, lại nhận một cú sốc nữa về một việc chưa từng có tiền lệ tại bóng đá nước nhà.
Cần phải nói thêm, rằng ở nước ngoài, trong điều khoản hợp đồng giữa cầu thủ và CLB luôn có quy định rất kỹ về tỷ lệ ăn chia bản quyền hình ảnh. Lấy ví dụ về tân binh Alexis Sanchez của Man Utd. Ngoài lương tuần 490 nghìn USD, ngôi sao người Chile đút túi thêm 140 nghìn USD tiền bản quyền hình ảnh. Đổi lại, “Quỷ đỏ” được toàn quyền sử dụng và điều động Sanchez trong bất cứ hoạt động thương mại nào.
So sánh Tiến Dũng với Sanchez là khập khiễng, nhưng qua đó thấy ngay vấn đề nổi cộm nhất với thủ thành gốc Thanh Hóa. Anh chưa phải ngôi sao, ít nhất là trong làng bóng đá Việt. Thành công của anh mới chỉ dừng ở cấp độ trẻ. Thậm chí, Tiến Dũng còn chưa chắc suất bắt chính ở FLC Thanh Hóa trong mùa giải 2018.
Việc Tiến Dũng có thêm thu nhập từ những hoạt động phi thể thao là tín hiệu mừng cho giới cầu thủ nội. Nhưng nếu đặt quá nặng chuyện này, anh có khả năng bị ảnh hưởng tới chuyên môn.