| Hotline: 0983.970.780

Cải hoán tàu cá ở Quảng Bình: Ngư dân băn khoăn, lo lắng

Thứ Sáu 15/11/2019 , 08:39 (GMT+7)

Ngư dân bỏ ra số tiền khá lớn để cải hoán tàu nhằm đủ hồ sơ xin cấp giấy phép, thế nhưng vẫn phải ngồi chờ đợi và lo lắng.

14-22-28_nnvn__1-_ngu_dn_bn_khon
Ngư dân lo lắng tàu cải hoán xong có được cấp hạn ngạch bổ sung.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi đang quyết liệt triển khai công tác tuyên truyền Luật Thủy sản để ngư dân thực hiện. Tuy nhiên thực tế ngư dân lo lắng về việc cải hoán tàu cá liên quan đến giấy phép hạn ngạch hay việc lắp máy cũng đang có nhiều băn khoăn”.
 

Lo lắng khi cải hoán tàu cá

Hiện tỉnh Quảng Bình có 388 tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài dưới 15m cần phải được cải hoán để đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Luật Thủy sản.

Xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) đang có đội tàu vướng chiều tàu dưới 15m nên phải nằm bờ đứng vào đầu bảng.

Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã cho rằng do làm nghề biển truyền thống và tập quán đánh bắt nên dù là vươn ra ngư trường biển xa nhưng đội tàu xa bờ của địa phương cũng đóng theo dạng “rộng bề ngang, ngắn bề dọc”.

“Do vậy, khi áp dụng tiêu chuẩn mới thì xã có trên 100 tàu cần phải được cải hoán nếu không thì phải nằm bờ vì ra khơi là vi phạm”, ông Quảng nói.

Khi được Bộ NN-PTNT đồng ý chủ trương cho cải hoán thì Quảng Bình đã khẩn trương triển khai về cho ngư dân. Theo ông Lê Ngọc Linh, hồ sơ xin cải hoán phải kèm theo thiết kế chi tiết mới phù hợp.

Tính đến đầu tháng 11 năm nay, Chi cục Thủy sản và Sở NN-PTNT tỉnh đã nhận được 203 hồ sơ xin cải hoán. Sau khi xem xét, Sở NN-PTNT đồng ý cấp Giấy cho phép tàu được cải hoán (VBCT) cho 174 trường hợp. Hiện có 40 tàu cải hoán xong, đã được cấp đăng ký, đăng kiểm.

Ngư dân Hoàng Linh (xã Cảnh Dương, chủ tàu QB 93474 TS có công suất 700CV, nhưng lại có chiều dài dưới 15m) cho biết đã làm xong hồ sơ thủ tục xin cải hoán. Nếu được Sở NN-PTNT chấp thuận thì khoảng cuối tháng 11 sẽ thực hiện.

Trong tâm trạng khá lo lắng, ông Linh cho hay: “Dự toán thiết kế cải hoán hết hơn 100 triệu đồng. Nhưng cả nhà đang lo là sau khi cải hoán xong có được chắc chắn có giấy phép hạn ngạch không. Nếu như không được cấp thì lại lâm vào tình thế khó khăn. Nợ vay để cải hoán chưa trả mà tàu nếu lại phải nằm bờ thì chẳng khác nào đâm đầu vào vay tín dụng đen”, ông Linh băn khoăn.

Ở phường Quảng Phúc (TX Ba Đồn) cũng có hơn 50 tàu trong diện phải cải hoán. Ngư dân thì sốt sắng làm sao cải hoán nhanh để đủ hồ sơ xin cấp giấy phép. Nhưng khi đã bỏ ra số tiền khá lớn để cải hoán tàu xong lại ngồi chờ đợi và lo lắng. Ngư dân Nguyễn Quang Trung (phường Quảng Phúc), chủ tàu QB98816 TS là một trong những người làm hồ sơ xin cải hoán sớm cho tàu. Cách đây hai tuần, con tàu cải hoán hoàn chỉnh và đã xong thủ tục tục đăng ký, đăng kiểm.

Tuy nhiên, cả chủ lẫn tàu phải đợi ít nhất cũng cuối năm nay và đầu năm sau mới biết được con tàu này có được cấp lại hạn ngạch bổ sung hay không. Như ngồi trên đống lửa, ông Trung nói ra nguyện vọng của mình: “Rõ ràng là ngư dân không cải hoán tàu thì không thể nào cấp bổ sung hạn ngạch. Nhưng tàu đã cải hoán xong rồi thì cũng chưa chắc chắn được cấp. Vì việc cấp này còn phụ thuộc lựa chọn từ cấp trên”.

Chúng tôi mang lo lắng này trao đổi với ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản. Ông Linh nhìn nhận: “Lo lắng của ngư dân là thật. Nếu đến cuối tháng 12 năm nay, Quảng Bình có 388 tàu cải hoán xong và chúng tôi làm hồ sơ xin cấp hạn ngạch bổ sung với khoảng gần 400 tàu. Nếu trường hợp hạn ngạch bổ sung được cấp thấp hơn số hồ sơ đề nghị thì chắc chắn sẽ có tàu của ngư dân sau khi cải hoán sẽ không được ra khơi”.
 

Biết chọn hãng nào?

Theo Luật Thủy sản, đến ngày 01/04/2020 toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15m và dưới 24m phải lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình (GSHT) thay thế cho thiết bị VX1.700 định vị tàu cá.

Với thiết bị mới này, mỗi tàu cá khi khai thác biển xa cứ 2 giờ/lần sẽ báo về trạm bờ của các Chi cục biết vị trí, tọa độ mà tàu cá đang hoạt động. Riêng tàu có chiều dài trên 24m ở Quảng Bình có 23 tàu được kéo dài thời gian đến 1/7/2020.

Đến đầu tháng 11, Chi cục Thủy sản Quảng Bình mới nhận được thông tin có 2 doanh nghiệp được thông báo đủ chuẩn lắp đặt thiết bị GSHT với mức giá từ 35 - 40 triệu đồng/thiết bị. Gói cước dịch vụ dao động ở mức 300 - 500 ngàn đồng/máy/tháng. Ngư dân hiện đang loay hoay với sự lựa chọn doanh nghiệp nào cho phù hợp về cả giá dịch vụ và điều kiện bảo hành sửa chữa sau khi đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Hoàn, ngư dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) có 2 tàu đánh bắt xa bờ đang rối với sự lựa chọn. Ông Hoàn cho biết đã có nhiều doanh nghiệp đến chào hàng nhưng không dám nhận lời. Thế mạnh của một số doanh nghiệp này là có trụ sở tại địa phương nên sẽ thuận lợi trong việc bảo hành sửa chữa thiết bị khi có trục trặc.

“Nhưng họ lại không có tên trong danh sách được đề cử nên chúng tôi đang phân vân chưa biết chọn ai”, ông Hoàn nói.

Nhiều ngư dân khác cũng chưa dám chọn thiết bị của doanh nghiệp nào vì rất lo lắng về việc bảo hành, sửa chữa. Thông thường, tàu đi biển theo mùa trăng. Khi về cập bến rất nhiều tàu và nhu cầu bảo hành hay chỉnh sửa thiết bị sẽ tăng đột biến.

Ngư dân Lê Ngọc Tình, tổ trưởng tổ biển xa 2 (xã Cảnh Dương, Quảng Trạch) đứng trên bờ, chỉ tay ra mấy con tàu bộc bạch: “Nếu bỏ ra vài chục triệu đồng để mua sắm thiết bị thì phải làm rồi. Nhưng doanh nghiệp chưa đáp ứng được việc bảo hành mà phải chờ đợi mất thời cơ xuất bến là thiệt thòi lớn cho ngư dân. Mà thiết bị trục trặc thì xem như không thể ra khơi được”.

14-22-28_nnvn__20_ngu_dn_le_ngoc_tinh
Ngư dân Lê Ngọc Tình: “Thiết bị trục trặc là mất chuyến ra khơi”.

Thêm một thực tế khó khăn nữa là thời gian để hoàn thành việc lắp đặt GSHT còn chưa đầy 6 tháng. Trong khi đó, chỉ riêng ở Quảng Bình có gần 1.200 tàu buộc phải lắp đặt xong. Sau khi lắp thiết bị GSHT, lực lượng Chi cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiệm vụ kẹp chì niêm phong, đăng ký số quản lý và một số việc khác để thiết bị hòa mạng đưa vào sử dụng.

Ông Lê Ngọc Linh cho biết, nếu huy động anh em làm việc cả ngày nghỉ thì trong 6 tháng cật lực cũng chỉ xong thủ tục khoảng 70% số tàu đăng ký. “Như vậy, có thể sau thời hạn quy định, có khoảng 300 tàu cá chưa thể đủ thủ tục để ra khơi”, ông Linh cho hay.
 

Cần hỗ trợ cho ngư dân

Trước thực trạng nhiều ngư dân lo lắng khi phải vay mượn để cải hoán tàu, ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương đề nghị: “Cấp trên nên có văn bản hướng dẫn sớm để bà con ngư dân yên tâm với lòng tin chắc chắn sẽ được cấp hạn ngạch bổ sung sau khi cải hoán tàu”.

Đối với việc lắp đặt thiết bị GSHT, ông Lê Ngọc Linh cũng đề xuất, căn cứ vào thực tế Bộ NN-PTNT cần sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện đồng bộ và nhanh chóng để hỗ trợ cho ngư dân. “Có thể kéo dài thời gian hoàn thành việc lắp đặt thiết bị GSHT để đảm bảo yếu tố chất lượng và hiệu quả của thiết bị” - ông Linh nói.

Không có tàu vi phạm lãnh hải nước ngoài

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, thời gian qua đã làm tốt công tác tuyên truyền về thực hiện quy định khai thác trên biển. Trong 2 năm 2017 - 2018, Quảng Bình nhận thông báo có tổng cộng 44 tàu cá với 47 lượt vi phạm. Tuy nhiên, qua 10 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng chưa nhận được thông báo nào về tàu cá ngư dân Quảng Bình vi phạm lãnh hải nước ngoài.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.