| Hotline: 0983.970.780

Cái kết của kẻ 'tham vàng bỏ ngãi'

Chủ Nhật 20/01/2019 , 14:35 (GMT+7)

My gỡ tay Hùng ra. Mới cách đây mấy ngày, mỗi khi Hùng nắm lấy bàn tay ấy, thì bao giờ My cũng nắm lại...

minh-ho221255786
Ảnh minh họa

Hùng nắm bàn tay My:

- Em nhất quyết chia tay anh à?

My gỡ tay Hùng ra. Mới cách đây mấy ngày, mỗi khi Hùng nắm lấy bàn tay ấy, thì bao giờ My cũng nắm lại thật chặt.

- Vâng. Em xin lỗi anh. Đã nhiều lần em nói với anh rồi. Muốn cưới em, anh phải lo được một chỗ ở. Chẳng cần phải biệt thự xa hoa, chỉ cần một căn hộ cũng được. Em không chịu nổi cảnh ở nhà thuê. Nhà đã chật chội lại nóng bức, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết tháng, đã phải nghe chủ nhà réo tiền. Rồi nay đòi tăng giá mai đòi tăng giá... Nhưng anh không lo được, nghĩa là cưới nhau, chúng mình không có tương lai...

- Vậy, nghĩa là em đã có người có thể cho em một ngôi nhà rồi phải không?

- Vâng, tuy anh ấy không học đại học như anh, nhưng anh ấy đã là chủ nhân của một ngôi biệt thự đơn lập ở khu đô thị lớn. Nhà đứng tên anh ấy. Bố mẹ anh ấy đã có ngôi biệt thự khác. Thật ra, không phải là anh ấy không học nổi đại học, mà vì anh ấy không muốn học. Bố anh ấy là Chủ tịch Hội đồng Thành viên một tập đoàn lớn của Nhà nước. Mẹ anh ấy là phó tổng giám đốc. Anh ấy bảo chẳng việc gì phải học, chỉ cần ở nhà tận hưởng những tài sản của bố mẹ cho cũng sung sướng hết đời rồi. Chúng em mới gặp và quen biết nhau được 2 tuần. Anh ấy yêu em một cách rất chân thành.

- Vậy... Anh chúc mừng em. Chúc em cùng người mới hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Chỉ vì không có nhà mà anh mất em. Đây chính là bài học lớn nhất trong cuộc đời anh.

Hùng quay đi, lòng đầy tê tái. Anh học trên My một khóa. Khi anh vào năm thứ hai thì My mới nhập học. Nhìn cô sinh viên năm nhất vừa rời vùng quê nghèo, còn rất bỡ ngỡ, hầu như cái gì ở chốn phồn hoa đô hội cũng hết sức lạ lùng đối với My, Hùng thấy rất có cảm tình. Vì cùng quê, nên Hùng đã rất nhiệt tình khi giúp My hội nhập vào cuộc sống mới. Hùng đã tỉ mỉ giúp, hướng dẫn cho My từng ly từng tí, như tìm nhà trọ nào rẻ mà gần trường, hàng cơm bình dân nào rẻ mà sạch sẽ, chỉ mươi, mười lăm ngàn là có thể có một bữa ăn no. My theo Hùng như một cô em gái nhỏ, vừa ngoan ngoãn vừa dễ bảo. Khi Hùng vào năm thứ ba, My vào năm hai, thì cả hai đã nhận ra cuộc đời họ không thể sống thiếu nhau, và những cuộc hẹn hò bắt đầu...

Hùng ra trường trước và có việc làm ngay. Ngay từ buổi đi làm đầu tiên, anh đã lên kế hoạch dành dụm tiền nong để “đón nàng về dinh”. Nhưng anh cũng biết, với mức thu nhập hiện có, thì khéo tính toán lắm, cũng phải dăm năm nữa anh mới có thể có một căn hộ.

“Hãy cứ cưới nhau đi đã. Rồi vợ chồng chung lưng đấu cật, thế nào cũng mua được nhà”. Nghĩ vậy, Hùng đặt vấn đề với My. Nhưng, thấy cô chỉ ừ hữ, rồi tình cảm của cô đối với anh cứ nhạt dần, có khi cả tháng cô lảng tránh anh, Hùng buồn lắm. Anh ra sức níu kéo. Nhưng...

Thì ra vậy. Không biết My thay đổi từ bao giờ. Mới cách đây mấy tháng, khi bàn đến tương lai, My còn nói với anh những lời khác hẳn, rằng chưa có nhà thì thuê nhà. Lương của 1 đứa dùng chi phí cho sinh hoạt, còn của đứa kia tiết kiệm, chẳng mấy lúc mà mua được nhà. Thế mà bỗng phút chốc cô quay ngoắt 180 độ.

Đám cưới của My diễn ra một tháng sau đó. My không mời Hùng, nhưng biết tin, Hùng cũng gửi quà mừng. Rồi sau đó, hình bóng My dần dần trôi vào quên lãng. Hùng chí thú, tập trung hết sức vào công việc, và được đề bạt rất nhanh. 5 năm sau, anh đã có đủ tiền mua một ngôi nhà ở khu đô thị Nam Thăng Long.

Rồi một hôm, đến chơi nhà một người bạn cùng học ở Cầu Giấy. Nhà bạn có mặt tiền là một con ngõ khá sâu. Đang ngồi uống nước, chợt thấy một người phụ nữ phóng xe máy vút qua. Thấy dáng người quen quen, Hùng hỏi bạn:

- Người phụ nữ vừa lướt qua, sao giống My quá thế.

- Thì con My đấy chứ còn ai nữa. Nó đến thuê nhà ở đây đã mấy tháng nay rồi.

- Sao, vợ chồng cô ấy có một ngôi biệt thự cơ mà. Hồi ấy nghe cô ấy nói vậy, mình cũng mừng cho cô ấy.

- Có, nhưng mà bay theo cờ bạc, giờ hai vợ chồng trở thành vô gia cư. May mà còn thuê được căn phòng 10 mét vuông trong ngõ này. Nhưng cũng sắp phới thôi, nghe đâu không trả được tiền nhà, chủ nhà đã đến lớn tiếng mấy lần rồi. Đã vậy, thằng chồng lại chẳng chịu làm gì, chỉ suốt ngày rượu chè bê tha với đề đóm. Có cái xe máy cũ của vợ, cũng cắm đi mấy lần.

- Sao đến nỗi thế? Nghe nói bố mẹ chồng cô ấy làm to lắm cơ mà?

- Đúng là làm rất to. Nhưng mà tham nhũng, bị cách hết chức vụ, sắp "vào lò" rồi. Của cải đội nón ra đi hết. Thằng chồng nó là thằng vô học, chẳng có nghề ngỗng gì, chỉ biết suốt ngày bám vào bố mẹ, vung tay áo xô đốt nhà táng giấy. Nên lúc bố mẹ đổ thì thằng con cũng toi ngay. Còn tiền thì còn chồng còn vợ. Hết tiền thì tao với mày, đánh nhau như vã mắm. Có cái nhà của bố mẹ cho, thì cờ bạc nợ nần đến mấy chục tỷ, bị bọn xã hội đen đến xiết rồi. Cứ đà này rồi thì chẳng mấy lúc nữa mà anh đi đường anh, tôi đường tôi. Cũng may mà chưa có con.

(Kiến thức gia đình số 3)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?