| Hotline: 0983.970.780

Cái khó ló... đất đa nghề

Thứ Hai 14/05/2012 , 10:02 (GMT+7)

Đâu đó ở một số làng quê, người nông dân tự chuyển đổi ngành nghề ngay tại quê hương mình...

Tạo công ăn việc làm cho nông dân sau thu hồi đất nông nghiệp hiện vẫn là vấn đề nhức nhối chưa có lời giải với hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, đâu đó ở một số làng quê, người nông dân tự chuyển đổi ngành nghề ngay tại quê hương mình.

CÁI KHÓ LÓ… ĐẤT ĐA NGHỀ

Như bao làng quê giáp ranh Hà Nội, xã Lạc Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên) cũng phải nhượng lại phần lớn diện tích đất nông nghiệp bờ xôi ruộng mật cho quá trình công nghiệp hóa. Chính trong thời khắc bị dồn vào chân tường, người dân nơi đây đã tự mày mò du nhập về cả chục nghề mới, mang lại công việc ổn định với thu nhập khá cho chính bản thân họ và gia đình.

SAU THỜI THẢM ĐỎ

Là xã thuần nông đặc thù vùng ĐBSH, song tỷ lệ cơ cấu ngành thương mại dịch vụ tại Lạc Đạo chiếm xấp xỉ 41%, TTCN 18% là điều lạ. Giải thích ngọn ngành cơ cấu này, Phó Chủ tịch xã Lạc Đạo Hoàng Văn Kích cho hay, nằm cạnh Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận tiện nên khi tỉnh Hưng Yên có chủ trương trải thảm đỏ đón DN về đầu tư năm 2002, các Cty, xí nghiệp ồ ạt về Lạc Đạo lấy đất nông nghiệp với giá vô cùng bèo bọt 9 triệu đồng/sào.


Nghề mộc tại Lạc Đạo mang lại công việc ổn định cho cả nghìn lao động

Số liệu thống kê mới nhất của xã Lạc Đạo cho thấy, tổng diện tích đất nông nghiệp thu hồi cho 20 Cty, xí nghiệp đóng trên địa bàn xã là gần 100 ha/436 ha. “Chủ chương nhượng đất nông nghiệp cho các DN là từ cấp trên chỉ đạo xuống, chính quyền xã chúng tôi chỉ biết chấp hành. Sau khi bị thu hồi đất, bản thân người nông dân tự mày mò tìm công việc mới cho họ chứ địa phương và các DN không giúp được gì nhiều", ông Kích nói thật.

Là một trong ba thôn có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất, ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng thôn Ngọc cho biết, thôn hiện chỉ còn khoảng 170 mẫu ruộng chia đều cho 3.200 nhân khẩu nên chẳng nhà nào đủ ăn nếu cứ trông vào mảnh ruộng bằng bàn tay đó. Nhớ lại ngày bị thu hồi đất cách đây 10 năm, ông Phúc ngậm ngùi: “Trước khi lấy đất của dân, DN nào cũng hứa tạo công ăn việc làm cho con em các gia đình bị thu hồi ruộng không thì hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Nhưng khi đất đã vào tay DN rồi, hầu hết họ không thực hiện theo đúng cam kết hoặc thực hiện theo kiểu đối phó gây khó dễ người lao động.

Mất hai năm đầu, nông dân chúng tôi khủng hoảng vì đất canh tác không còn, nghề nghiệp lại không có, trong khi tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền con cái đi học không biết kiếm đâu ra. Đa số người dân thôn Ngọc phải bỏ làng, bỏ quê làm thuê làm mướn nay đây mai đó, công việc bập bõm nên thu nhập chẳng được là bao. Có đến 40% hộ dân ở thôn Ngọc không còn ruộng, số còn lại chỉ còn trên dưới 1 sào ven các khu công nghiệp, muốn đầu tư làm cho ra tấm ra món cũng khó vì manh mún".

Ngoài thôn Ngọc, hai thôn khác của Lạc Đạo là thôn Cầu và thôn Hoằng cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn tương tự khi ruộng không còn. Đủ các thể loại tệ nạn xã hội kéo theo khi KCN về đóng trên địa bàn. Đứng trước tình cảnh tiến thoái lưỡng nan đó, người dân xã Lạc Đạo không còn cách nào khác phải tỏa đi khắp nơi làm thuê làm mướn kiếm sống. Và trong quá trình tha hương cầu thực, người dân nơi đây đã du nhập về cả chục nghề mới, đem lại công việc và thu nhập khá ổn định, đánh dấu bước ngoặt mới cho vùng quê thuần nông này.

TỰ CỨU MÌNH

Chúng tôi tìm tới gia đình anh Đỗ Văn Biên và chị Dương Thị Lịch ở thôn Cầu khi họ đang tất bật gói cơm nắm muối vừng chuẩn bị cho khách. Được biết, đôi vợ chồng này là một trong những hộ góp sức hình thành nên nghề cơm nắm muối vừng nổi tiếng cho xã Lạc Đạo.


Anh Đỗ Văn Biên đang chuẩn bị cơm nắm muối vừng giao cho khách

Sau khi nhượng lại mảnh ruộng cho KCN, vợ chồng anh Biên ra Hà Nội làm thuê, để tiết kiệm chi tiêu, mỗi buổi sáng họ đều nắm cơm mang theo. Tình cờ một ông khách Tây đi qua thấy lạ nên xin ăn thử, một ý định lóe lên trong đầu cặp vợ chồng khát việc làm này, sao không làm cơm nắm muối vừng mang lên Hà Nội bán cho du khách? Vậy là ngay hôm sau, hai vợ chồng anh Biên làm thử cơm nắm muối vừng đem bán, không ngờ hàng bán chạy như tôm tươi. Thấy công việc làm ăn được, anh Biên rủ thêm anh em, họ hàng rồi đến hàng xóm láng giềng, đến nay xã Lạc Đạo có hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề cơm nắm muối vừng với thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, khoảng 1/3 số hộ chuyên làm cơm nắm muối vừng và 2/3 hộ chuyên đi bán.

Ăn theo dịch vụ cơm nắm muối vừng, các nghề bánh dầy, giò chả cũng phát triển mạnh mẽ và mang lại thu nhập khá cho cả trăm lao động. Theo tiếng nhịp chày thình thịch, chúng tôi tới xưởng bánh dầy lớn nhất xã của anh Lê Văn Sơn ở xóm Ngọc.


Ăn theo nghề cơm nắm muối vừng, nghề làm bánh giầy cũng tạo công ăn việc làm 
cho hàng trăm lao động

Hiện anh Sơn luôn duy trì 3 chiếc máy giã bánh hoạt động 24/24, mỗi ngày tiêu thụ 3 - 4 tạ gạo, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 người với thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Bản thân anh Sơn xây được nhà lầu, mua được xe hơi cũng từ nghề bánh dầy. Xuất phát từ hộ gia đình anh Sơn, giờ tại Lạc Đạo có trên 30 hộ chuyên sản xuất bánh dầy cung cấp cho đám cưới, hội nghị khắp Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, thu hút trên 200 lao động. Anh Sơn đắng đót: “Nếu cứ trông chờ người khác mang việc đến cho mình thì chỉ có chết đói, không bằng mình tự đi tìm việc cứu mình trước khi đợi trời cứu”.

Dạo một vòng qua các thôn bị thu hồi đất của xã Lạc Đạo, bằng cảm quan chúng tôi nhận thấy thu nhập bình quân đầu người/năm tại xã Lạc Đạo chỉ rõ cấp độ năng động, thích ứng với hoàn cảnh của người dân. Nếu như thôn Cầu phát triển mạnh nghề mộc và cơm nắm muối vừng thu nhập lên đến 25 triệu đồng/người/năm; thôn Ngọc với nghề cơm nắm muối vừng thu nhập khoảng 20 triệu đồng và thôn Hoằng ít năng động hơn thu nhập đạt 17 triệu đồng/người/năm.
Sau cơm nắm muối vừng, mộc cũng được coi là một nghề mới của xã Lạc Đạo. Đúng ra, trước đây địa phương này cũng có một người làm nghề mộc nhưng chủ yếu là đi làm thuê. Sau khi đất nông nghiệp không còn, vô hình chung tạo điều kiện cho người dân nơi đây mở rộng quy mô sản xuất. Đi dọc con đường liên xã sầm uất không thua kém gì một thị tứ của Lạc Đạo, chúng tôi thấy xưởng mộc san sát. Có một điều đặc biệt là hàng trăm hộ dân làm mộc ở Lạc Đạo không ai giống ai; Người làm bàn bi - a, hộ làm quan tài, xưởng làm máy khâu, loa thùng, có nơi lại chuyên mua gỗ phế liệu từ các cty đóng trên địa bàn về rút đinh sơ chế lại đóng đồ dân dụng bán, thu nhập nhiều hộ lên đến cả chục triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho cả trăm lao động.

Ghé vào xưởng mộc hộ anh Dương Văn Quân ở thôn Cầu khi anh đang tất bật hoàn thành lô hàng khung tranh cho Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Anh Công cho biết, ngày trước anh chủ yếu đi làm mộc thuê tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận, sau có chút tiền đền bù ruộng, anh Công nghĩ chắc không thể đi làm thuê được mãi nên rủ mấy người họ hàng về mở xưởng mộc. Ban đầu ai thuê gì làm nấy, sau nhờ lần mò liên hệ, xưởng mộc của anh bắt đầu có những đơn hàng lớn như làm thiết bị giáo dục, khung tranh, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần chục lao động. Theo chia sẻ của anh Công, làm nghề mộc tại Lạc Đạo công việc rất ổn định, thu nhập cũng khá cao nên kéo được rất nhiều con em nông dân vào làm việc với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất