| Hotline: 0983.970.780

Cái miệng làm hại cái thân

Thứ Tư 02/06/2010 , 10:40 (GMT+7)

Cháu rất buồn và đau khổ vì cái tính bạ gì nói đấy, nói cho sướng mồm mà giờ đây cháu phải chịu hậu quả...

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu năm nay 27 tuổi, đã có vợ và một con gái 2 tuổi.

Cháu rất buồn và đau khổ vì cái tính bạ gì nói đấy, nói cho sướng mồm mà giờ đây cháu phải chịu hậu quả đó là không dám ngẩng đầu lên nhìn nhà vợ.

Vợ chồng cháu nhìn chung sống hạnh phúc nhưng không biết tính của cháu làm sao mà vợ sai một chút là kiếm cớ chửi mắng. Dường như vợ cháu cũng biết ý nên những lúc cháu nóng giận thì cô ấy chỉ im lặng cho cháu trút hết nỗi bực tức. Xong cơn tức giận lại vui vẻ bình thường. Những lúc mắng vợ cháu hay lôi cả họ hàng bố mẹ cô ấy ra mắng.

Nhà bố mẹ vợ cháu cách nhà cháu khoảng 5 cây số. Ông bà rất quý cháu, rất thường xuyên đến chơi. Một lần cháu mắng vợ vì cô ấy đi làm về muộn, khi cháu đi làm về thì cơm nước chưa xong. Vậy là cháu nổi cơn mắng rằng lần sau mà còn thế nữa thì gọi ông bà xuống dắt con gái về, rằng mỗi việc nấu cơm mà cũng không làm được, rằng tôi ân hận khi phải lấy cô, rằng nhà cô ai cũng chậm chạp, may mà cô lấy tôi chứ phải thằng khác thì nó đã gọi bố mẹ cô xuống đón con về từ lâu rồi…

Trong khi cô ấy thút thít, cháu mở cửa bước ra ngoài sân thì bao nhiêu nỗi bực tức chuyển hết sang ngượng ngùng vì mọi thứ như sụp đổ dưới chân: bố mẹ vợ cháu đang đứng ở ngay trước cửa. Cháu chỉ biết lí nhí: bố mẹ và cô xuống lâu chưa ạ? Cả ba bực tức, ông bố vợ bảo: Chúng tôi xuống từ lúc hai anh chị bắt đầu cãi nhau. Sau khi hỏi han sự tình, bố mẹ khuyên hai đứa mấy câu rồi ra về. Kể từ đó đến nay đã hơn 1 năm rồi ông bà không xuống nhà cháu nữa mặc dù mỗi khi cháu đến chơi, ông bà vẫn đối xử bình thường. Mỗi khi gia đình bên vợ có việc hay gặp họ hàng bên vợ cháu lại thấy xấu hổ khi mà thỉnh thoảng có ai đó nhìn vào cháu và nói mát: “Họ hàng bên ngoại toàn là người chậm chạp, nhỉ?”

Cô Dạ Hương kính mến, mọi chuyện đã qua, bây giờ cháu không còn mắng vợ nữa nhưng cứ nghĩ đến trận mắng lịch sử đó cháu lại thấy buồn và xấu hổ vô cùng.

Xin cô cho cháu lời khuyên, làm thế nào giải thoát khỏi tâm trạng này để có thể thoải mái khi gặp người nhà bên vợ?

Cháu Nguyễn Văn Đức (Yên Dũng, Bắc Giang)

Cháu trai thân mến!

Có thể nói, nội dung lá thư của cháu thuộc dạng cá biệt, quá cá biệt trong hơn 1700 kỳ thư của trang TVGĐ gần 9 năm qua. Cô đọc và cứ tức cười mãi. Cái miệng nó kiện cái thân mà.

Rõ ràng là có người nóng tính và cũng có người nguội tính. Kẻ nóng nảy thì hay thô lỗ, sống sít, người nguội thì thâm và hiểm, bề nào cũng đáng ngại cả. Có người nóng vừa, có người nóng dữ, kiểu Trương Phi, phải động thủ thì mới hạ hỏa được. Cháu không đánh vợ nhưng cháu thuộc típ người nóng thì phát ngôn, lời lẽ bắn ra loạn xạ cho sướng mồm. Đàn ông đàn bà gì mà nóng kiểu này thì mất dần hàng xóm mất dần bà con bởi ác khẩu là thói quen và cũng là tính cách.

Khi người ta trẻ, người ta rất dễ điều chỉnh mình. Cô nghĩ, cháu đã bị một vố để đời. Không gì tệ hơn. Chửi trèo đã bậy, chửi mà còn để người ta bắt gặp thì còn mặt mũi nào. Cháu thuộc loại gia trưởng có cỡ đấy. Ý thức ấy nó sinh ra sự nóng nảy, vô lối và phạm thượng. Đàn ông Việt mình nói chung ít nhiều đều mắc bệnh đó. Vợ làm gì cũng thấy gai mắt, riêng với người không phải vợ thì họ hay thể tình, lạ vậy đó. Cần cảnh giác cái tính này nó ngự trị, nó làm khổ mình trong những quan hệ khác, như với con mình, như với nhiều nữ đồng nghiệp chỗ mình làm… Cái bênh coi thường phụ nữ một cách thâm căn cố đế.

Như đã nói trên, cháu đã bị cuộc đời cho một bài học khắc cốt ghi xương. May mà cháu còn nhận ra được sai lầm. Và cháu đã sửa chữa. Dù vậy, với bên vợ, cháu vẫn chưa có một động thái chính thức xứng với đàn ông. Phải có một cuộc nói chuyện và có lời xin lỗi. Cháu cần về bên ấy, mặc dù việc đã xa, về và chủ động mời bố mẹ vợ ngồi lại để cháu trần tình và xin lỗi. Cháu hãy nói những lời thật nhất từ suy nghĩ và đáy lòng mình từ 1 năm nay. Nhà họ rất khoan dung, theo cô, từ việc họ vẫn để cho cháu lui tới bình thường. Có nhà khó tính họ đã làm ầm lên và cấm cửa rồi. Chính vì họ khoan dung mà cháu cần một lời để thành một cái mốc trong ứng xử với nhau. Tóm lại, cháu vẫn còn nợ họ một lời xin lỗi mà họ không công khai đòi nợ đấy thôi. Văn hóa của người mình nói chung là không hay cảm ơn và xin lỗi, hai việc đó đáng ra phải thành phản xạ tự nhiên, nhanh nhạy nhất trong mọi mối quan hệ thì dễ dàng cho nhau biết bao.

Có những cô vợ chậm như rùa, cháu có gia trưởng hơn nữa thì rùa cũng không thành thỏ được. Hãy cùng với vợ làm việc nhà, ai cũng đi làm, sao chỉ vợ gánh bếp núc và con cái trong khi chồng nằm ềnh ra xem tivi và đọc báo chờ cơm? Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn còn hàm ý cả trong những việc nhỏ nhặt nhất khi hai bên cần nhau, cháu nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm