| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 05/05/2014 , 09:44 (GMT+7)

09:44 - 05/05/2014

Cái “mới” của ngành tòa án!

Trong quá trình tố tụng một đại án gây chấn động cả nước, cả đại diện của cơ quan buộc tội lẫn quan tòa của 2 cấp tòa lại có cách làm việc thật "mới" và lạ.

15 giờ ngày 28/4/2014, chủ tọa HĐXX phiên tòa phúc thẩm vụ án “tham ô” và “cố ý làm trái…” ở Vinalines bỗng tuyên bố dừng phiên tòa.

Lý do: Theo đề nghị về tương trợ tư pháp của Cơ quan điều tra Bộ Công an Việt Nam, từ tháng 11/2013, phòng tư pháp từ NaKhodk (Nga) đã gửi sang một số tài liệu liên quan đến ụ nổi 83M.

Nhưng cả Tòa và VKS đều chưa tiếp cận được khối tài liệu đó, do nó chưa được đưa vào hồ sơ vụ án. Nay HĐXX tạm dừng để đọc, sáng hôm sau phiên tòa sẽ tiếp tục.

Buồn thay! Trong khi cả đến những người dân thường còn biết rằng muốn truy tố, xét xử các vụ án hình sự một cách khách quan, để từ đó đưa ra được những phán quyết công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thì những người tiến hành tố tụng phải đọc, phải nghiên cứu thật kỹ, thật toàn diện, thật đầy đủ hồ sơ vụ án.

Thế mà trong quá trình tố tụng một đại án gây chấn động cả nước, có liên quan đến mạng sống của 2 con người này, cả đại diện của cơ quan buộc tội lẫn quan tòa của 2 cấp tòa, lại có cách làm việc lạ lùng đến thế.

Tài liệu đã được phía Nga gửi sang từ tháng 11/2013. Nhưng vì sao chúng không được đưa vào hồ sơ vụ án? Và trong khi còn những tài liệu về vụ án vẫn nằm ngoài hồ sơ, chưa được nghiên cứu, thẩm định, đánh giá như vậy, thì ngày 12-14/12/2013 TAND TP Hà Nội vẫn cứ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm?

Và ngày 22/4/2014, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội vẫn cứ điềm nhiên đưa vụ án ra phúc thẩm? Chỉ sau khi diễn biến của phiên tòa trở nên quá căng thẳng, không thể tuyên án được theo dự kiến (14 giờ ngày 25/4), buộc phải trở lại phần xét hỏi và tranh tụng, thì các ngài mới “sực nhớ” ra những tài liệu đó, nên mới cho dừng phiên tòa để… đọc.

Từ 15 giờ ngày 28 đến 7 giờ 30 ngày 29/4, các quan tòa có được bao nhiêu thời gian để đọc, để nghiên cứu khối tài liệu đó? Không chỉ đọc, nghiên cứu, mà còn phải đặt nó trong mối liên quan đến những bút lục khác trong khối hồ sơ vụ án đến trên 7.000 bút lục kia.

Nhất là sau mấy ngày liền xét xử đầy căng thẳng, thì đến sắt cũng phải mềm chứ đừng nói các ngài cũng chỉ là những con người bình thường bằng thịt bằng xương.

Chẳng lẽ các ngài không ăn uống, ngủ nghê? Với một khoảng thời gian vô cùng hạn hẹp như vậy, thì việc nghiên cứu, đánh giá những tài liệu mới này có kỹ lưỡng được không?

Trong thực tế, nhiều trường hợp một tài liệu mới xuất hiện đã gây đảo lộn phiên tòa, đảo ngược số phận của bị cáo, mà sự kiện Nguyễn Thanh Chấn khiến dư luận cả nước vẫn đang nóng dẫy lên, là một ví dụ. Người bị kết tội đã chấp hành được 10 năm bản án chung thân, vụ án đã chìm vào quên lãng.

Nhưng chỉ một tờ đơn tự thú bằng cái lá đa của Lý Nguyên Chung đã làm sụp đổ cả một vụ án mà từ khâu điều tra cho đến khâu xét xử của cả 2 cấp tòa đều được coi là “Khách quan, vô tư, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”. Không chỉ thế, rồi đây ngân sách Nhà nước còn phải chi ra hàng tỷ đồng để bồi thường cho người bị oan. Và những người đã được lên chức nhờ “thành tích phá nhanh vụ án giết người mà Nguyễn Thanh Chấn là hung thủ”, những người đã ra bản án “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật” đó, chắc chắn sẽ phải trả lời trước pháp luật.

Trở lại phiên tòa phúc thẩm vụ đại án trên. Nếu các luật sư không tranh tụng quyết liệt? Nếu Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc “nhận tội” tham ô (Nguyễn Thanh Chấn cũng đã phải “nhận tội” giết người, và đã phải “thực nghiệm” lại việc giết người)?

Nếu 14 giờ ngày 25/4 HĐXX vẫn tuyên án? Nếu án phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm? Nếu 2 án tử hình không bị kháng nghị? Nếu đơn xin ân xá của Dũng, Phúc bị bác? Nếu sau đó án được thi hành? Rồi vì lý do nào đó, một thời gian sau những tài liệu “mới” đó mới được xem xét. Và nếu trong những tài liệu “mới” đó có tài liệu đủ sức lật nhào những lời tuyên về tội tham ô của họ? Thì sao?

Cách xét xử theo kiểu “Hồ sơ có đến đâu thì xử đến đấy”, không cần đầy đủ như trên, sao giống hệt cách sống của một anh nông dân: Có nhiều gạo thì ăn cơm, ít gạo thì ăn cháo, cốt cho đầy bụng.