| Hotline: 0983.970.780

Cái nôi ngành kỹ thuật công nghiệp

Thứ Hai 10/09/2012 , 10:14 (GMT+7)

Có một địa chỉ đào tạo nghề, học sinh chưa ra trường đã có người nhận...

Trong lúc các địa phương khác, học nghề xong không kiếm được việc hoặc có việc thì cũng không "hành" được nghề do chất lượng của cả người dạy lẫn người học nghề đều quá kém. Ấy thế mà có một địa chỉ đào tạo nghề, học sinh chưa ra trường đã có người nhận...

>> Có đầu ra, mới mở lớp
>> Cần nghề này, học nghề khác
>> Nghề cần thì không người học

Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp VN - Hàn Quốc (CĐ nghề Việt - Hàn ) đứng chân ở TP Vinh (Nghệ An) tiền thân là Trường Kỹ thuật công nghiệp VN-Hàn Quốc, hơn 10 năm qua đã đào tạo 9.800 HS-SV hệ dài hạn, 1.700 học viên hệ ngắn hạn, đào tạo tiếng Hàn, tiếng Anh cho XKLĐ trên 6.700 học viên...

Học xong có việc ngay

Trường CĐ nghề Việt - Hàn được coi là địa chỉ tin cậy cho người học và DN nhờ chất lượng đào tạo. Đây là lý do khiến 90% số HS-SV tìm được việc làm ngay sau khi ra trường. Đầu tháng 9/2012, chúng tôi có mặt tại trường khi Hiệu trưởng Nguyễn Duy Nam đang chuẩn bị chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch đón 1.000 tân SV nhập học. 

Thầy Nam thông báo: Năm nay có 2.800 hồ sơ dự tuyển nhưng cả 2 hệ trung cấp và CĐ nghề, trường chỉ tuyển sinh 1.000 SV cho 10 chuyên ngành đào tạo. Mới nghe thông tin này đã làm tôi sửng sốt, bởi các trường ĐH dân lập, CĐ trong cả nước đang “toát mồ hôi” vẫn chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu, thế mà CĐ nghề Việt - Hàn vẫn phải đưa ra tỷ lệ “chọi”!

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, thầy Nam cho biết: Điều đó xảy ra đã suốt hơn 10 năm qua tại trường này. HS học ở đây ra, hầu như tất cả đều tìm được việc làm ngay. Trong đó 70% được DN đến tuyển thẳng, còn 30% tự mở Cty hoặc làm ông chủ các cơ sở SX, dịch vụ, tham gia XKLĐ tại nhiều nước khác nhau và điều quan trọng nhất là các em đã thích nghi ngay với xã hội với mức thu nhập cao. Cũng vì lý do này mà lớp lớp HS-SV của trường sau khi tốt nghiệp đều đóng góp lớn cho xã hội.

Theo thầy Nam, để đảm bảo chất lượng đào tạo, 100% giáo viên của trường đều được học tập dài hạn nâng cao trình độ tại các trường có uy tín như ĐH Bách khoa HN, Học viện Kỹ thuật quân sự và tham gia các lớp bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ tại Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc... Giáo viên đều phải thực tế tại các DN từ 1-6 tháng. Với sự viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc, các trang thiết bị, máy móc đào tạo do nước bạn cũng cấp khá đồng bộ, sát với chương trình đào tạo và liên tục cập nhật TBKT, công nghệ mới...

Học đi đôi với hành

Trong quá trình đào tạo, trường đặc biệt chú trọng tới 3 vấn đề chính: Đầu vào (tuyển sinh ), quản lý quá trình đào tạo, giải quyết việc làm cho HS-SV sau khi tốt nghiệp. Công tác tuyển sinh luôn thuận lợi là do độ lành nghề của các khóa trước đã chứng minh chất lượng đào tạo của trường. Tuy nhiên, để công tác tuyển sinh luôn chủ động, thông thường trước kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm nhà trường luôn tổ chức hội nghị tư vấn, định hướng học nghề cho lãnh đạo 90 trường THPT trong toàn tỉnh.

Nhà trường luôn coi trọng phương châm học đi đôi với hành. Ngoài việc quản lý chương trình và tiến độ thực hiện chương trình đào tạo một cách rất nghiêm túc, hàng năm trường đều gửi cán bộ giáo viên ra nước ngoài (Hàn Quốc và Malaixia) nhằm cập nhật thêm các TBKT mới của thế giới để đưa vào chương trình đào tạo; phối hợp với DN liên doanh nước ngoài để bổ túc, nâng cao tay nghề và kiến thức phục vụ công tác giảng dạy.

"Trong việc cung ứng vật tư cho các năm học cuối khoá, thường vật tư được cung ứng gắn với một hoặc nhiều loại sản phẩm nào đó để HS bám sát hơn với thực tế SX và có nguồn thu khi bán sản phẩm để tái đầu tư cho người học. Hàng tháng chi phí điện, nước cho HS thực hành lên tới cả trăm triệu, có lẽ đó cũng là lý do tại sao HS đều có tay nghề giỏi", ông Nam nói.

“Từ khoá 2 đến nay, HS-SV CĐ nghề Việt - Hàn đã đưa được 2.000 em sang lao động hợp tác tại Hàn Quốc và 200 em sang XKLĐ tại Nhật Bản, 300 em XKLĐ tại Đài Loan. Điều đáng mừng là dù ở quốc gia nào tay nghề các em đều được DN các nước sở tại đánh giá cao”, ông Nam cho biết.

Ông Nam thông báo tin vui: "Nhờ được học và thực hành trên các thiết bị công nghệ hiện đại của thế giới nên HS năm cuối đi thực tập tại DN chẳng những chúng tôi không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào mà HS còn được DN đưa xe đến đón tận trường, chi trả tiền ăn. Trong thời gian các em thực tập còn trích một phần lợi nhuận từ sản phẩm làm ra chuyển về cho trường".

Vấn đề giải quyết đầu ra sau đào tạo cho HS-SV sở dĩ luôn xuôi chèo, mát mái là nhờ chất lượng đào tạo nghề luôn đạt chuẩn quốc tế. Hằng năm sau mỗi khoá tốt nghiệp trường chỉ yêu cầu các em nộp cho bộ phận chuyên môn 1 phiếu yêu cầu. Trong đó phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, giới tính, nghề được đào tạo và nhất là có nhu cầu làm việc ở đâu mức lương mà các em đề nghị khi tuyển dụng...

Nhà trường sẽ lập danh sách gửi đến DN đang có nhu cầu tuyển công nhân lành nghề. Chỉ một thời gian ngắn DN có phản hồi và cử cán bộ đến tuyển nguồn. Có một số đơn vị lại thông qua các thông tin đăng tải trên trang website của trường, họ tuyển thẳng ngay sau khi HS-SV vừa tốt nghiệp. Nhiều em lại được ký hợp đồng tuyển dụng của DN sau khi đi thực tập...

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.