| Hotline: 0983.970.780

“Cải tạo” chồng thích giữ tiền

Thứ Ba 02/08/2011 , 13:10 (GMT+7)

Có những người đàn ông cho rằng, khi mình giữ tiền thì vai trò được nâng cao, cả gia đình sẽ phải lệ thuộc, ai muốn gì phải thông qua ý kiến mình. Một số khác vì quá “yêu tiền” hoặc không tin vào vai trò “cái hom” của vợ mà tự mình quyết định chi tiêu tất cả.

“Phụ nữ không nên cầm nhiều tiền, nguy hiểm lắm”

Anh Duẩn là cán bộ trẻ. Anh yêu Quỳnh Chi từ hồi chị còn học cấp ba. Chờ nàng tốt nghiệp PTTH, anh “tư vấn” cho học một trường trung cấp cùng ngành. Ra trường, hai vợ chồng làm cùng cơ quan, tiện đủ đường. Vợ trẻ, xinh và ngoan khiến anh Duẩn hãnh diện lắm. Chuyện, “công anh bắt tép nuôi cò” suốt bao nhiêu năm trời.

Lấy vợ trẻ hơn gần chục tuổi, Duẩn vừa là chồng, là anh, vừa là… quản lý. Chi trẻ, ít va chạm, lại được cha mẹ bảo bọc nên sẵn sàng dựa vào chồng. Đến tháng lương, Chi lĩnh tiền xong là đưa ngay cho Duẩn. “Anh cầm giúp em nhé, đằng nào vợ chồng mình chẳng cùng nhau đi chợ, cùng nhau mua sắm. Cần gì anh cứ đưa em ít tiền lẻ là được”, thấy chồng “tâm lý”, Chi vui mừng ra mặt.

Đôi khi Chi bận, Duẩn còn lĩnh lương luôn cho cả vợ. Cơ quan không ít người nhỏ to, song họ dường như không bận tâm lắm. Đến khi chuyển sang trả lương qua thẻ ATM thì Duẩn bảo: “Hai vợ chồng làm chung thẻ cho tiện nhé. Đằng nào cũng là tiền của chúng mình mà”. Chi gật đầu luôn.

Ở nhà nghỉ sinh con, Chi mới thấy việc chồng cầm tiền chả tiện tẹo nào. Thi thoảng anh đưa Chi ít tiền lẻ mua thức ăn. Nuôi con nhỏ phát sinh đủ loại tiền: Tiền sữa, tiền bỉm, tiền tiêm chủng… mà Duẩn thì đi làm từ sang đến tối. Cần mua gì, Chi lại xin hoặc vay mẹ. Vài lần còn được, thấy Chi luôn không chủ động dù trong việc nhỏ nhất, mẹ Chi “điều tra” mới thấy chuyện chi tiêu trong gia đình con gái chưa ổn.

Trong khi vất vả với con, chồng đưa tiền “nhỏ giọt”, mẹ bồi đắp tư tưởng “phụ nữ phải tay hòm chìa khoá”, khiến Chi mệt mỏi. Cô đề xuất với Duẩn về cách chi tiêu mới thì anh hồn nhiên: “Anh chả thấy có vấn đề gì cả. Em cần gì cứ liệt kê danh sách những thứ cần dùng, đi làm về anh mua cho. Em là phụ nữ, đi xe còn không vững thì cầm nhiều tiền trong người nguy hiểm lắm”.

Lời qua, tiếng lại, đến lúc Chi yêu cầu là lương ai nấy cầm, thì Duẩn lại cáu: “À, nếu em thích riêng thì chúng mình chia đôi luôn tất cả”. Lúc này, Chi lại phải ngậm bồ hòn để chồng qua cơn giận.

Khi “túi tiền” đi vắng

Suốt hơn 20 năm qua, chị Lan (Đông Anh, Hà Nội) luôn trong tình trạng không một xu dính túi - điều không ai tin nổi. Chị Lan đường đường là vợ của một ông chủ xưởng sản xuất nhựa to nhất nhì xã. Nhà chị được coi là khá giả trong vùng. Nhiều người vẫn thầm mong ước một gia đình có chồng thành đạt, vợ là cánh tay phải đắc lực cho chồng, con trai, con gái học giỏi. Không ai biết chị đang bị nhốt trong một cái lồng đẹp.

Đang là công chức Nhà nước, chị Lan được chồng thuyết phục bỏ việc cơ quan, học thêm chuyên ngành kế toán để phụ anh kinh doanh và quản lý xưởng. Thấy chồng vất vả, trong khi công việc của mình lại quá an nhàn, chị Lan không khỏi băn khoăn. Những lời tỉ tê của anh như những giọt nước, lâu dần thấm đất. Chị theo chồng làm kinh tế. Chuỗi ngày “trắng tay” của chị cũng bắt đầu từ đây.

Nghỉ việc cơ quan, chị không chỉ lo nội trợ, mà còn trông nom đội thợ cho chồng và cùng làm với họ. Nhưng hàng ngày, chị phải trông chờ vào sự ban phát từng đồng của ông chủ gia đình như một sự ban ơn. Mỗi khi đi chợ, chồng chị dặn dò tất cả những thứ cần mua cùng tiền được phép tiêu và giao cho vợ. Đôi khi anh tự mình đi chợ để hiểu giá cả nhằm kiểm soát số tiền vợ tiêu hàng ngày. Mỗi tháng, chị và con gái phải xin anh tiền mua băng vệ sinh và phải “giải trình” nếu “tháng này dùng nhiều hơn tháng trước”.

Tủi nhất là lần con trai bị đau ruột thừa, nửa đêm, chị phải gõ cửa hàng xóm để vay tiền cho con đi viện. Bởi tối đó, chồng chị đi vắng – cũng có nghĩa là túi tiền của gia đình đi vắng. Cũng may, các bác sĩ đã mổ kịp thời.

Chồng chị luôn lủng lẳng bên người một bộ chìa khoá to - thứ mà vợ, con không bao giờ được đụng đến. Đó là chìa khoá phòng, chìa khoá tủ, chìa khoá két… Lúc nào anh cũng cho rằng, mình mới là người kiếm tiền nuôi gia đình, rằng mọi người phải lệ thuộc vào anh, rằng không có anh mọi người chết đói cả. Không ai được làm trái ý anh, anh là chủ gia đình và quyết định mọi chuyện.

Sống chung thế nào?

Không làm ra tiền, phụ nữ ít nhiều bị phụ thuộc vào chồng. Nhưng ngay cả khi kiếm ra tiền, đôi khi họ vẫn không được làm chủ đồng tiền của mình. Nhiều chị em không cam chịu hoàn cảnh, phản ứng lại thì chồng thường rất bực bội và tìm cách đánh vào “điểm yếu” của phụ nữ là bắt họ lựa chọn: Hoặc là chấp nhận cuộc sống như vốn có, hoặc chia tay.

Nếu chị em sợ đổ vỡ, không cương quyết thì dễ rơi vào cuộc sống nô lệ hoàn toàn về kinh tế. Và dù cho cuộc sống không có đòn roi, chửi bới… chị em vẫn cảm thấy bị kiểm soát, không tự do, không có tiếng nói của mình.

Được sự tư vấn của các “quân sư”, Quỳnh Chi bỏ cả tính xấu hổ. Nhiều lần trước mặt các đồng nghiệp, cô không ngần ngại sai chồng: Khi thì “anh ơi con hết bỉm rồi đấy”, lúc lại “lát anh về sau mua giúp em chai mắm nhé, đúng loại mọi khi anh mua ấy”, có lúc cô bô bô: “Anh đưa em 50 nghìn nào, mọi người rủ em đi thăm chị bạn ốm”… Duẩn chỉ còn nước thoái thác hoặc nhún nhường trước sự tủm tỉm của mọi người.

Cuối cùng Duẩn đành chọn cách “rút êm”: “Thôi nhé, từ nay mỗi tháng anh đưa em toàn bộ tiền chi tiêu gia đình. Em tự lo giải quyết những chuyện mắm muối, dưa cà, con cái, bạn bè nhé. Em làm thế đồng nghiệp lại tưởng anh là “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Chả biết giữ thể hiện cho chồng gì cả”. Biết tình thế đã có lợi, Quỳnh Chi vẫn giả vờ: “Tiền nào chả là tiền chung, anh cứ cầm giúp em thôi mà. Em con gái, cầm nhiều tiền sợ lắm”. “Sợ thế thì bao nhiêu phụ nữ họ chết cả à?", Duẩn lại cáu. Lần này thì Chi biết mình đã thành công trong việc “cải tạo” chồng.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm