| Hotline: 0983.970.780

Cải tạo giống bò vàng bằng thụ tinh nhân tạo

Thứ Năm 12/01/2017 , 14:05 (GMT+7)

Trước thực trạng giống bò vàng bị suy thoái nghiêm trọng về thể trạng và chất lượng thịt, UBND huyện Đồng Văn đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cải tạo giống bò vàng bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

15-39-25_mot-trong-nhung-con-bo-duc-giong-duoc-tuyen-chon
Một trong những con bò đực giống được tuyển chọn
 

Đồng Văn là huyện vùng cao biên giới và là một trong 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang. Nơi đây đất chủ yếu là đá, địa hình chia cắt mạnh, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Đồng Văn cùng với 4 huyện cao nguyên đá được mệnh danh là “vùng đất khát”.

Từ thực tiễn đó, để phát triển nông nghiệp, huyện Đồng Văn phải dựa chủ yếu vào chăn nuôi gia súc, trong đó nuôi bò hàng hóa gắn với trồng cỏ là mục tiêu chủ yếu. Tuy nhiên, do phương thức chăn thả bò tự do đến giao phối đồng huyết, cận huyết đã làm suy thoái chất lượng giống bò vàng địa phương. Bên cạnh đó, những con bò đực giống có thể trạng to lớn lại được đồng bào bán cho thương lái để giết thịt, chỉ để lại những con có thể trạng nhỏ làm sức kéo… Vì thế, giống bò vàng bị suy thoái nghiêm trọng về thể trạng và chất lượng thịt.

Xuất phát từ thực trạng trên, UBND huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các phòng ban chức năng trên địa bàn của huyện xây dựng kế hoạch cải tạo giống bò vàng bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện đã tiến hành tuyển chọn những con bò đực giống có thể trạng to lớn, có tuổi từ 18 đến 36 tháng tuổi để khai thác tinh và bảo quản bằng tinh đông lạnh; sau đó sẽ phối giống tinh đông lạnh với đàn bò cái. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, đàn bò của huyện đã được cải tạo đáng kể, tầm vóc lớn, năng suất, chất lượng thịt cao.

Năm 2016, các xã, thị trấn của huyện Đồng Văn thực hiện cải tạo 500 con bò vàng địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tổng kinh phí 486 triệu đồng; trong đó, mức hỗ trợ vật tư 475.000đ/1 con bò thụ tinh thành công, cơ chế hỗ trợ tiền công dẫn tinh 230.000đ/con.

Nhằm thực hiện thành công chương trình cải tạo đàn bò, các phòng chức năng của huyện đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y và cán bộ thú y của 19 xã, thị trấn về quy trình khai thác, bảo quản tinh đông lạnh, phát hiện bò động dục và dẫn truyền tinh nhân tạo… Từ những kết quả đó, trong năm 2016, toàn huyện đã có 500 con bò giống được sinh ra từ thụ tinh nhân tạo.

Ông Giàng Mí Say, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đồng Văn cho biết: Bò giống sinh ra từ thụ tinh nhân tạo có trọng lượng trung bình từ 22 đến 25kg/con, lớn hơn so với bê nghé sinh ra từ phối giống tự nhiên từ 4 - 5kg. Vì vậy, những con bò được sinh ra từ thụ tinh nhân tạo cũng có tầm vóc, năng suất cao hơn hơn so với các con bò khác của địa phương. Ngoài ra, chương trình thụ tinh nhân tạo trên đàn bò còn giúp huyện phục hồi và cải tạo giống bò vàng đang bị thoái hóa do giao phối đồng huyết và cận huyết.

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.