| Hotline: 0983.970.780

Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy: Kiên nhẫn vì nghĩa lớn

Thứ Sáu 08/01/2016 , 06:35 (GMT+7)

Việt Thanh tên thật là Nguyễn Thiện Ngữ, 1 trong 5 đại biểu của tỉnh Phú Thọ trong kỳ bầu cử Quốc hội Khóa I./ Hết mình với tình yêu tổ quốc và gia đình

Nghị sĩ tuổi 23

Nguyễn Thiện Ngữ đến với lý tưởng cách mạng bắt đầu chỉ vì ham đọc sách báo từ hiệu sách của Đoàn Thanh niên dân chủ trên phố Đồng Xuân (Hà Nội). Rồi ông được giới thiệu với đồng chí Đào Duy Kỳ - người Cộng sản đầu tiên giác ngộ về lý tưởng Cách mạng.

Năm 1942, học xong tại Trường Cao đẳng Trung học Đông Dương, Nguyễn Thiện Ngữ thi lấy bằng Tú tài I. Trong khi chờ đợi kết quả thi, ông lên Phú Thọ chơi cùng người anh rể rồi xin vào làm dịch thuật tại Tòa Công sứ Phú Thọ.

Ban đầu, chưa liên hệ được với đoàn thể cách mạng, Ngữ âm thầm hoạt động tuyên truyền yêu nước bằng cách chuyển báo Cứu quốc và phát truyền đơn tại các phiên chợ.

Từ đó, các đồng chí hoạt động ở Phú Thọ cũng bắt mối được mới ông, cùng tham gia hoạt động trong Mặt trận Việt Minh của tỉnh. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Cuộc Tổng tuyển cử bằng chế độ phổ thông đầu phiếu được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ban bố trong cả nước. Dự kiến ban đầu, ngày bầu cử sẽ được tổ chức vào 23/12/1945. Sau đó, để có thời gian chuẩn bị thêm, Chính phủ quyết định hoãn ngày bầu cử đến 6/1/1946.

Một hôm Nguyễn Thiện Ngữ được đồng chí Luân đến giao nhiệm vụ điền vào các giấy tờ để ra ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa I. Quá bất ngờ nên ông một mực từ chối. Lý do ông đưa ra là mình mới có 23 tuổi, làm sao gánh vác nổi trọng trách này. Đồng chí Luân giải thích đây là trách nhiệm của đoàn thể trao cho, đã có chỉ thị của đồng chí Dĩ - Bí thư Ban cán sự Đảng, nên không được phép chối từ.

Lúc này, Nguyễn Thiện Ngữ đổi bí danh là Việt Thanh. Vừa kê khai ông vừa lo lắng làm sao đủ tín nhiệm với quần chúng nhân dân. Không ngờ, Việt Thanh trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao. Ngoài ra, còn đồng chí Lê Đồng và 3 đại biểu khác ở Phú Thọ, trong đó có một đại biểu người Cao Lan là ông Sầm Văn Ngữ.

Vậy là, khi mới 23 tuổi, Việt Thanh - Nguyễn Thiện Ngữ đã trở thành nghị sĩ Quốc hội. Tất nhiên, không phải “nghị gật” như trong các Viện Dân biểu do người Pháp lập ra. Đây là đại biểu đại diện cho tiếng nói của nhân dân một đất nước mới giành được độc lập, tự chủ.

Kiên nhẫn vì nghĩa lớn

Đầu tháng 2/1946, Việt Thanh được tỉnh Phú Thọ cử dẫn đầu đoàn đại biểu nhân dân Phú Thọ về Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để báo cáo tình hình chống phá cách mạng của “Việt Nam Quốc dân đảng” tại địa phương. Tỉnh Phú Thọ cũng xin phép được tiến công tiêu diệt lực lượng “Việt Nam Quốc dân đảng”. Trong đoàn còn có ông Vũ Thế Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ và thân nhân những người bị “Việt Nam Quốc dân đảng” sát hại mặc tang phục.

Hồ Chủ tịch không được khỏe song vẫn thu xếp làm việc với ông. Hồ Chủ tịch nghe đại diện tỉnh Phú Thọ báo cáo với thái độ điềm đạm, không ngắt một lời nào. Nghe xong, Người nói: “Phải biết kiên nhẫn và chịu đựng vì nghĩa lớn”.

Ông Việt Thanh sinh năm 1922, đã đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ: Chánh văn phòng Trung ương MTTQ Việt Nam, Vụ phó Vụ Kế hoạch Công nghiệp của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Vật tư của Tổng cục Thống kê, Chánh văn phòng Ban Tổ chức quản lý Kinh tế Nhà nước… Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng ông Huân chương Độc lập và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Sau đó, Việt Thanh được đồng chí Xuân Thủy cử đi công tác đột xuất về Phú Thọ để làm gấp các nhiệm vụ như trao đồng tiền vàng cho tù trưởng Sa Văn Chiến - người có uy tín với nhân dân vùng Thanh Sơn, thu gom các Phìa, Tạo từ Sơn La tập trung về đồn điền Thanh Sơn để tránh sự lợi dụng của giặc Pháp, tổ chức lực lượng vũ trang đối với cuộc tiến công của Pháp từ Sơn La sang…

Làm theo lời Bác

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I, các đại biểu đã chọn phương án họp bí mật để thảo luận mọi công việc tại đình làng Đình Bảng dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh và đồng chí Lê Trọng Nghĩa. Hoàn cảnh đặc biệt lúc đó, Hồ Chủ tịch đề nghị đặc cách cho 70 ghế Quốc hội là đại diện cho những người thuộc “Việt Nam Quốc dân đảng” và “Việt Nam Cách mạng đồng minh hội” không phải qua bầu cử. Nhiều kiến nghị không đồng thuận. Chỉ đến khi thấu suốt chính sách đại đoàn kết của Hồ Chủ tịch, các đại biểu mới đồng ý.

Dự kiến, ngày 3/3/1946 Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp đầu tiên. Nhưng sau đó, Quốc hội đã họp sớm 1 ngày, địa điểm cũng được thay đổi, chuyển về Nhà hát Lớn (Hà Nội).

Sáng 3/3, Việt Thanh về Hà Nội theo dự kiến. Mới đến ngoại thành thì nghe loa báo tin trưa 2/3 kỳ họp thứ nhất đã kết thúc thành công. Cụ Ngô Tử Hạ, đại biểu cao tuổi nhất, được cử làm chủ tịch điều hành phiên họp. Còn nhà thơ Nguyễn Đình Thi, đại biểu Quốc hội trẻ nhất được cử tham gia Đoàn thư ký.

Phải hơn 7 tháng sau đó, trong kỳ họp thứ hai, diễn ra từ ngày 28/10/1946 đến ngày 9/11/1946, Việt Thanh mới tham dự và đóng góp ý kiến vào các vấn đề trọng đại của đất nước như xây dựng Hiến pháp đầu tiên, chất vấn các Bộ trưởng trong Chính phủ Liên hiệp và biểu quyết tán thành Chính phủ Kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

“Trong suốt cuộc đời công tác của mình, tôi đã được giao nhiều trọng trách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, hầu hết đều ở bước khởi đầu. Tôi đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, nhờ luôn tâm niệm và làm theo những điều Bác Hồ đã dạy:

Trong bộn bề công việc, phải biết chọn việc trọng tâm mà làm; làm một việc giải quyết được nhiều việc khác.

Phải cùng nhau bàn bạc, cùng một ý chí, một quyết tâm thì việc khó khăn, mới mẻ mấy cũng vượt qua được.

Khi giao việc cho cán bộ, phải làm cho cán bộ hiểu thật rõ nhiệm vụ, thật thông suốt thì công việc sẽ thành công”, ông Việt Thanh nhớ lại.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất