| Hotline: 0983.970.780

Cẩm Ân nham nhở sau “cơn lốc” ruby

Thứ Năm 12/08/2010 , 10:19 (GMT+7)

Chỉ loáng thoáng tin đồn có người nhặt được viên đá tiền tỷ, thế là những người nông dân vốn chân chất thật thà ở xã Cẩm Ân (Yên Bình – Yên Bái) đang tâm móc tung cả khu ruộng của làng lên.

Chỉ loáng thoáng tin đồn có người nhặt được viên đá tiền tỷ, thế là những người nông dân vốn chân chất thật thà ở xã Cẩm Ân (Yên Bình – Yên Bái) đang tâm móc tung cả khu ruộng của làng lên. Thế nhưng sau mấy tháng trời ròng rã mò kim đáy bể, họ mới nhận ra đâu là những viên ruby thật sự.

Ruộng làng bị cày xới như bị trúng bom.

Lời đồn ác ý

Trở lại Cẩm Ân cách đây đúng hai tháng, cuộc sống bình yên của những người nông dân nơi đây bỗng chốc bị đảo lộn khi xuất hiện tin đồn gia đình ông Phạm Kim Đồng, người cùng xã vớ được viên đá tiền tỷ khi vét lại cái ao để thả cá? Thật giả chưa được ngã ngũ mà ngay lập tức "giả thiết" dưới cánh đồng của xã Cẩm Ân là một mỏ đá Hồng ngọc (ruby) xuất hiện khắp nơi làm người dân đứng ngồi không yên. Lời đồn thổi nhanh chóng lan rộng, đi đâu người ta cũng bắt gặp hình ảnh từng nhóm người túm năm tụm ba bàn tán chuyện ông này bà kia đào được viên đá quý.

Bên cạnh cái mất luôn luôn ẩn chứa cái được, mà cái được lớn nhất người dân xã Cẩm Ân rút ra từ bài học chua xót này là, “Với những người nông dân, đồng ruộng mãi là viên ngọc quý giá nhất”.

Một đồn mười, mười đồn trăm, không bao lâu sau đó người dân nơi đây đổ xô ra chính những thửa ruộng nhà mình để đào xới tìm vận may. Cả một cánh đồng toàn bờ xôi ruộng mật nhanh chóng bị “cơn lốc” ruby thổi bay. Lớp bùn màu mỡ của ruộng mà phải hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới hình thành nên mau chóng bị lột sạch, thay vào đó là lớp lớp cát sỏi được người ta móc sâu tới 2– 3 mét từ trong lòng đất lên. Cánh đồng rộng hơn 60ha nhanh chóng biến thành một bãi chiến trường với những hố sau như hố bom bi choán hết các thửa ruộng. Người cuốc, người cào, người đào, người móc tấp nập, nhốn nháo như đi hôi của. Nhiều gia đình còn xới tung cả đất ở, vườn tược, ao chuôm với hy vọng đổi đời.

Chị Lan, một chủ của hàng tạp hoá gần cánh đồng cho biết: Không chỉ những người nông dân chân lấm tay bùn mà ngay cả những dân “chỉ ăn cơm để đi đào đá” từ Lục Yên (Yên Bái) cũng mò đến thám thính làm ăn. Rất nhiều bà con không có ruộng cũng được hưởng xái từ việc đào đá ruby với tiền công đào thuê lên tới 100.000 nghìn đồng/ngày. Những hợp đồng mua bán, sang tay chui đất nông nghiệp diễn ra chóng vánh giữa người dân và dân đào đá chuyên nghiệp. Các thửa ruộng bé xíu được đội lên tới trăm triệu đồng. Chưa bao giờ người dân ở đây thấy đất nông nghiệp có giá như vậy. Cũng nhờ từ việc người dân đổ xô đi đào đá mà quán bia của nhà chị Lan đông khách hẳn lên. Chỉ vì một tin đồn mà biến một mảnh đất vốn bình yên như Cẩm Ân thành một vùng quê bão táp.

Những vết tích còn sót lại.

Đào đã khổ, lấp còn khổ hơn

Chúng tôi ghé thăm xã Cẩm Ân. Cái không khí nóng bỏng, náo nhiệt cách đây không lâu đã biến mất, thay vào đó là một bầu không khí u ám nặng nề bao trùm. Gặp bà Nguyễn Thị Hồng đang chống cằm hướng ánh mắt buồn rầu về phía cánh đồng, hỏi chuyện mới biết nhà bà cũng có một thửa ruộng đã bị đào tan hoang. Chả là nghe tin người ta đào được đá ruby nên gia đình bà cũng đào thử xem sao. Ai ngờ đào ròng rã hơn hai tháng trời vật lộn với đất cát như trâu đằm mà chẳng được một viên đá nào cho dù bằng móng tay. Giờ đây ruộng nhà bà đã bị xới tung như lợn dũi, để lấp lại phải mất một thời gian rất dài. Trong khi đó, bình thường vào thời gian này năm ngoái bà đã cùng con dâu, con gái lom khom cấy lúa ngoài đồng rồi.

Nói chuyện với chúng tôi thỉnh thoảng bà lại chép miệng thở dài: “Biết thế đừng nghe người ta đi đào đá giờ có phải lúa đã hai ba lá rồi không. Một năm hai vụ lúa ngót ba tạ thóc một sào mà giờ trắng tay. Năm nay không biết lấy gì mà bỏ vào mồm đây?”. Không chỉ có nhà bà Hồng mà hầu hết các gia đình đem ruộng đi “đánh bạc” với đá ruby đều rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Chỉ vì trót dại nghe theo lời đồn mà giờ họ tự đi vào ngõ cụt. Đào tiếp chắc chắn sẽ chỉ hao công tốn của, nhưng để lấp lại những cái hố đã đào lên là cả một vấn đề nan giải. Mặc dù đã bắt đầu được khắc phục song dấu vết của một “cuộc cách mạng cuốc xẻng” vẫn còn hằn in khắp các cánh đồng và vườn tược.

Hầu hết các thửa ruộng từ lớn đến bé không kịp xuống mạ do quá thời vụ, số ít mảnh ruộng đầu thừa đuôi thẹo còn sót lại cũng khát khô, nứt nẻ do bị những hố bom nhân tạo “nuốt” hết nguồn nước. Phương án khả thi nhất bây giờ chỉ còn cách trồng các loại cây hoa màu như ngô, đậu tương. Thôi thì vớt vát được tí nào hay tí đấy. Đi về phía cuối đồng làng nơi có một nhóm người đang hì hục san lấp tôi giơ máy ảnh lên chụp, một người đàn ông nói bâng quơ: “Chụp làm gì. Chúng tôi đang lấp rồi, giờ có cho chúng tôi đào cũng chẳng thèm nữa. Đá đâu chẳng thấy chỉ thấy mệt phờ râu tôm”.

Phải rất lâu sau bà con nông dân mới khắc phục được những hậu quả do chính họ gây ra.

Lỡ dại thì đã muộn

Đem vấn đề người dân móc ruộng mà chẳng tìm thấy đá hỏi UBND xã Cẩm Ân, Phó Chủ tịch xã Hoàng Văn Đại vui mừng thông báo: Sau khi sự việc trên xảy ra, huyện phối hợp với xã tuyên truyền, xử lý dứt điểm những hộ dân vi phạm. Bên cạnh đó, phải nói rằng sau 2 tháng trời đào bới trong vô vọng, người dân đã tự bỏ không móc ruộng tìm đá nữa. Xã đang phối hợp với người dân để cùng khắc phục hậu quả đau lòng trên. Cũng may là không có ai đào được viên đá nào chứ đào được thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Mà ác thật, không biết kẻ nào đã tung tin thất thiệt mà khiến cả người dân lẫn cán bộ xã phải khổ sở như vậy.

Giờ đây, khi sự việc đã tỏ tường, một số bà con nông dân xã Cẩm Ân mới nhận ra sai lầm ngớ ngẩn của mình. Việc làm bột phát của họ khi đem ruộng cái cơm ra “đánh bạc” đúng là rất đáng trách. Nhưng giận họ làm liều thì ít mà thương họ thiếu suy nghĩ thì nhiều. Cũng phần nào hiểu được, khi cuộc sống của họ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời có cố gắng lắm cũng chỉ gọi là đủ ăn, chính vì thế mà khi nghe tin dưới thửa ruộng màu mỡ kia có chứa những viên đá có thể làm thay đổi cuộc đời họ thì ai chả ham. Bản thân họ đâu có nghĩ sâu xa được rằng, đá quý đâu nhiều và sẵn đến thế. Mà từ trước tới giờ đã mấy ai sống cạnh mỏ đá mà giàu có đâu.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất