| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 05/06/2019 , 08:36 (GMT+7)

08:36 - 05/06/2019

Cấm bán rượu từ 22 giờ và chất lượng làm luật

Điều luật “cấm bán rượu từ 22 giờ đến 8 giờ” được đưa vào Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, không được Quốc hội thông qua, đã cho thấy một điều, là chất lượng làm luật của các cơ quan soạn thảo luật của ta có vấn đề.

Ảnh minh họa.

Chính điều đó đã cho ra đời những điều luật hay những văn bản quy phạm pháp luật khiến xã hội hoặc là “dở khóc dở cười” hoặc hoàn toàn không có tính khả thi, trong khi yêu cầu của luật là phải bao quát được những hành vi trong phạm vi mà nó điều chỉnh một thời gian dài, thậm chí đến trăm năm.

Với dự thảo điều luật “cấm bán rượu bia từ 22 giờ đến 8 giờ”, một người dân bình thường, không mấy am hiểu về luật, cũng có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi: Đặt ra luật, rồi giám sát thế nào? Chỉ riêng Hà Nội thôi, đã có hàng chục ngàn quán ăn, từ cao cấp đến vỉa hè. Tất cả đều có bán rượu bia.

Thế thì từ 22 giờ đến 8 giờ, lực lượng nào mà giám sát cho xuể? Không giám sát, thì có luật cũng bằng không. Mà nếu bắt được người vi phạm, thì xử lí thế nào? Cơ quan nào xử lí? Mua một chai rượu hay một chai bia, người ta không dốc tuột vào miệng ngay mà phải có thời gian nhâm nhi.

Nếu 22 giờ, bắt được trên bàn của một quán ăn có người uống rượu. Hỏi, chủ quán có thể trả lời: Chai rượu đó được người mua mua từ lúc 21 giờ hay 21 giờ 30, thì lấy gì chứng minh là chủ quán nói dối ? Chuyện cấm bán rượu bia từ 22 giờ đến 8 giờ, cũng giống như chuyện người ngực lép không được đi xe máy, chuyện mổ con lợn ra chỉ được bán thịt trong 8 tiếng đồng hồ, hay chuyện phạt người đi xe cơ giới không chính chủ...

Trước đây, đã để lại cho xã hội những trận cười mà đến nay cũng chưa dứt. Bởi một gia đình có ba bốn người, nhưng tiền có hạn, chỉ mua được một chiếc xe máy hay một chiếc ô tô, chẳng lẽ chỉ duy nhất người đứng tên đăng kí là được điều khiển, còn những thành viên khác, hễ thò ra là phạt.

Hoặc cấm đi xe không chính chủ nhưng có cấm được việc người này mượn xe của người khác không? Bởi mượn xe đâu có vi phạm pháp luật? Đến dân thường còn biết như vậy, huống hồ các cơ quan soạn thảo luật, toàn tiến sỹ này tiến sỹ nọ, bằng cấp đầy mình. Thế mà lại đi cho ra đời những văn bản quy phạm pháp luật dở hơi như thế.

Rồi ngay cả các luật đã được thông qua, đã có hiệu lực nữa, nhưng chỉ vài năm sau đã phải sửa. Từ luật mẹ là hiến pháp, đến rất nhiều bộ luật khác, như bộ Luật Dân sự, từ năm 1995 đến nay đã phải sửa 3 lần. Luật Đất đai từ năm 1987 đến nay phải sửa tới 4 lần, bộ Luật Hình sự và bộ Luật Tố tụng hình sự, từ năm 1985 đến nay, cũng bốn lần sửa chữa. Mỗi lần sửa luật, là một lần tốn kém.

Đến bao giờ chất lượng làm luật của Quốc hội ta được nâng cao, để tiền thuế của dân đỡ tốn kém?

Bình luận mới nhất