| Hotline: 0983.970.780

Cạm bẫy bủa vây người xuất khẩu lao động: Khi đi trai tráng, khi về bủng beo

Thứ Ba 12/03/2019 , 09:10 (GMT+7)

Khoảng 10 năm trở lại đây, cám dỗ của đồng tiền và những lời tư vấn như “rót mật vào tai” của các trung tâm môi giới đã khiến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lao động ở Hà Tĩnh bất chấp pháp luật đi XKLĐ “chui”, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan...

Đằng sau những chuyến xuất ngoại “chui” đó là hàng loạt cặp vợ chồng đổ vỡ hôn nhân, số khác nợ nần chồng chất, thậm chí có những trường hợp “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”, bỏ mạng nơi đất khách quê người.
 

Tiền mất, tật mang

Võ Bảy (SN 1986) sinh ra và lớn lên ở vùng đất “chuyên nông” xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc. Gia đình đông anh chị em nên học hết THPT, anh Bảy làm thủ tục xin đi XKLĐ sang Malaysia thông qua Trung tâm khuyết tật Hà Tĩnh. Lúc bấy giờ (năm 2007) một suất xuất ngoại tính tất tần tật hết khoảng 23 triệu đồng, giá trị hơn cả ngôi nhà gia đình anh đang ở. Nhưng vì tương lai, anh chấp nhận vay mượn với hi vọng anh thoát cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”.

Theo hợp đồng ký kết, công việc chính mà anh Bảy sẽ làm khi sang Malaysia là trang trí nội thất nhà, tuy nhiên thực tế công việc anh được nhận là may chăn ga gối đệm. “Biết bị lừa nhưng tôi vẫn ngậm đắng nuốt cay cố “cày” trong 2 năm, trả xong nợ nần là quay về luôn”, anh Bảy nói.

18-45-42_1
Những lời tư vấn “có cánh” của cán bộ trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh về công việc anh Bảy sẽ làm khi sang Đài Loan

Năm 2014, Võ Bảy lập gia đình nhưng nghề nghiệp vẫn chưa đâu vào đâu. 4 năm sau (2018) anh vay mượn tiếp ngần 140 triệu đồng làm thủ tục đi XKLĐ Đài Loan qua Cty CP INTRACO quốc tế (Hà Nội). Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh, có trụ sở ở số 454 đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh là đơn vị môi giới, trực tiếp tư vấn, cam kết các điều khoản giữa lao động với bên tuyển dụng lao động. Anh Bảy cho biết, tổng chi phí cho chuyến đi hết 138.638.000đ.

Theo cam kết với Cty CP INTRACO quốc tế, đơn hàng của anh ở Đài là lái xe và đóng gói sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi xuống sân bay anh được đưa đến một trang trại cách đường lớn khoảng 50km. Ở đây hầu hết là lao động bất hợp pháp. Thay vì lái xe, giao hàng, nhận hàng, anh phải khai hoang đất, đào hố trồng cây ăn quả; khuân vác gỗ; thu hoạch hoa quả…, đều là những công việc nặng nhọc nhưng mức lương cũng chỉ được 18 - 19,5 nghìn Đài tệ, thấp hơn mức lương thỏa thuận trong hợp đồng (22 nghìn Đài tệ).

Đặc biệt, trong quá trình làm việc tại trang trại, chủ sử dụng lao động tiếp tục thay đổi hợp đồng công việc sang “giúp việc gia đình”, trong khi thực tế anh làm vẫn ở trong rừng “khai hoang đất, thu hoạch hoa quả”. Biết mình bị lừa hết lần này đến lần khác, anh Bảy chấp nhận ký vào các giấy tờ bên môi giới Đài Loan và ông chủ yêu cầu để sớm được về nước.

Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng trở về, số tiền anh được hoàn trả lại là 94,3 triệu đồng chứ không phải hơn 138 triệu; mất trắng hơn 40 triệu đồng. “Tôi đã nhiều lần đến yêu cầu Trường trung cấp nghề Hà Tĩnh hoàn lại tiền cho tôi nhưng họ không đồng ý và cũng không giải thích được họ thu số tiền đó vào những khoản gì”, anh Bảy cho biết, hiện anh đang nợ ngân hàng hơn 70 triệu đồng.

“Bây giờ nhắc đến XKLĐ tôi trừa (khiếp sợ) đến chết. Tôi nghĩ đây là bài học đắt giá cho những ai muốn đi XKLĐ. Phía môi giới bao giờ họ cũng nắm được tâm lý muốn đi nhanh của người lao động nên khi đó họ bảo ký vào hồ sơ nào cũng ký. Tuy nhiên, thực tế hợp đồng ký một đằng nhưng họ làm lại một nẻo”, anh Bảy nói.

18-45-42_2
18-45-42_3
Tuy nhiên công việc được bố trí không đúng với cam kết hợp đồng

Cùng đi với Võ Bảy trong đơn hàng này có anh Nguyễn Văn M., ở xã Thường Nga, huyện Can Lộc. Trong quá trình ở Đài Loan vì công việc quá vất vả lại ở nơi “rừng thiêng nước độc”, không thể bám trụ nên sau 10 ngày anh M. phải quay về nước.

Anh Bảy, anh M. dù bị lừa nhưng còn may mắn trở về trong lành lặn. Trường hợp của Nguyễn Văn Khánh (SN 1993), thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà mới thực sự đáng thương, đáng suy nghĩ. Sau khi học xong THCS, tháng 1/2014 Khánh theo một người anh trong họ vượt biên sang Thái Lan làm nghề trông giữ xe nhà hàng ăn uống. 2 tháng sau, trong một buổi đi làm về, không may Khánh bị một chiếc ô tô đâm phải dẫn đến chấn thương sọ não.

Chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy, Khánh được bạn bè đưa vào bệnh viện phẫu thuật. Ca mổ hết 350 triệu đồng cộng với chi phí điều trị trong gần 1 tháng, tổng cộng hết hơn 700 triệu đồng. Thương hoàn cảnh nghèo khó của Khánh, bệnh viện, chủ nhà hàng cùng bạn bè đồng hương đóng góp, hỗ trợ được 200 triệu đồng. Còn hơn 500 triệu, bố mẹ Khánh - anh Nguyễn Văn Hòa, chị Nguyễn Thị Mai phải đem 2 ngôi nhà (một nhà của em gái chị Mai) cầm cố ngân hàng lấy tiền đưa Khánh về Việt Nam chữa trị.

18-45-42_5
Từ một thanh niên khỏe mạnh sau khi đi XKLĐ “chui” trở về, Nguyễn Văn Khánh không còn lành lặn
“Việc để Khánh đi XKLĐ “chui” đã khiến chúng tôi mất đi một đứa con khỏe mạnh, gia đình lâm vào cảnh nợ nần, bế tắc. Năm vừa rồi đứa con trai thứ 2 xin đi XKLĐ Hàn Quốc tôi chấp nhận vay nợ thêm gần 400 triệu đồng để cho con đi chính ngạch chứ nhất quyết không cho đi Thái Lan như anh nó”, chị Mai chua xót.

Ngày về nước Khánh từ chàng trai khôi ngô, tuấn tú trở thành người thực vật. Mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ. Suốt từ đó đến nay, tháng nào gia đình cũng đưa Khánh đến bệnh viện phục hồi chức năng. Bây giờ Khánh đã bắt đầu đi lại được nhưng tháng nào cũng uống hết 2 triệu tiền thuốc. Và chỉ cần một trận cảm lạnh là lại nằm một chỗ.
 

Ly hôn, ly thân như cơm bữa

Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân giàu có nhờ phong trào XKLĐ. Bình quân mỗi năm hơn 2.700 lao động đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Tây Ban Nha, Angola, Đức… đem về cho địa phương trên dưới 200 tỷ đồng. Từ nguồn tiền khổng lồ này hàng nghìn ngôi nhà hai, ba tầng được xây dựng san sát, kéo từ trục đường lớn đến tận các ngõ xóm. Thế nhưng đằng sau những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ đó là hàng trăm cặp vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Riêng năm 2017 - 2018, toàn xã có khoảng 200 cặp vợ chồng ly thân và ly hôn.

Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã thở dài: “Số cặp ly hôn về mặt pháp luật không thể hiện nhiều trên hồ sơ nhưng sống với nhau không hạnh phúc, ly thân thời gian dài thì nhiều lắm. Nguyên nhân đổ vỡ phần lớn là do đời sống khá giả, vợ chồng sống xa cách nhau, thiếu thốn tình cảm dẫn đến ông ăn chả, bà ăn nem”.

18-45-42_4
Bên trong những dãy nhà cao tầng ở Cương Gián là hàng trăm cặp vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”

Ông Tiến cho biết thêm, ngoài thực trạng đổ vỡ hôn nhân, Cương Gián đang đau đầu vì vấn nạn kết hôn giả với người nước ngoài để hợp thức hóa con đường xuất ngoại. Phong trào này bắt đầu xuất hiện từ năm 2007. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm có khoảng 10 - 15 trường hợp kết hôn theo hình thức này.

“Không ít lao động kết hôn xong bay sang Hàn Quốc “vượt” ra làm việc thì bị bắt, trục xuất về nước mà chưa hoàn thành thủ tục ly hôn. Bây giờ về địa phương vẫn lấy chồng, làm đám cưới nhưng không thể đăng ký kết hôn. Con cái sinh ra phải khai sinh họ mẹ”, một cán bộ xã Cương Gián thông tin.

Như chị Hoàng Thị Th. (SN 1986), thôn Song Hải là một ví dụ. Năm 2008, thông qua “cò” ở miền Nam chị Th. học một khóa tiến Hàn để đi XKLĐ, hết 16.000 USD. Hết 5 năm hợp đồng chị Th. “vượt” ra ngoài làm việc. Cuối năm 2017, chị có ý định về Việt Nam rồi trở lại Hàn nhưng do từng lao động bất hợp pháp nên để hợp thức hóa con đường quay lại xứ sở Kim Chi, chị Th. thông qua “cò” kết hôn giả với một nam thanh niên Hàn Quốc. Toàn bộ thủ tục đều do phía nam thanh niên này trực tiếp thực hiện với giá trọn gói 2.000 USD.

“Giữa năm 2018 tôi và nam thanh niên Hàn Quốc chính thức là vợ chồng. Không lâu sau đó tôi về Việt Nam nhưng vì một số lý do nên tôi quyết định ở nhà lấy chồng. Tuy nhiên do thủ tục ly hôn với “chồng Hàn” chưa hoàn tất nên trên luật pháp tôi và anh Chu Phi T. vẫn chưa phải vợ chồng hợp pháp”, chị Th. nói.

Cùng chung thực trạng, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà Nguyễn Tiến Dần cho hay, đại bộ bận dân số ở Thạch Kim theo đạo Thiên chúa nên việc ly hôn là điều cấm kỵ. Thế nhưng trên thực tế, bình quân mỗi năm toàn xã có đến hơn 20 cặp vợ chồng sống ly thân, sống với nhau không hạnh phúc vì chồng hoặc vợ đi XKLĐ trở về.

18-45-42_6
Vấn nạn hợp thức hóa con đường xuất ngoại bằng việc kết hôn với người nước ngoài đang xảy ra phổ biến ở Cương Gián
Tính đến đầu năm 2019, xã Thạch Kim có gần 1.000 trường hợp đi XKLĐ. Tuy nhiên, chỉ có 300 người đi chính ngạch; số còn lại đi tự do, bất hợp pháp thông qua kênh môi giới cá nhân hoặc đi du lịch. Các thị trường có lao động cư trú bất hợp pháp lớn là Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Canada…

 

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tặng Bằng khen cho những người lan tỏa Bản tin Thời tiết nông vụ

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT được trao cho các đơn vị, cán bộ có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến bản tin thời tiết nông vụ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Ninh: Công ty Hanaka có hành vi vi phạm Luật Thủy lợi

Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành văn bản 407/SNN-CCTL về việc giải quyết hoàn trả lại tuyến kênh tưới đã bị san lấp, gây ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi.