| Hotline: 0983.970.780

Cam, bưởi bỗng dưng mất mùa liên tiếp, dân nghi do khói bụi 'đầu độc'

Thứ Ba 04/07/2017 , 13:15 (GMT+7)

Kể từ khi NM sản xuất gạch của Cty CP Đầu tư Royal Việt Nam đi vào hoạt động, vùng cây ăn quả rộng hàng chục hecta trù phú, năng suất cao của xã Tứ Dân và một số khu vực lân cận của huyện Khoái Châu (Hưng Yên) bỗng dưng mất mùa.

13-03-01_royl-1
Bụi đất bám đầy lá cây các vườn cây ăn quả ở cánh đồng Bờ Quanh

Nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, phải cắn răng chặt bỏ cam, bưởi, nhãn... vì không có kinh phí duy trì, đầu tư.
 

Cây ăn quả mất mùa liên tiếp

Mất gần 2 thập kỷ gây dựng nên vườn cây ăn quả với 100 gốc bưởi Diễn và 200 gốc cam, cho lợi nhuận bình quân mỗi năm trên 500 triệu đồng, vậy mà vợ chồng bà Nguyễn Thị Huệ (thôn Thọ Bình, xã Dân Tiến) phải uất hận chặt bỏ nguồn sống duy nhất nuôi 10 miệng ăn của gia đình mình.

Dọc lối nhỏ dẫn vào vùng trồng cam, bưởi ở xứ đồng Bờ Quanh, thôn Thọ Bình, những đống củi khô chất la liệt. “Đấy là xác bưởi chủ vườn vừa đốn hạ, bởi hai năm nay nó không ra quả nữa. Thời điểm này, nếu lợn “ăn” sổ đỏ của người chăn nuôi, thì cam, bưởi đang “gặm nhấm” két sắt của khoảng 40 hộ dân trồng cây ăn quả trong vùng”, anh Nguyễn Thanh Sơn, một người trồng cam dẫn đường cho chúng tôi chua chát nói.

Họng xả khói của nhà máy Cty CP Đầu tư Royal Việt Nam chỉ cách vùng cây ăn quả 1 bức tường

Lời nói tưởng như phóng đại ấy là sự thật. Để duy trì vườn cây ăn quả trên thửa vườn rộng 1 mẫu, mỗi năm gia đình bà Nguyễn Thị Huệ phải chi 50 triệu đồng tiền phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh. Những năm trước, khi đến vụ, vườn bưởi Diễn chín vàng ối, quả sai lúc lỉu, thương lái tranh mua 35.000 - 40.000 đồng/quả.

Từ khi nhà máy gạch Royal Việt Nam hoạt động, vườn cây của bà thất thu, tiền đầu tư mất trắng. Hiện tại, gia đình bà còn nợ đại lý Ngọc Duẩn ở gần đó hàng trăm triệu đồng tiền thuốc trừ sâu, phân bón không có cách nào trả. Vì kinh tế kiệt quệ, gia đình bà phải chặt bỏ hơn 40 gốc bưởi đã yếu vì “chết đi sống lại” nhiều lần trong 2 năm qua.

“Vườn bưởi của tôi với nhà máy gạch chỉ cách nhau bức tường rào. Hai lần tôi lấy tình cảm làng xóm sang để cầu cứu giúp đỡ, lãnh đạo nhà máy gạch bảo: “Cô cứ về đi rồi các cháu giải quyết”. Nhưng hai năm rồi không thấy hồi âm một câu nào. Tôi không biết kêu ai, chính quyền địa phương cũng về tận đây, khuyên chúng tôi không làm rùng beng lên nữa, họ sẽ cùng với các hộ dân giải quyết. Nhưng đến tận bây giờ, kết quả vẫn là con số “0”, bà Huệ nói.

Bà Huệ cho biết: Nhà tôi thâm canh cam, bưởi có tiếng cả vùng. Ban đầu, tôi tưởng cây mất mùa do sâu bệnh, nhưng đến nay, tôi biết chắc là do nhà máy gạch. Thứ nhất, ống khói của nhà máy nhả khí độc hại suốt ngày đêm, mùi khét lẹt như đốt nilon hoặc dây điện, bụi đất phủ lên lá cây trắng xoá như tuyết, cây không thể quang hợp, thụ phấn được, lá non mới chồi ra đã rụng.
 

“Cây chết đi sống lại nhiều lần”

Theo ông Bùi Viết Báo, xóm 2, thôn Thọ Bình, khoảng 10ha trồng cây ăn quả xung quanh nhà máy gạch Royal Việt Nam bị mất mùa liên tiếp những năm qua. Không chỉ bưởi, cam, ngay cả nhãn cũng bị thiệt hại nặng nề về năng suất.

Thậm chí, đến cây trầu không vốn là cây hoang dã, sức sống mãnh liệt cũng chẳng phát triển được.

Bà Nguyễn Thị Dung, xóm 2, thôn Thọ Bình có thâm niên gần 20 năm trồng cam chia sẻ: Nhà tôi canh tác 15 sào cam gồm cam Vinh và cam Đường, trong đó 9 sào là của gia đình, còn lại làm thuê cho người khác ăn sản lượng. Trước đây cây phát triển rất tốt, năng suất cao, có vụ thu hoạch 8 sào mà sản lượng đạt 13 tấn quả. Thế mà năm ngoái và năm nay không được thu hoạch.

Bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, gió bấc thổi từ nhà máy gạch Royal Việt Nam về thì cả một dải vườn cam vài chục mẫu bị phủ lớp bụi đất trắng xoá, lá non táp, xoăn rồi rụng, cành trơ trụi như củi khô, hoa vừa ra đã héo, quả rụng trắng đồng có thể xúc được, nhìn xót ruột vô cùng. Đến tháng 3, khi bắt đầu có mưa, thời tiết mát mẻ thì cây mới nảy lộc. Quá trình “chết đi sống lại” của cây lặp lại năm này qua năm khác.

“Ở vùng trồng cam này, mỗi nhà trồng diện tích hàng mẫu cây ăn quả. Nhiều người đã chặt, tỉa bỏ cây vì không có chi phí đầu tư nữa, gia đình tôi cũng định chặt nhiều lần rồi, nhưng còn tiếc công, tiếc của nên giữ lại để chờ đợi sự vào cuộc của chính quyền”, bà Dung phân trần.

13-03-01_royl-4
Không có tiền đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, ông Báo phải chặt bỏ 40 gốc bưởi “chết đi sống lại” nhiều lần
13-03-01_royl-3
Bà Dung xót ruột khi 2 năm qua, vườn cam 1,5 mẫu của bà không cho thu hoạch

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm