| Hotline: 0983.970.780

Cam đỏ ở Lâm Đồng

Thứ Sáu 22/02/2013 , 09:54 (GMT+7)

Điều khó khăn nhất khi trồng cam đỏ ở đây không phải thủy lợi mà là nguồn đất pha trộn với nhiều mảng đá tảng, đá cục, ít chất mùn.

Cty TNHH Thương mại & chế biến nông nghiệp Phương Mai  đã thu trái bói giống cam đỏ quý hiếm, diện tích 40 ha tại thôn K’Long, xã Hiệp An, Đức Trọng (Lâm Đồng), mở ra hướng đột phá chuyển đổi cây trồng.

Ông Nguyễn Công Cẩm, PGĐ Cty dẫn chúng tôi đi thăm đồi trồng cam vào giữa trưa nắng ấm. Đó là một dải đồi chạy ven con suối K’Long để bơm nước lên tưới tiêu cho 50 ha cây ăn quả, trong đó có 40 ha cam đỏ trồng từ năm 2009 đến nay. Ước tính đường ống dẫn nước từ dưới suối lên tưới những hàng cây xa nhất gần 1 km trên sườn đồi cao; còn chiều dài trung bình cũng phải đến đôi, ba trăm mét.

Nhưng điều khó khăn nhất khi trồng cam đỏ ở đây không phải thủy lợi mà là nguồn đất pha trộn với nhiều mảng đá tảng, đá cục, ít chất mùn, cần phải cải tạo với nhiều công sức, nguồn vốn và đầu tư khá lớn về kỹ thuật canh tác.

Ông Cẩm thống kê theo giá thị trường cuối năm 2012, để có 1 ha cam đỏ bắt đầu thu trái bói phải tốn trên dưới 150 triệu đồng đầu tư giống, vật tư phân bón, đưa cơ giới vào cày ủi đất tới xốp và tổng số công chăm sóc… trong hơn 3 năm.


KS Mai Viết Phương trực tiếp nghiên cứu, chiết ghép thành công giống cam đỏ

Hạch toán về doanh thu, ông Cẩm cho biết, giống cam đỏ trồng ở thôn K’Long, cứ 1 ha thu trái bói 1 năm khoảng 25 - 30 tấn (đối với cây vào năm tuổi thứ 4, thứ 5); tăng dần lên 35 tấn đối với cây vào năm tuổi thứ 6, thứ 7 và “lập đỉnh” 40 tấn đối với cây vào năm tuổi thứ 8 trở đi.

Kết quả trong 2 tuần đầu tháng 12/2012, Cty của ông Cẩm thu hoạch cam đỏ mỗi tuần trên dưới 6 tạ trái, thu xong bán hết ngay tại vườn cho thương lái chuyển đi cung cấp cho các siêu thị lớn trong nước, giá mỗi kg 40.000 đồng trở lên. Như vậy theo phép tính này, cam đỏ K’Long sẽ bắt đầu thu hồi vốn vào năm 2013 và năm 2014 và thu thực lãi từ năm 2015 trở đi, mỗi năm trên 1 ha thu lãi khoảng 150 triệu đồng - tính theo thời giá cuối năm 2012.

Đáng nói là nguồn giống cam đỏ ở K’Long, xã Hiệp An được Cty TNHH Thương mại & chế biến nông nghiệp Phương Mai SX tại chỗ bằng kỹ thuật ghép gốc cây nhập về từ nước Úc với mầm chồi cây đầu dòng do Cty trồng ở xã Hiệp Thạnh cùng ở huyện Đức Trọng.

Năm 2002, Cty đưa giống cam đỏ từ Úc về trồng và 1 năm sau đó đã nhân giống thành công, tiến hành trồng đại trà ở thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng với diện tích từ một vài ha ban đầu, đến nay đã mở rộng khoảng 10 ha.

Giống cam này tên gọi là cam Cara Cara không hạt, ruột màu đỏ có chứa những thành phần dinh dưỡng của cà rốt, cà chua và cam, nông dân quanh vùng Đức Trọng cũng thường gọi cái tên nôm na cho dễ hiểu là “cam đỏ”. Năm 2008, Sở NN-PTNT Lâm Đồng ra quyết định công nhận vườn cam Cara Cara của Cty Phương Mai đạt tiêu chuẩn vườn cây đầu dòng để bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý.

Kỹ sư Mai Viết Phương, GĐ Cty TNHH Thương mại & chế biến nông nghiệp Phương Mai khẳng định khí hậu, thổ nhưỡng vùng Đức Trọng nói riêng và ở khu vực 11 huyện, thành còn lại trong tỉnh Lâm Đồng nói chung đều rất thích hợp để trồng nhân rộng cây giống cam Cara Cara. Mật độ trung bình trồng trên 1 ha là 450 cây, trồng cây cách cây 4 x 5 m. Cây chăm sóc theo quy trình an toàn, bón phân hữu cơ và áp dụng các biện pháp sinh học để phòng trừ dịch hại. Cây bắt đầu thu hoạch lúc 4 và 5 tuổi đạt độ cao từ 2 - 2,5; từ 8 tuổi trở đi, cây cao cực đại khoảng 8 m. Tuổi thọ của cây có thể kéo dài từ 40 - 50 năm. Cây cho trái quanh năm, trọng lượng mỗi trái từ 0,2 - 0,33 kg…

Cty TNHH Thương mại & chế biến nông nghiệp Phương Mai với khu vườn ươm hàng ngàn mét vuông ở xã Hiệp An đã SX và bán hàng ngàn cây giống cam Cara Cara và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nông dân các tỉnh miền núi phía bắc và miền Tây Nam bộ. Kết quả khả quan là cây phát triển tốt, đủ chiều cao, lần lượt cho trái bói có chất lượng. Cây giống từ lúc ghép đến lúc chăm sóc và xuất bán là trên dưới 2 năm.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất