| Hotline: 0983.970.780

Cam Gia Luận

Thứ Hai 01/12/2014 , 10:19 (GMT+7)

Cam Gia Luận ở đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) nổi tiếng là giống cam “tiến vua”. 

Đây là loại cam giấy, khi chín hằn rõ số múi qua lớp vỏ màu gấc đẹp mắt và rất mỏng. Quả có mùi thơm đặc trưng, múi mỏng và dễ bóc tách, tép nhỏ nhưng mọng nước.

Cầm múi trên tay thấy cảm giác mềm mọng nhưng vẫn khô ráo. Khi ăn có vị ngọt đượm vừa phải pha lẫn vị chua dịu có “hậu” (sau khi ăn hương vị vẫn còn lưu lại lâu trên đầu lưỡi). Cam trồng trong các thung, áng với môi trường trong lành, nguồn nước tự nhiên là sản phẩm sạch được người dân huyện đảo và các tỉnh, thành khác rất ưa chuộng.

Đặc trưng của đảo 

Đặc biệt, ở Cát Bà, người dân chỉ thích và quen ăn cam Gia Luận chứ không mua bất cứ loại cam nào khác, mặc dù cam Gia Luận đắt hơn. Vào mùa cam chín, trong các đám xá, hội hè, cỗ bàn ở Cát Bà đều có cam Gia Luận bày trên mâm cỗ. Người ta truyền tai nhau, loại cam này giải rượu rất tốt.

Cây cam Gia Luận không chỉ quý vì hình thức đẹp, chất lượng hảo hạng mà còn vì nguồn gen bản địa của nó: Cây có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, sống lâu (có cây sống hàng trăm năm) và năng suất rất cao. Đến với Gia Luận vào mùa cam chính vụ (tháng 9, 10), sẽ thấy bạt ngàn cam chín, từng cây cam sum xuê treo chi chít quả từ cành là là mặt đất đến tận ngọn cao đến 4 - 5 m.

Theo các bậc lão thành cách mạng, người cao tuổi và những dòng họ đầu tiên đến khai hoang và lập nên làng Gia Luận, nay là xã Gia Luận thì cam Gia Luận được du nhập từ Trà Cổ - Móng Cái, Vân Đồn - Quảng Ninh từ trước năm 1954. Cũng có nhiều người già cho biết giống cam này đã có ở đảo cách đây trên 300 năm.

Giống cam này thích ứng với đất Gia Luận đến không ngờ. Cho đến nay, vẫn chỉ có ở Gia Luận, cây cam Gia Luận mới cho quả ngon ngọt nhất và năng suất cao nhất. Thấy cam bán được giá (30.000 - 40.000 đồng/kg), nhiều người ở các địa phương khác trên đảo Cát Bà mang giống về trồng nhưng ở bất cứ đâu chất lượng cam cũng không so sánh được với ở Gia Luận.

15-11-37-dsc-3698092455428
Quả cam chín

Cam Gia Luận thích ứng với đất trồng hẹp, tầm canh tác dày, nhiều mùn, giữ nước và thoát nước tốt, mực nước ngầm thấp. Vì thế, đất đồi núi rất phù hợp cho loại cam này. Cây có thân hình tán lớn, cao trung bình hơn 3m, lá nhỏ, cành vươn ngắn và mau, không có thân chính rõ rệt.

Chủ tịch UBND xã Gia Luận, Trần Quang Luân cho biết, hiện tổng diện tích trồng cam của xã khoảng 15 ha với gần 100 hộ trồng tại vườn, trong các thung, áng như Tùng Xép, Áng Dài, Ánh Nội, Áng Kê… Với năng suất trung bình 4 - 5 tấn/ha, hàng năm sản lượng cam của xã đạt 40 - 60 tấn.

Riêng áng Tùng Xép là nơi có diện tích trồng cam lớn nhất xã, mỗi hộ một năm thu hoạch từ 5 - 15 tấn quả tươi. Tuy nhiên, vẫn không đủ cung cấp cho thị trường tại huyện và tỉnh Quảng Ninh liền kề. Bình quân mỗi hộ một năm thu nhập 30 - 400 triệu đồng từ cây cam đặc sản.

Bảo vệ giống quý

Cây cam Gia Luận đã trải qua khá nhiều thăng trầm. Phát triển tốt trên xã đảo lâu đời nhưng từ năm 1990, giống cam này có dấu hiệu suy thoái và đến năm 2000 hầu như toàn bộ vườn cam trồng không cho thu hoạch.

15-11-37-dsc-0073092454784
Cây cam Gia Luận với hình thái đặc trưng, cành vươn ngắn và mau, không có thân chính rõ rệt

“Không chỉ mang lại thu nhập cho bà con xã Gia Luận, cam Gia Luận còn là nguồn gen quý, là sản phẩm đặc trưng của thành phố nói chung, huyện đảo nói riêng. Vì vậy, cần đưa vào bảo tồn, phục tráng, phát triển và đăng ký xây dựng thương hiệu cho cam Gia Luận.
UBND xã đang phối hợp với Sở KH-CN hoàn thiện các hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam Gia Luận mà Hội Nông dân xã sẽ làm chủ sở hữu nhãn hiệu này", Chủ tịch UBND xã Trần Quang Luân.

Trước tình hình đó, một số tổ chức, cơ quan chuyên ngành đã vào cuộc “cứu” loài cây quý. Năm 2002, Viện Kas (CHLB Đức) ứng dụng công nghệ ghép mắt (mắt cam Gia Luận ghép vào gốc bưởi), SX được trên 3.000 cây ghép khỏe mạnh. Và đến cuối năm 2005 cho quả đầu vụ, chất lượng và năng suất khả quan.

Tiếp đó, năm 2004 Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN Hải Phòng ứng dụng công nghệ vi ghép và tạo được cây đầu dòng sạch bệnh cho cam Gia Luận.

Năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu rau quả Xuân Mai (Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương) đã chuyển giao công nghệ ghép mắt cam Gia Luận vào gốc bưởi chua. Viện đã ghép thành cây giống và cung cấp cho xã Gia Luận 4.500 cây giống ghép mắt. 6 ha cam đã được trồng ở áng Tùng Xép với số cây giống này, tỷ lệ sống đạt 100%.

Bên cạnh đó, Hội Làm vườn Hải Phòng cũng về hướng dẫn các hộ trồng cam chăm sóc, đốn tỉa những cây hơn 10 năm tuổi, bị sâu bệnh hại, phát triển cằn cỗi. Kết quả là hạn chế được hiện tượng ra quả cách năm, cho năng suất ổn định. Chi cục BVTV Hải Phòng cũng giúp vùng trồng cam Gia Luận bẫy bả diệt ruồi đục quả…

Các cơ quan chuyên ngành cũng đã thử nghiệm rất nhiều phương pháp khác nhau nhằm nhân giống và phát triển giống cam Gia Luận như trồng tập trung trong vườn lưới, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt… nhưng cuối cùng loài cam quý chỉ phát triển tốt nhất khi được sống tự nhiên trong các thung, áng dưới chân các dãy núi đá.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, cam Gia Luận đang “khóc” vì dịch bệnh. Từ năm 2012 cho đến nay, cây chết rất nhiều do nhiễm bệnh greening (vàng lá). Đầu năm nay, do mưa kéo dài, cam cũng chết lộc tràn lan.

Ngoài ra, sâu bệnh thi nhau hoành hành trên cây cam như sâu vẽ bùa, sâu đục thân, rầy chổng cánh… làm suy giảm đáng kể năng suất, chất lượng quả, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống của người trồng cam.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Văn Thụy cho biết, bà con trong xã đang vô cùng lo lắng về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh vàng lá trên cây cam đặc sản. Nếu không được quan tâm nghiên cứu phục hồi thì về lâu dài những tác động tiêu cực trên sẽ ảnh hưởng đến nguồn gen của giống cây trồng bản địa trên địa bàn.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất