| Hotline: 0983.970.780

Cảm phục những phụ nữ mất chồng đi biển ở làng chài Bình Châu

Thứ Tư 28/09/2016 , 14:40 (GMT+7)

Nhân tai rồi thiên tai đã cướp đi nhiều mạng sống của ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Người nằm lại giữa biển khơi không tìm được thi thể, người chết do bị bắn. Ở làng chài này, nhiều người vợ mất chồng, con mất cha.

Bị bắn chết trên biển

Nằm ở đầu thôn An Hải, xã Bình Châu là ngôi nhà của bà Mai Thị Long (SN 1970). Chồng bà, ông Trương Đình Bảy (SN 1970) bị tàu nước ngoài bắn chết trên vùng biển Trường Sa năm ngoái.

13-43-55_nh-1
Bà Mai Thị Long đau buồn mỗi khi nhắc đến người chồng bị bắn chết

 

Trong ngôi nhà đó, bàn thờ được người thân hằng ngày hương khói cho người quá cố. Cũng trong ngôi nhà đó, người sống đã cạn hết nước mắt, lâm bệnh vì sự ra đi đột ngột của người chồng, người cha.

Chúng tôi tìm về nhà bà Long khi mặt trời đứng bóng nhưng chủ nhà đi làm vẫn chưa về. Hỏi những người hàng xóm, họ bảo rằng, chồng mất, trụ cột gia đình không còn, hàng ngày, bà Long ra chợ làm nghề xay cá. Ngày nhiều được 100.000 đồng, ngày ít vài chục ngàn kiếm sống. Mưa hay nắng thì quá trưa, chợ vãn khách lúc đó bà mới về.

Quả đúng như bà con chòm xóm nói, hơn 1 giờ chiều, người đàn bà gầy ốm trên chiếc đạp xe tiến về nhà. Thấy khách lạ, bà mở lời: “Chờ tôi lâu chưa, hôm nào cũng vậy, chợ hết khách thì tôi mới về”.

Rót nước mời khách, khi chúng hỏi chuyện, bà không cầm được nước mắt. Trong lúc chuyện trò, nhiều lúc bị ngắt quãng.

Bà Long kể, trước đây cả gia đình bà đi làm thuê, làm mướn ở Tây Nguyên. Cách đây chừng 3 năm, ba của ông Bảy qua đời, không còn ai trông nhà, hương khói bàn thờ gia tiên, do đó hai vợ chồng cùng các con về An Hải sinh sống. Rồi ở vùng đất này, ruộng đất ít, việc làm không có, ông Bảy xin đi làm phụ bếp trên con tàu cá QNg 95861 TS, do ông Bùi Văn Cu, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu làm chủ. Mỗi chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió, ông Bảy đưa về chừng 7-10 triệu đồng.

13-43-55_nh-2
Nghề biển đã cướp đi mạng sống của ông Bảy
 

Đúng ngày 28/11/2015, trong lúc tàu cá của ông Cu đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị một tàu lạ áp sát. Một nhóm gồm 5 người trên tàu lạ nhảy sang tàu của ông Cu và dùng súng bắn chết ông Trương Đình Bảy.

“Khi nhận tin cả vùng này không ai ngờ anh Bảy chết, bởi nghề lặn, thường những thuyền viên mới gặp nạn, không mấy khi người nấu ăn bị cả. Nhưng khi nghe tin anh ấy bị bắn chết, tôi như chết đứng, ngất xỉu. Anh Bảy hiền lành lắm, từ đứa trẻ con đến người già ai cũng quý. Nhà nghèo nhưng mỗi chuyến biển đi về, gặp người hoàn cảnh khó khăn, anh móc túi cho họ tiền. Giờ anh mất rồi, trụ cột gia đình không còn, tôi phải gánh vác, ai thuê gì thì làm nấy để kiếm sống”, bà Long òa khóc.

Nghiệt ngã là thế, người cha tử nạn trên biển nhưng nay hai người con của bà Long là Trương Đình Huynh (SN 1992) và Trương Đình Đệ (SN 1994) tiếp tục ra biển. Sau 100 ngày chịu tang cha, hai người con lên tàu bạn hành nghề lặn, bám biển mưu sinh. Hai em Huynh, Đệ không nỡ bỏ biển, đấy là nghề truyền thống, là công việc đã ăn vào máu thịt.

Cũng ở xã Bình Châu, câu chuyện đã xảy ra cách đây 2 thập kỷ nhưng vẫn chưa nguôi ngoai đối người dân nơi đây. Đấy là một ngày giữa tháng 3/1996, hai tàu đánh cá của ngư dân Nguyễn Cư và Ngô Văn Dũng nhổ neo hướng ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đánh bắt hải sản, trên mỗi tàu có 8 ngư dân. Trong chuyến đi định mệnh năm ấy, có chồng của bà Trương Thị Nhị (SN 1975) là ngư dân Phạm Huy (SN 1974) ở thôn Châu Thuận Biển.

13-43-55_nh-3
Bà Trương Thị Nhị làm việc tại xưởng cá

 

Chuyện hôm đó xảy ra vào ngày 12/3/1996, sau khi đánh bắt hải sản, các thuyền viên cho tàu tiến vào cách đảo Cây (thuộc quần đảo Hoàng Sa) 3 hải lý về phía Đông Bắc để nghỉ ngơi. Tại đây, các thuyền viên nghỉ ngơi thì bất ngờ có một canô chở theo một đám lính Trung Quốc kéo lên tàu, trong đó có một tên cầm súng liên tục chĩa về phía các ngư dân. Những tên lính xả súng bắn vào cabin. Các ngư dân hoảng hồn nhìn mảnh gương vỡ tung tóe, nước chảy lênh láng.

Sau khi lấy đi hết tài sản, đám lính Trung Quốc bắt các ngư dân cúi đầu rồi dồn về phía mũi tàu. Chỉ riêng ngư dân Phạm Huy không cúi xuống, tên cầm súng liên tục hò hét rồi bất ngờ súng cướp cò. Sau tiếng nổ vang trời giữa đại dương, máu bắt đầu chảy thấm xuống áo ngư dân Phạm Huy, rồi anh ngã gục trong tiếng khóc thét của các thuyền viên.

Đã 20 năm trôi qua, người chồng qua đời, một mình bà Nhị gồng gánh nuôi 2 đứa con. Ngay tại nhà, bà mở quán bán bánh xèo buổi sáng, trưa chiều bà làm việc ở các xưởng cá cảng Sa Kỳ.

 

Mòn mỏi chờ chồng

Cũng ở xã Bình Châu, trường hợp bà Lê Thị Mai (SN 1971, xóm Nhì, thôn Châu Thuận) có chồng và 2 người con mất tích trên biển.

Gạt dòng lệ, bà Mai cho hay, vợ chồng bà tích góp và vay mượn được một khoản tiền đóng được một chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 90789 TS công suất 655 CV, trị giá hơn 2 tỷ đồng.

13-43-55_nh-4
Bà Lê Thị Mai mòn mỏi chờ chồng và 2 người con mất tích trên biển

 

Ngày ra khơi, trên thuyền có 14 người. Sau hơn 1 tháng khai thác, ngày 13/10/2013, tàu cá Qng 90789 TS chất đầy hải sản trên đường vào bờ. Lúc này, cơn bão số 11 xuất hiện. Trên tàu có chồng bà là ông Trần Trí Dũng (SN 1970) và hai người con trai là Trần Văn Tiến (SN 1991) và Trần Văn Lên (SN 1993) và 11 bạn biển.

“Vào lúc 7 giờ hôm đó, anh Dũng gọi về thông báo là đang trên đường vào bờ nhưng thời tiết trên biển có sóng, gió rất lớn. Sau 2 giờ, tôi gọi lại thì không thể liên lạc được. Một ngày, 2 ngày… rồi cả năm trời không thấy tin tức gì. Tôi đi khắp nơi tìm kiếm nhưng không có kết quả. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi lập mộ gió mai táng chồng con, đặt di ảnh chồng con lên bàn thờ hương khói”, bà Mai nước mắt lăn dài.

Mòn mỏi chờ đợi nhưng thông tin về chồng con không thấy, từ một người mạnh khỏe, bà Mai lâm bệnh nặng. Đau ốm triền miên đã đành, khoản nợ vay mượn đóng tàu và ngư lưới cụ, phí tổn bị các chủ nợ đòi miết.

“Nhiều lúc tôi nghĩ quẩn, muốn tìm cái chết nhưng còn 2 người con nữa, tôi mất rồi, ai nuôi chúng? Ba và 2 anh của chúng không còn, tôi phải gượng dậy, để chăm sóc”, bà Mai chia sẻ.

Trong mái nhà ấy, bà đang còn nợ một khoản tiền lớn. Bởi có được con tàu ấy, bà phải vay mượn, giờ chồng con mất tích, nguồn thu không có nên hằng ngày bà phải lao động cật lực. Ngoài 2 sào tỏi, bà chăm sóc con bò, con gà mong có được đồng tiền để trả nợ.

“Nhiều chủ nợ biết được hoàn cảnh khó khăn nên không đòi nhiều. Mà đòi cũng không có tiền để trả, tôi luôn cố gắng lao động, có được đồng nào trả cho họ đồng đó. Cuộc sống dù khó khăn nhưng may mắn tôi còn 2 người con. Chúng lớn lên, cũng nối nghiệp cha anh lại ra biển thôi”, bà Mai tâm sự.

Con lại nối nghiệp cha

Những người phụ nữ mất chồng vì đi biển ở xã Bình Châu có một điểm giống nhau, họ đều an phận sau khi chồng mất. Họ gượng dậy vượt qua nỗi đau để nuôi các con khôn lớn. Họ lao vào những công việc nặng nhọc để quên đi những ngày tháng đau buồn và tập trung chăm sóc các con. Khi những người con đến tuổi trưởng thành, lại tiếp tục nối nghiệp cha mình ra Hoàng Sa, Trường Sa bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.