| Hotline: 0983.970.780

Cam, quýt rụng đầy vườn do mưa rét

Thứ Sáu 14/01/2022 , 16:47 (GMT+7)

Đợt rét kèm theo mưa phùn kéo dài nhiều ngày qua khiến một số diện tích cam, quýt già cỗi tại huyện biên giới Trùng Khánh (Cao Bằng) bị rụng đầy vườn.

Nhiều vườn quýt ở xóm Vững Bền, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh bị rụng đầy vườn. Ảnh: Công Hải.

Nhiều vườn quýt ở xóm Vững Bền, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh bị rụng đầy vườn. Ảnh: Công Hải.

Những ngày gần đây, thời tiết mưa, lạnh kéo dài kèm gió mạnh đã làm nhiều vườn cam, quýt trên địa bàn huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng bị rụng hàng loạt, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Đặc biệt tại xã Quang Hán, lượng quýt rụng khá nhiều. Nhiều gia đình bị thiệt hại cả tấn quả.

Gia đình ông Bế Văn Tướng, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán là một trong những hộ có diện tích trồng cam, quýt nhiều nhất xã. Năm 2021, ông Tướng trồng gần 1 ha cam, quýt các loại, chủ yếu là quýt bản địa, quýt đường, cam Xã Đoài, V2…

Ông Tướng chia sẻ: Trồng cam, quýt thì khó tránh khỏi việc bị rụng quả khi quả đến thời điểm chín già mà chưa kịp thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay vườn cam, quýt của gia đình bị rụng khá nhiều. Từ đợt cuối tháng 12/2021 và tháng 1/2022, khoảng 1 tấn quả, chủ yếu là cam bị rụng kín vườn, thiệt hại hơn 20 triệu đồng.

Một số vườn cam, quýt ở xóm Bản Niếng, xã Quang Hán rụng quả gần hết. Ảnh: Công Hải.

Một số vườn cam, quýt ở xóm Bản Niếng, xã Quang Hán rụng quả gần hết. Ảnh: Công Hải.

Còn bà Mạc Thị Huế, xóm Bản Niếng cho biết: Ngoài lý do thời tiết cuối năm khắc nghiệt thì việc cây cam, quýt đến thời điểm già cỗi, bị sâu bệnh nên tỷ lệ quả rụng cũng nhiều hơn. "Gia đình tôi vừa qua cũng bị rụng khoảng 3 tạ quả. Khi quả rụng nhiều nếu không thu gom nhanh quả bị thối sẽ ngấm xuống làm chua đất, ảnh hưởng cả vườn cây. Năm nay tôi đã chặt đi hơn 2.000 m2 quýt để chuyển sang trồng các loại cây khác", bà Huế cho hay.

Những cây cam, quýt già cỗi, bị sâu bệnh được người dân xã Quang Hán chặt tỉa dần. Ảnh: Công Hải.

Những cây cam, quýt già cỗi, bị sâu bệnh được người dân xã Quang Hán chặt tỉa dần. Ảnh: Công Hải.

Ông Hoàng Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Quang Hán thông tin: So với thời điểm diện tích cam, quýt cao nhất mấy năm trước đây thì năm nay, cả xã giảm khoảng 50% diện tích, chỉ còn trồng gần 60 ha. Tập trung chủ yếu ở các xóm: Bản Niếng, Vững Bền, Nà Pò, Pò Máng, Bản Lòa… Vừa qua, số cam, quýt bị rụng chủ yếu ở xóm Bản Niếng và Vững Bền với khoảng 20 tấn.

Diện tích cam, quýt trong xã đa số đều được trồng gần 10 năm nên cây đa phần đều đã già cỗi; bị nhiều loại bệnh như sâu đục thân, đặc biệt là bệnh thối rễ, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị nên dẫn đến cây yếu, quả kém chất lượng, đậu quả ít. Xã đã tuyên truyền người dân chặt tỉa dần những cây già yếu, sâu bệnh để chuyển đổi sang trồng loại cây khác một vài năm rồi mới quay lại trồng cam, quýt tiếp.

Quýt Trà Lĩnh có vị ngọt, thơm pha lẫn vị chua dịu đặc trưng. Ảnh: Công Hải.

Quýt Trà Lĩnh có vị ngọt, thơm pha lẫn vị chua dịu đặc trưng. Ảnh: Công Hải.

Ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trùng Khánh cho biết: Cam, quýt là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là giống quýt Trà Lĩnh đã có thương hiệu lâu năm ở tỉnh Cao Bằng, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Cây cam, quýt có năng suất đạt từ 10 - 15 tấn/ha, giá trị trung bình từ 200 - 400 triệu đồng/ha. Bình quân mỗi năm, cây quýt mang lại cho bà con trong huyện hàng chục tỷ đồng. Đa số hộ trồng có thu nhập vài chục triệu đồng/năm, nhiều hộ có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm từ trồng cam, quýt.

Nhiều vườn cam, quýt ở xã Quang Hán trở thành địa điểm tham quan, vui chơi của du khách. Ảnh: Công Hải.

Nhiều vườn cam, quýt ở xã Quang Hán trở thành địa điểm tham quan, vui chơi của du khách. Ảnh: Công Hải.

Để đảm bảo diện tích cam, quýt ổn định, Phòng đã báo cáo với huyện bố trí nguồn kinh phí để duy trì lại giống quýt Trà Lĩnh. Hiện nay, giống quýt Trà Lĩnh đặc sản đã được Viện Bảo vệ thực vật lưu giữ nguồn gen, chỉ cần đặt hàng sẽ có đủ số cây giống để trồng.

UBND xã Quang Hán cũng đã tuyên truyền người dân triển khai trồng cam, quýt ở những diện tích đất chưa trồng cam, quýt để duy trì diện tích, sản lượng, giúp người dân có thu nhập ổn định.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.