| Hotline: 0983.970.780

“Cám treo, heo nhịn”

Thứ Sáu 01/06/2012 , 10:02 (GMT+7)

Có một nghịch lý là, lãi suất liên tục giảm nhưng DN vẫn kêu rằng không thể tiếp cận được vốn NH.

Có một nghịch lý là, lãi suất liên tục giảm nhưng DN vẫn kêu rằng không thể tiếp cận được  vốn NH. Về phía NH, mặc dù nguồn vốn dư thừa nhưng lại không dám cho vay bởi hàng loạt các “ba-ri-e”, các chuẩn tín dụng mới đã được NH Nhà nước đưa ra.

>> Nhiều nhà sản xuất sẵn sàng… chết

Chỉ để ngước nhìn

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP chăn nuôi và XNK (Aprocimex) ví von, lãi suất giảm giống như bức tranh đẹp, nhưng DN mới chỉ được đứng từ xa ngước nhìn.

Vị lãnh đạo DN này phân tích những nhận định của mình: Việc NH Nhà nước ban hành Thông tư 14 quy định về trần lãi suất cho vay (15%), với phạm vi khá rộng mà theo tính toán có thể có đến 99% số lượng DN Việt Nam sẽ được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp này. Nhưng đây chỉ là lý thuyết, bởi lẽ, các NH không hạ chuẩn tín dụng. Quy định của các NH chỉ ra rằng nếu DN đang có nợ xấu và tình hình tài chính không lành mạnh thì sẽ không được vay. Với tiêu chuẩn này đã “gạt” mất cơ hội tiếp cận vốn của khoảng 97% số lượng các DN.

Ngoài ra, NH quy định nếu cho vay mới phải nêu phương án kinh doanh, hiệu quả hoạt động và phương án trả nợ. Một khảo sát chi tiết ở 16 DN đang tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất trung bình, thì tất cả đều không đạt được tiêu chuẩn quy định này của các ngân hàng.


Phải tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính thì DN mới tiếp cận được vốn NH

Theo ông Lý, chuyện DN không tiếp cận được vốn NH không nằm ở khúc mắc giữa DN và NH thương mại về lãi suất, mà điểm mấu chốt nằm ở nợ xấu. Hiện nay, NH Nhà nước mới chỉ có một công văn duy nhất với nội dung cho phép DN gia hạn nợ, xem xét giảm lãi suất. Nhưng trên thực tế thì quy định này dường như vô nghĩa đối với các DN. Bởi DN một khi không thể trả được nợ thì việc gia hạn là điều hiển nhiên, nhất là khi khoản gia hạn này vẫn được tính lãi, thậm chí là lãi suất cao.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia NH, TS Lê Xuân Nghĩa, cho rằng, chính các NH thương mại cũng là DN, vì thế, trước hết họ cũng phải vì lợi ích của bản thân mình. Lợi ích của NH nằm ở chỗ phải giải ngân được vốn. “Theo tôi được biết, hiện các NH thương mại đã cân đối được thanh khoản, nên nguồn vốn cho DN vay tương đối dồi dào. Tuy nhiên, do chính sách thắt chặt của NH Nhà nước về các điều kiện vay vốn khiến dòng vốn không thể lưu thông. Điều này không khác gì chuyện “cám treo, heo nhịn”, DN nhìn thấy tiền mà không làm gì được”, ông Nghĩa lý giải.

Ngoài ra, việc định giá tài sản đảm bảo cũng chính là một “ba-ri-e” mà các DN hiện tại khó vượt qua. Theo phân tích của ông Nghĩa, hiện các DN đã kiệt quệ bởi liên tiếp các đợt khủng hoảng kinh tế, bởi chính sách thắt chặt tín dụng của NH Nhà nước trước đây. Vì vậy, hầu như các tài sản của họ đã bị thế chấp để vay vốn. Ngoài ra, “cùng một mảnh đất trước kia định giá 1 tỷ đồng bây giờ chỉ còn 500 triệu đồng; cũng mảnh đất đó trước kia có thể vay đến 75% nhưng nay sẽ chỉ còn được vay 30% của số 500 triệu đó. Rõ ràng đây là rào cản lớn đối với DN tiếp cận vốn”, ông Nghĩa cho hay.

Chính phủ ra tay mới cứu được DN

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường – giá cả cho rằng, nếu vào năm 2011, dư luận mới chỉ đặt dấu hỏi về những lợi ích của NH quá lớn khi các DN gặp khó khăn. Thì đến nay, những lợi ích đó có vẻ như đã lộ rõ hơn khi đã có những thông tin về việc một số NH thương mại đang tiếp tục kế hoạch mua lại 70-80% cổ phần trong những DN mà họ thèm muốn. Cũng đã có những xác nhận về việc các NH cố tình gây khó khăn và không cho DN vay, với mục đích cuối cùng là DN không thể trả được nợ và lãi vay cho NH, khiến cho số DN này phải “bán thân” cho những tổ chức “cá mập” đầu cơ.

Ngoài ra, cũng theo ông Ánh, việc Nhà nước đưa ra gói cứu trợ 29 nghìn tỷ đồng, cộng với liên tục giảm trần lãi suất của NH Nhà nước, thực chất không có tác dụng đáng kể, hay nói cách khác là “giả vờ cứu DN”. “Một số NH thậm chí còn đưa ra những điều kiện mà DN phải thốt lên rằng NH đang “treo cá gỗ”, họ chỉ có thể ngồi nhìn. Thực thế, 4 lĩnh vực được khuyến khích là nông nghiệp - nông thôn, hàng XK, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, được xem là chiếm đến 90% thị phần tín dụng cho vay của khối NH, lại đã chỉ nhận được một tỷ lệ nhỏ nhoi giải ngân vốn do các NH đã tự đặt ra những điều kiện quá ngặt nghèo để có thể vay được. Tại nhiều ngân hàng và trong nhiều trường hợp khách hàng là DN, nhiều xác nhận thực tế cho thấy DN đã không làm cách nào tiếp cận được với mức lãi suất “ưu đãi” dù chấp nhận mức 16-18%.

Theo ông Nguyễn Việt Hưng, GĐ Khối NH Bán lẻ của PG Bank, khi DN không tiếp cận được vốn NH, thì kênh thoát vốn duy nhất của các NH là cho vay liên NH. Tuy nhiên, ngay trên thị trường này cũng đang có dấu hiệu thừa tiền khi lãi suất qua đêm mới đây chỉ còn 1,7-2%/năm. So với mức lãi suất hơn 30%/năm trên thị trường liên NH hồi đầu tháng 11/2011, có thể thấy các NH đang thừa tiền đến mức nào. Vì vậy, xu hướng tất yếu là nếu không cho vay được thì NH không thể huy động nhiều. Lúc đó, thị trường sẽ tự điều chỉnh, và hệ quả là tín dụng có thể đóng băng.
Về giải pháp, ông Ánh cho rằng, trong trường hợp này Chính phủ phải bỏ tiền ra để cứu DN thông qua cơ chế “bơm” vốn cho các NH thương mại. Điều này có thể nảy sinh nhiều hệ lụy, mà điều đầu tiên có thể nhận thấy ngay, đó là ngân sách Nhà nước giảm sút. Ngoài ra, nỗi lo lạm phát vừa chìm lắng có thể bùng lên. Tuy nhiên, việc này cần phải được tiến hành ngay vì càng tiến hành chậm thì giá phải trả trong tương lai càng đắt.

Ông Ánh phân tích, trường hợp năm 1988 của Nhật Bản đang giống với Việt Nam hiện nay, vốn ngoài NH, tức là chủ yếu nằm ở trong DN, bị suy kiệt và NH đóng băng tín dụng. Chính phủ Nhật Bản lúc đó đã chọn giải pháp tăng đầu tư công, với hy vọng rằng thông qua đầu tư công để phục hồi nền kinh tế.

Ngoài ra, để làm cho DN và NH “tin nhau”, thì Chính phủ, mà trực tiếp là NH Nhà nước, cần phải “thông thoáng hóa” thủ tục cho vay đối với DN. “Chính phủ có thể đứng ra bảo lãnh tín dụng, hoặc bảo lãnh tín chấp cho DN vay vốn mà không cần tài sản đảm bảo. Hơn nữa, hầu hết các DN đã kiệt quệ, không còn vốn để đảo nợ những khoản vay lãi suất cao từ trước, thì Chính phủ có thể khoanh nợ, hoặc tạo điều kiện để DN vay ngắn hạn với lãi suất thấp, sau đó đảo nợ những khoản vay lãi cao”, ông Ánh đề xuất.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.