| Hotline: 0983.970.780

Cần bao lâu để cải cách vào thực tế?

Thứ Năm 21/11/2013 , 08:49 (GMT+7)

Tách bạch các khái niệm sở hữu, đưa ra điều khoản luật pháp và giải quyết những vấn đề lịch sử để lại là những điều được báo chí Trung Quốc và nước ngoài đề cập tới trong chương trình cải cách ruộng đất ở Trung Quốc.

Tách bạch các khái niệm sở hữu, đưa ra điều khoản luật pháp và giải quyết những vấn đề lịch sử để lại là những điều được báo chí Trung Quốc và nước ngoài đề cập tới trong chương trình cải cách ruộng đất ở Trung Quốc.

>> Chưa rõ ràng
>> Trung Quốc cải cách ruộng đất thế nào?

Khoản thu khổng lồ

China Real Estate News, tờ báo chuyên về bất động sản của Trung Quốc dẫn nguồn tin giấu tên nói: “Các lãnh đạo Trung ương luôn lo ngại việc thay đổi chính sách đất đai sẽ khiến các nông dân bỏ đất và dễ dàng gây ra một yếu tố bất ổn xã hội. Chính vì thế, Chính phủ Trung Quốc luôn kiềm chế, chưa đưa ra một lập trường rõ ràng về vấn đề này”.

Nông dân Trung Quốc không có quyền sở hữu đất, họ chỉ được phép sử dụng và quyền sở hữu thuộc về nhà nước.

Điều này được báo China Real Estate News cho là đã tạo ra những khoản lợi nhuận khổng lồ về đất với chính quyền và các nhà đầu tư khi mà chỉ giao dịch một chiều với nông dân, những người không có quyền quyết định.

Theo báo chí chính thống Trung Quốc, hiện có 3 loại đất ở nông thôn: Đất tập thể dành cho nông nghiệp, đất tập thể dành cho xây dựng và đất dành cho nông dân xây nhà ở.

Theo số liệu của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, doanh thu về đất đai là nguồn thu nhập quan trọng của chính quyền địa phương Trung Quốc khi đóng góp đến 1,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 230 tỷ USD) trong năm 2012, chiếm 11% tổng thu nhập của chính quyền địa phương.

Trong khi đó, tờ International Business Times dẫn tài liệu của Yuhui Liu, nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc nói chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang phải gánh khoản nợ lên đến 20 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Khảo sát mới nhất trong năm 2011 của Landesa - Tổ chức là đối tác của các chính phủ và tổ chức phi chính phủ nhằm đảm bảo quyền sử dụng đất cho thấy, 43% người dân nông thôn Trung Quốc nói các quan chức đã hoặc đang cố gắng tịch thu đất của họ.



Nông dân Trung Quốc được cho là đối tượng hưởng lợi nếu chính sách đất đai thay đổi

Con số này đã tăng gần gấp đôi so với 29% của năm 2008. Landesa thậm chí còn nói chính quyền chỉ đền bù cho nông dân khoảng 2% giá trị mảnh đất của họ.

Tuy nhiên, báo chí chính thống ở Trung Quốc chưa xác nhận thông tin này.

International Business Times dẫn nguồn các nhà nghiên cứu nói, mỗi năm có khoảng 4 triệu người dân nông thôn bị chính quyền thu đất và mâu thuẫn về đất đai chiếm 65% trong số khoảng 167.000 vụ kiện cáo ở Trung Quốc, tính riêng trong năm 2010.

Cũng theo những số liệu này, khi các nông dân Trung Quốc mất đất do di dời hay bị đô thị hóa, chỉ hơn 20% trong số họ được chuyển sang hộ khẩu thành phố, 13,9% được nhận bảo hiểm xã hội, 9,4% nhận được bảo hiểm y tế và chỉ 21,4% trong đó lo cho con vào được các trường học thành phố.

Phá thế độc quyền

Cải cách ruộng đất sẽ đòi hỏi kèm theo thay đổi về tài chính và thuế. “Chính quyền địa phương vẫn muốn độc quyền cung cấp đất đai bằng việc sung công. Việc cho nông dân thêm quyền sở hữu sẽ phá vỡ thế độc quyền đó”, Shi Xiaomin, Phó Giám đốc Hiệp hội cải cách kinh tế Trung Quốc, chuyên gia cố vấn của chính phủ nói.

Trong quá trình tranh chấp, giải tỏa hay thu hồi đất đai của nông dân của chính quyền luôn xảy ra nhiều cuộc đụng độ, thậm chí là bạo lực gây hậu quả nặng nề.

Gần đây nhất là cái chết thương tâm của bé gái 4 tuổi Xiaorou Hong sau khi bị xe ủi cán qua trong lúc gia đình em đang cố gắng chống lại việc thu hồi đất của chính quyền.

Từ những thực tế, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đã nhận xét "cải cách có thể được thực hiện nhưng khó khăn lớn nhất phải vượt qua chính là nguồn thu khổng lồ của chính quyền địa phương hiện nay". Vì vậy, chính quyền địa phương có lẽ sẽ miễn cưỡng ủng hộ cải cách này vì bị giảm nguồn thu từ kinh doanh đất như hiện nay.

Trong khi đó, website chính thức của Chính hiệp Trung Quốc (cơ quan tương đương Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) hôm 20/11 nêu rõ: Theo cơ chế mới, nếu được phép, đất nông nghiệp có thể được dùng cho một loạt mục đích như công nghiệp, thương mại, phát triển du lịch, xây nhà cho nông dân.

Theo đó, những mảnh đất ở nông thôn còn có thể được chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp.

Việc này được cho là sẽ cơ bản giải quyết mẫu thuẫn đất đai và lập nên những nông trại lớn, mang tính hiện đại hơn.

Trang web của Chính hiệp Trung Quốc cũng kêu gọi các địa phương tích cực thí điểm để triển khai trên diện rộng mô hình nông thôn mới nêu trên.

Tạ Phi Hưu, một chuyên gia kinh tế nông nghiệp của Viện Khoa học nông nghiệp An Huy cho rằng, cải cách chế độ sở hữu đất đai đang được thử nghiệm ở tỉnh này là “bước tiến vô cùng lớn” để nông dân không bị thiệt thòi vì cơ chế đền bù giá đất lâu nay luôn chậm nhiều nhịp so với thị trường.

Tạp chí Kinh tế Trung Quốc dẫn lời ông Nhậm Chí Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn bất động sản Hoa Viễn, nói việc nghiên cứu thay đổi chế độ sở hữu đất đai ở Trung Quốc đã được giới chức nước này nghiên cứu 5 năm qua.

“Bây giờ là lúc chúng ta cần có những công cụ luật pháp cụ thể để đưa đề án cải cách đất đai vào thực tế”, ông Nhậm nói.

Tuy nhiên, thay đổi chế độ sở hữu đất đai theo hướng “thoáng” hơn bị cho là sẽ đối mặt rất nhiều vấn đề. Lưu Uyên, chuyên gia bất động sản Trung Quốc, cho rằng lộ trình thực hiện cải cách sẽ cần ít nhất 10 năm để có những thành công cơ bản.

“Ngoài những vấn đề như thay đổi Luật sở hữu đất đai, giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại thì xác định phương thức, quy mô chuyển nhượng đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là những điều vô cùng phức tạp”, ông Lưu nói.

Tờ Dương Châu buổi tối hôm 20/11 trích ý kiến một số chuyên gia kinh tế - xã hội học cho rằng cần bổ sung thêm điều khoản “cha truyền con nối” cho những mảnh đất đang được nông dân canh tác. Nghĩa là, quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ được truyền từ đời này sang đời khác, coi như một thứ “gốc rễ” khiến nhà nông yên tâm sản xuất.

Tờ báo này cũng đề nghị tách biệt rõ ràng hai khái niệm “sở hữu tập thể” và “sở hữu nông dân”. Theo đó, tập thể - tức chính quyền địa phương nắm quyền sở hữu mảnh đất; trong khi đó, nông dân sẽ nắm quyền sở hữu những lợi tức sinh ra trên mảnh đất đó, cho dù nó được chuyển mục đích sử dụng - không nhất thiết phải là canh tác nông nghiệp.

Hiện tại, mới chỉ có tỉnh An Huy đang là nơi duy nhất ở Trung Quốc áp dụng thí điểm cải cách sở hữu ruộng đất. Đa phần các chuyên gia và cả nông dân Trung Quốc được báo chí nước này cho rằng còn cần ít nhất 5 năm, 10 năm để thực sự giải quyết bài toán đất đai. (Hết)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm