| Hotline: 0983.970.780

Căn bệnh gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam

Chủ Nhật 18/11/2018 , 10:05 (GMT+7)

Đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.

Tăng nhanh

GS. TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội cho biết, đái tháo đường là một trong những vấn đề y tế toàn cầu của của thế kỷ 21, là gánh nặng tài chính cho chăm sóc y tế cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

h-duong-huyet-gy-bien-chung174423342
Máy đo đường huyết

Theo nghiên cứu của Cục Quản lý khám chữa bệnh, đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2017, Việt Nam có tới 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường, tương đương với 6% tổng dân số. Dự đoán đến năm 2045 sẽ có 6,3 triệu người mắc đái tháo đường, tăng 78,5%.

Tuy nhiên, theo GS Trần Văn Thuấn có tới 70% người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và trong số đó, chỉ 28,9% bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Nguy hiểm hơn nữa là tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không hay biết, thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2 đã được ghi nhận.

Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng cho biết, bên cạnh các yếu tố nguy cơ hành vi như: hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, căng thẳng thường xuyên... thì một trong những nguyên nhân dẫn đến số người mắc đái tháo đường gia tăng và trẻ hóa là do dịch vụ khám, phát hiện sớm, tư vấn, truyền thông nâng cao nhận thức còn chưa được quan tâm đúng mức. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng trong giai đoạn đầu vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí, ngay trong gia đình người bệnh cũng chưa có sự nhận thức đầy đủ về các triệu chứng của bệnh để có những hành động kịp thời.
 

Phòng bệnh thế nào?

Trong khi đó, bệnh có diễn biến khá “thầm lặng” với những dấu hiệu tương đồng nhiều bệnh khác, khiến người mắc phải đôi khi rất khó nhận ra. Khi đã mắc bệnh, sức khoẻ và tinh thần của người bệnh sẽ bị sụt giảm nhanh chóng, kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đầu tiên có thể kể đến biến chứng tim mạch, theo thống kê của Chương trình phòng ngừa bệnh tiểu đường quốc gia, trên 65% số ca tử vong ở người bệnh tiểu đường là do bệnh tim mạch và đột quỵ. Lượng đường trong máu cao làm tăng sự lắng đọng mỡ ở thành mạch và chậm dòng chảy của máu. Từ đó khiến các mạch máu bị hẹp không thể bơm đủ máu đến tim, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngoài ra, người bị bệnh tiểu đường thường có lượng đường trong máu cao - nguyên nhân gây tổn thương các tế bào vi mạch thận, làm rối loạn chức năng lọc của thận và bài tiết nước tiểu, dẫn đến các vấn đề về thận. Nếu để lâu không chữa trị kịp thời, bệnh nặng dần sẽ dẫn đến suy thận và hủy hoại chức năng thận. Dó đó, bạn cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu và huyết áp...

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh đái tháo đường việc đầu tiên kiểm soát được cân nặng, tránh để tình trạng thừa cân béo phì. Tiếp đến đó là hạn chế tối đa thức ăn nhanh, tránh ăn thịt đỏ đặc biệt đối với phụ nữ hơn 30 tuổi.

“Hãy cố gắng đi bộ. Đi bộ làm cho bạn khỏe hơn, thậm chí là giảm cân. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi, là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh sớm”, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương Trần Ngọc Lương khuyến cáo.

Các chuyên gia cũng lưu ý, người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.

Tổ chức Y tế Thế giới và Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới chọn ngày 14/11 hàng năm là Ngày phòng, chống đái tháo đường nhằm thúc đẩy việc phối hợp hành động để đối phó với bệnh đái tháo đường,  một vấn đề sức khoẻ toàn cầu quan trọng.

Ngày phòng, chống đái tháo đường Thế giới năm nay với chủ đề “The Family and Diabetes” và tại Việt Nam là “Gia đình cùng hành động sớm phòng chống bệnh đái tháo đường”, với 2 mục đích chính: Một là, nâng cao nhận thức về tác động của bệnh đái tháo đường đối với gia đình và mạng lưới hỗ trợ của những người bị ảnh hưởng. Hai là, thúc đẩy vai trò của gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa và giáo dục đái tháo đường.

 

(Kiến thức gia đình số 46)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất